Mai Châu - Hòa Bình: Nguồn “than lạ” ồ ạt về cảng Phúc Sạn

22/06/2019 21:30

(TN&MT) - Hàng chục  “tàu than” từ tỉnh Sơn La ồ ạt chở về khu vực cảng Bãi Sang, xã Phúc Sạn, huyện Mai Châu (Hòa Bình) để rồi từ đây, than được vận tải lên xe...

 

(TN&MT) - Hàng chục  “tàu than” từ tỉnh Sơn La ồ ạt chở về khu vực cảng Bãi Sang, xã Phúc Sạn, huyện Mai Châu (Hòa Bình) để rồi từ đây, than được vận tải lên xe tải trọng lớn chở về Nhà máy xi măng X18 (Nho Quan – Ninh Bình). Điều lạ, nguồn than này có đượckhai thác hợp pháp ở Sơn La hay không? Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ các tài nguyên khoáng sản đang tập kết tại đây.

Hb ảnh 1 Than tập kết lên bãi của cảng Phúc Sạn, rồi xúc lên xe
Than tập kết lên bãi của cảng Phúc Sạn, rồi xúc lên xe

Trao đổi với phóng viên, chị Bùi Thị T, một người dân xã Phúc Sạn, làm nghề đánh cá và nuôi cá bè ở khu vực cảng này cho biết: “Hàng ngày, có đến hàng nghìn tấn than cám được chở từ xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La về đây. Lúc đầu họ làm ăn lấm lét, nhưng sau khi quen “thổ nhưỡng”, họ bắt đầu lộng hành. Ngày cũng như đêm, than cứ thế chảy ồ ạt về đây để bán. Than được máy xúc, xúc từ tàu lên xe, chở lên bến cảng. Và “người thầu” lại cho máy xúc bốc lên xe tải “5, 6 chân” kéo sơ-mi chở đi bán. Nói chuyện với một số lái xe, các lái xe này cho biết họ chỉ là người làm thuê, lái những chiếc xe này về nhà máy xi măng X18 ở huyện Nho Quan, Ninh Bình bán.

“Mục sở thị” tại bến cảng xã Phúc Sạn, phóng viên thấy những phản ánh của người dân địa phương là có cơ sở. Những đoàn xe tải hạng nặng chở than từ bến cảng đi ra ngã ba Đồng Bảng tập kết, chờ nhau thành từng đoàn. Đến khi đủ đoàn xe, từ 5 – 8 chiếc xe thì cùng nhau xuất phát, nhằm hướng ngã ba Tân Lạc thẳng tiến. Về đến QL 12 thì rẽ đi về đường mòn Hồ Chí Minh.

HB ảnh 2 Đang xúc lên xe
Đang xúc than lên xe

Trong lúc phóng viên đang chụp hình tại đây, bất thình lình có 1 người đàn ông bặm trợn chạy đến gây sự. Ông này cho rằng, khu vực này không được chụp hình, và cũng không nói rõ lý do, tại sao lại cấm chụp hình khi hàng loạt tàu chở than neo đậu rải rác ở dưới. Sau một hồi cãi lý, ông này gọi điện thoại đi đâu đó “báo cáo” tình hình.     

Trong lúc tác nghiệp phía cổng của khu vực cảng, phóng viên có gặp bà Vũ Thị Liên, quê Nam Định, nhà ngay gần cổng cảng Bãi Sang cho biết: Khoảng hơn 1 tuần nay, đoàn xe của Cty Thống Nhất nào đó, xe mang BKS tỉnh Bắc Giang kéo đến đây để vận tải than từ các tàu tải trọng khoảng 300 tấn hàng ngày neo đậu dưới lòng hồ thủy điện Hòa Bình để chở đi Ninh Bình bán. Bức xúc, chị Liên cho biết thêm: Đoàn xe gây ô nhiễm khói bụi suốt ngày, tiếng ồn ầm ĩ. Đã vậy, một người bảo vệ, trông coi ở đây lại hay hống hách, ăn nói linh tinh, và gây sự với gia đình nhà chị. Chị đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật cần sớm vào cuộc làm rõ nạn trung chuyển than đang hàng ngày diễn ra tại đây, để tránh tình trạng xe quá tải, tránh tình trạng lợi dụng quản lý lỏng lẻo để biến cảng cá thành cảng chứa chấp than lậu ở đây.

HB ảnh 3 sau khi đầy hàng, xe nhanh chóng rời đi
Sau khi đầy hàng, xe chở than nhanh chóng rời đi


Qua điều tra, phóng viên được một số lái thuyền chở hàng trên vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình cho biết: Những chiếc tàu chở than đó đều xuất phát từ xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ chở xuống. Mà mỏ than Suối Bàng do Cty CP Khoáng sản KTB thì liên tục bị UBND tỉnh Sơn La yêu cầu dừng khai thác. Cụ thể: ngày 19/9/2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hành Văn bản số 3248/UBND-KT yêu cầu Công ty CP đầu tư khoáng sản KTB tiếp tục dừng hoạt động khai thác than tại mỏ than Suối Bàng II, xã Suối Bàng, để khắc phục những tồn tại khuyết điểm gồm: Lập bản đồ hiện trạng mỏ, mặt cắt khu vực được phép khai thác, thống kê, kiểm kê số lượng khoáng sản còn lại năm 2017; nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tiền chậm nộp là hơn 9,7 tỷ đồng; làm thủ tục cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước. Ngoài ra, văn bản của Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La cũng đề nghị Công ty KTB điều chỉnh dự án đầu tư cho phù hợp với với phương pháp thực tế khai thác; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường bổ sung; điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho phù hợp với dự án đầu tư điều chỉnh; điều chỉnh nội dung giấy phép khai thác...

Đồng thời yêu cầu Công ty KTB tiếp tục hạ độ cao bãi thải, kè rọ đá dưới chân bãi thải, trồng cây keo lên tất cả các bãi thải, khắc phục hậu quả đã sạt lở và chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, tính mạng do hai bãi thải gây ra; nộp tiền sử dụng số liệu thông tin thống kê kết quả thăm dò mỏ than khi có quyết định phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thời gian hoàn thành trong 90 ngày kể từ ngày 19/9/2018, nếu không thực hiện sẽ bị thu hồi giấy phép khai thác. Văn bản cũng yêu cầu và giao các Sở, ban ngành liên quan giám sát, kiểm tra, đôn đốc thực hiện những nội dung trong văn bản và yêu cầu công ty KTB báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường ngày 25 hàng tháng…

HB ảnh 4 Một chiếc tàu đã được xúc hết than
Một chiếc tàu đã được xúc hết than

 

Đã đến lúc các cơ quan chức năng, bảo vệ pháp luật của tỉnh Hòa Bình cần sớm vào cuộc, làm rõ tình trạng vận tải than trên. Tránh tình trạng lợi dụng sự xa xôi của các cơ quan chức năng để biến nơi này thì điểm tập kết khoáng sản “ăn cắp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mai Châu - Hòa Bình: Nguồn “than lạ” ồ ạt về cảng Phúc Sạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO