Xã hội

Luôn giữ “lửa nghề” để cháy  cùng đam mê

Báo TN&MT 21/06/2023 - 06:49

(TN&MT) - Như thường lệ, trước ngày “hội nghề”, chúng tôi, những người cầm bút, lại có dịp trải lòng với những kỷ niệm để tích lũy, để học hỏi và để luôn giữ lửa nghề và cháy cùng đam mê Nghề báo.

nha-bao-nguyen-quynh-1-.jpg
Thanh Quỳnh - Phóng viên thường trú tại TP. HCM

Phía trước tôi là những ngày ý nghĩa

 Thanh Quỳnh - Phóng viên thường trú tại TP. HCM

Gắn bó với Báo Tài nguyên và Môi trường từ những ngày đầu, tôi đã có rất nhiều chuyến công tác tới các vùng miền của đất nước. Ban đầu, cũng như nhiều phóng viên, trong những chuyến công tác, tôi chỉ đơn thuần là đi khám phá, đi lấy thông tin, tư liệu để viết bài phản ánh về thực trạng các vấn đề liên quan tới vấn đề tài nguyên và môi trường, kinh tế - xã hội tại địa phương ấy.

Qua thời gian, tôi nhận thấy tài nguyên và môi trường là lĩnh vực khó, liên quan mật thiết đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống người dân. Những năm gần đây, hệ thống chính sách, pháp luật lĩnh vực tài nguyên và môi trường ngày càng hoàn thiện và đồng bộ; công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường tại các địa phương đang ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả… Vấn đề là chúng ta phải làm sao phổ biến, tuyên truyền các chính sách pháp luật tài nguyên và môi trường tới cơ sở, tới từng người dân, từ đó công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu mới thực sự phát huy hiệu quả.

Vì vậy, trong các chuyến tác nghiệp, bên cạnh nhiệm vụ chính là ghi nhận thông tin, tôi luôn tranh thủ hướng dẫn, giải thích, tư vấn cho người dân các vấn đề liên quan đến tài nguyên và môi trường, các quy định của pháp luật, mục đích cuối cùng là làm sao để vận dụng chính sách pháp luật tài nguyên và môi trường đúng đắn nhất, hiệu quả nhất…

Tôi nhớ mãi lần đến Thạnh An (Cần Giờ) - xã đảo duy nhất của TP.HCM. Thời điểm năm 2019, UBND huyện Cần Giờ đang phối hợp với Sở TN&MT triển khai Chương trình giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy trên địa bàn xã. Gần 2 ngày trên xã đảo, tôi đã chứng kiến người dân hăng say sản xuất, cuộc sống đã có nhiều cải thiện nhờ các chính sách giảm nghèo bền vững của Nhà nước. Tuy nhiên, những khái niệm  như “bảo vệ môi trường”, “ứng phó biến đổi khí hậu”, “hạn chế rác thải nhựa”… còn khá xa lạ với người dân nơi đây.

Để giúp người dân hiểu và tham gia chương trình giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy, chính quyền địa phương đã thành lập 10 Tổ tuyên truyền với 40 thành viên đến từng khu, xóm để phổ biến, hướng dẫn, vận động người dân. Được tham gia một buổi tuyên truyền, tôi đã xin phép đồng chí Tổ trưởng cho tôi được “nói với bà con đôi điều”.

Vậy là bằng tất cả hiểu biết của một phóng viên có nhiều năm viết về mảng tài nguyên và môi trường, tôi đã “say sưa” nói về những tác hại “kinh khủng” của túi ni lông, đặc biệt là những tác hại trực tiếp đến việc nuôi trồng thủy sản của người dân, lợi ích của việc sử dụng các bao bì thân thiện môi trường… Kết thúc bài “tuyên truyền” sau gần 20 phút, tôi nhận được một tràng pháo tay khá dài của những người dân và cán bộ Tổ tuyên truyền. Sau đó, một bác gái lớn tuổi đứng lên nói “cán bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nói đúng vậy thì tôi thực hiện thôi”. Lúc đó, tôi thấy rất vui, cảm thấy mình như là một “sứ giả” của ngành TN&MT, góp một phần đưa chủ trương, chính sách của ngành đến với người dân.

Phía trước tôi, chắn chắn sẽ còn rất nhiều chuyến công tác ý nghĩa như vậy!.

khanh-ly.jpg
Khánh Ly - Phóng viên phòng Thư ký - Biên tập

Tôi học được cách nhìn tích cực trước biến đổi khí hậu

Khánh Ly - Phóng viên phòng Thư ký - Biên tập

Những tháng chính hè, nắng nóng đỉnh điểm, nhu cầu dùng điện tăng cao nên cơ quan chức năng liên tục kêu gọi tiết kiệm điện. Năng lượng tái tạo lúc này được dư luận chú ý như một nguồn thay thế đầy tiềm năng nhưng còn bị bỏ ngỏ. Đây là thời điểm thích hợp để báo chí vào cuộc, xới xáo nhiều vấn đề liên quan đến một chủ đề khá mới: Chuyển đổi năng lượng - tức chuyển đổi từ các nguồn năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm lớn sang các nguồn năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường.

Đặc thù của nghề báo tiếp xúc với thông tin mới, còn với tôi, BĐKH thường là thông tin mới của mới. Tác động của BĐKH mỗi năm mỗi khác và các giải pháp ứng phó, nỗ lực phòng chống của người dân, địa phương cũng liên tục được nâng cao mức độ, đổi mới phù hợp với tình hình cụ thể. Ngay chính những giải pháp mang tầm quốc tế phần nhiều cũng vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chưa có tiền lệ tại Việt Nam nên khi đưa về thí điểm áp dụng, có thành công cũng có thất bại. Dù vậy, mỗi người tôi gặp, dù là bác nông dân chuyển đổi mô hình sản xuất thích ứng với thời tiết bất thường, nhà quản lý nỗ lực đàm phán những điều khoản có lợi nhất cho Việt Nam khi thực hiện các cam kết quốc tế, lãnh đạo địa phương đau đáu với sạt lở đê kè do nước biển dâng... tất cả họ đều có cái nhìn tích cực về cơ hội do BĐKH mang lại: Cơ hội làm giàu cho đất nước, cho địa phương mình; cơ hội phá bỏ những mô hình kinh tế kém hiệu quả để chuyển sang tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường và cũng tự bảo vệ sức khỏe cho người Việt mình.

Bản thân tôi khi viết về lĩnh vực cũng thường bối rối, bởi BĐKH có liên quan tới rất nhiều ngành nghề khác nhau. Thông thường, cách nhanh nhất của tôi là hỏi các chuyên gia để trích dẫn, đưa nhận định của họ vào bài viết. Biến đổi khí hậu cũng như các lĩnh vực khác thuộc ngành tài nguyên và môi trường, đều cần nghiên cứu cơ bản và có rất nhiều những thuật ngữ khoa học, kỹ thuật mang tính chuyên môn. Khi liên hệ với các ngành nghề, lĩnh vực khác lại càng có nhiều thuật ngữ bổ sung, như thách thức những người ngoài nghề như các phóng viên. Chính khi đó, phóng viên lại cần phát huy tính linh hoạt trong sử dụng ngôn từ để đem đến cho người đọc nội dung dễ hiểu, dễ tiếp cận mà vẫn tường minh bản chất của vấn đề. Có lẽ đó cũng là điều cuốn hút tôi khi viết bài, hay đọc bài báo của các đồng nghiệp viết về biến đổi khí hậu. Mỗi bài viết, mỗi nhân vật tiếp xúc, mỗi sự kiện đi qua đều đem lại kiến thức mới cho tôi trên chặng đường gắn bó với nghề báo, giúp tôi tự tin hơn khi tác nghiệp sau này.

Dưới mái nhà chung Báo Tài nguyên và Môi trường, tôi cũng như các anh chị đồng nghiệp vẫn sẽ luôn nỗ lực, cố gắng từng ngày, từng giờ đem đến cho độc giả những thông tin thời sự, chân thực về ngành. Thông qua các tin tức, bài viết, chúng tôi dường như là chứng nhân trên những chặng đường xây dựng phát triển của ngành TN&MT nói chung, của từng lĩnh vực nói riêng. Đây có lẽ cũng là trải nghiệm khó quên với những phóng viên báo ngành.

anh-3-thanh-tung.jpg
Bùi Thanh Tùng - Phóng viên Thường trú tại Quảng Bình

Tôi “đi thường trú”

Bùi Thanh Tùng - Phóng viên Thường trú tại Quảng Bình

Cuối năm 2022, từ phóng viên của Phòng Báo điện tử, tôi được luân chuyển về Văn phòng đại diện miền Trung, sau đó được lãnh đạo Văn phòng phân công làm phóng viên thường trú tại tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị.

Tôi hình dung về công việc của một phóng viên thường trú vừa mới mẻ, cuốn hút nhưng cũng đầy thử thách. Một lý do khác là từ khi vào làm báo hơn 10 năm nay, tôi chỉ “trung thành” với công việc của phóng viên “chạy” thời sự, đã quá quen thuộc, không còn nhiều sự hứng khởi. Tôi nghĩ, thay đổi lúc này cũng là cơ hội rất hay. Quyết định thường trú đã nhận, tư tưởng cũng đã sẵn sàng nhưng thách thức lúc này là phải được sự đồng thuận, tạo điều kiện của gia đình. Với các phóng viên thường trú là người địa phương thì khá đơn giản, bởi họ đã quen thuộc địa bàn và gia đình cũng ở đó. Với tôi lại khác, gia đình ở Hà Nội, các con đều còn nhỏ.

Quảng Bình, Quảng Trị lại cách xa nhà hơn 500km, việc sinh hoạt, đi lại sẽ khá vất vả. Mọi khó khăn sẽ dồn lên vợ ở nhà. Có điều, rất may mắn với tôi khi vợ cũng là phóng viên nên rất hiểu công việc làm báo. Khi tôi tâm sự nguyện vọng đi thường trú, vợ tôi không những đồng ý mà còn hỗ trợ tôi rất nhiều trong công việc sau này.

Vậy là “cửa ải” khó khăn nhất đã qua. Cái khó tiếp theo là làm sao nhanh chóng nắm bắt, làm quen với địa bàn được phân công. Với tôi, Quảng Bình và Quảng Trị đều là các vùng đất mới. Mọi thứ phải bắt đầu từ con số 0. Xác định muốn làm quen nhanh với địa bàn thì cách tốt nhất là phải dành nhiều thời gian cho nó. Sau khi “an cư”, tôi bắt tay ngay vào đăng ký đề tài, đặt lịch làm việc với các sở, ngành và đi viết tại các huyện. Tôi đặt mục tiêu, mỗi tuần phải đi và viết được một số nội dung liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường tại một ngành, hoặc một huyện trong tỉnh. Đó là cách tốt nhất để lãnh đạo địa phương “biết mặt” và cũng là cách tốt nhất để mình có thông tin thực tế về tình hình chung của địa phương.

Nhờ được sự chỉ đạo, hỗ trợ tận tình từ Ban Biên tập, Lãnh đạo Văn phòng miền Trung và đặc biệt là các đồng nghiệp là các phóng viên thường trú đi trước, tôi dần nắm bắt được địa bàn, nhanh chóng quen với công tác phối hợp tuyên truyền về lĩnh vực tài nguyên và môi trường được thực hiện thường xuyên, ngày càng chất lượng hơn. Tôi đã thực hiện được hàng trăm tin, bài về các vấn đề kinh tế-xã hội nổi bật của tỉnh, trong đó, đi sâu khai thác các khía cạnh của lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Trong tháng 5/2023, tôi đã thực hiện được một chuyên đề chuyên sâu về hoạt động quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, nhận được phản hồi tích cực từ địa phương và lãnh đạo Văn phòng. Đây là kết quả bước đầu, tạo động lực cho bản thân tôi làm tốt hơn trong các chuyên đề sau này.

anh-2-duc-canh.jpg
Nguyễn Đức Cảnh - Phóng viên Thường trú tại Hà Tĩnh

Cóp từng bài học, gửi vào con chữ

Nguyễn Đức Cảnh - Phóng viên Thường trú tại Hà Tĩnh

Một ngày tháng 6, nắng miền Trung như đổ lửa. Từ hướng gió, phía thượng nguồn rừng phòng hộ Sông Tiêm thuộc địa bàn huyện Hương Khê nghe tiếng cưa rít liên hồi. Theo thông tin nội bộ, trước đó vài tuần đã có một nhóm người ngụy trang phương tiện “vượt qua” các chốt kiểm soát vào rừng, không loại trừ khả năng để khai thác gỗ.

Một số ý kiến còn nhận định, để đưa được cưa vào khu vực này rất khó nếu không có sự tiếp tay!. Lên ý tưởng, tôi lập tức báo cáo về tòa soạn để xin ý kiến. Một kế hoạch sau đó đã được vẽ ra chi tiết nhằm tiếp cận “điểm nóng”. Để mục sở thị hiện trường chỉ có một con đường độc đạo, vì thế khó khăn đầu tiên là không lộ thân phận trước những lớp rào chắn “không phận sự miễn vào”. Chỉ cần thao tác nhỏ thiếu thận trọng sẽ bị nghi ngờ, kế hoạch nguy cơ bị chặn lại. Và tôi đã may mắn khi có sự “bảo lãnh” của một người “trong cuộc” để vượt qua rào cản, đồng thời củng cố thêm sự tin tưởng của đối phương.

Gần ba tiếng lội suối, vượt rừng, ngoài máy ghi hình, thứ mang theo người còn lại là nước uống cũng đã bắt đầu hết dần. Đối mặt với các loại côn trùng nơi rừng sâu khiến sức khỏe của một thanh niên cưỡi xe máy chạy hàng trăm cây số mỗi ngày vẫn không biết mệt như tôi có dấu hiệu “xuống sức”, trong đầu có lúc muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, càng tiến gần điểm khai thác, tiếng cưa xăng, tiếng cây đổ, tiếng gỗ va chạm vào nhau như một đại công trường đã thôi thúc tôi vượt lên. Trước mắt là hoạt động khai thác gỗ trái phép, những cây gỗ hàng chục năm tuổi đang bị đốn hạ, từng hộp gỗ cưa vuông vắn nằm trải dài theo khe nước và được lưu lại đầy đủ bằng thiết bị ghi hình.

Vào được hiện trường đã khó, rời khỏi hiện trường càng khó hơn. Tuy nhiên, kịch bản và mọi sự khó khăn trong hoàn cảnh này đã có dự phòng trong quá trình tác nghiệp, thước phim đã được cất giấu một cách “chủ động” theo tôi rời khỏi hiện trường an toàn. Loạt bài bốn kỳ “Gỗ lậu giết dần rừng phòng hộ Sông Tiêm” xuất bản bài đầu tiên đã gây sự chú ý của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, các cơ quan chức năng và đã khẩn trương vào cuộc xác minh… Sau khi xác minh, cơ quan chức năng Hà Tĩnh đã thừa nhận có sự việc, kịp thời xử lý. Đặc biệt, loạt bài sau đó nhận được Giải thưởng báo chí Trần Phú - Một trong những giải thưởng báo chí uy tín hàng đầu do UBND Hà Tĩnh trao tặng.

Trong hơn mười năm gắn bó với nghề báo, với tôi, chặng đường vào nghề chưa dài nhưng cũng đủ để gom nhặt những bài học, để rồi những tác phẩm viết ra ngày càng có trách nhiệm hơn với xã hội. Đến một lúc nào đó, đọc lại những bài viết bằng cả nhiệt huyết vẫn thấy bồi hồi, xao xuyến, vẫn cảm nhận được “lửa nghề” để tiếp bước.

anh-1-thanh-tam.jpg
Trịnh Thị Tâm - Phóng viên Thường trú tại Thanh Hóa

Không ngừng tích luỹ thêm kinh nghiệm để viết về ngành

Trịnh Thị Tâm - Phóng viên Thường trú tại Thanh Hóa

Gần 10 năm ra trường, cũng là 10 năm tôi gắn bó với Báo Tài nguyên và Môi trường. Được phân công thường trú tại Thanh Hóa, những ngày đầu mới bước chân vào nghề, mọi kiến thức nghề báo với tôi thật sự rất mông lung. Lý thuyết được học ở giảng đường đại học khác xa với quá trình thực tế công tác. Rồi vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu,
tôi dần tìm cách thích nghi, học hỏi.

Ban đầu chỉ là những tin ngắn gọn về những vấn đề thời sự, những sự kiện liên quan tới ngành tài nguyên và môi trường. Trải qua mấy tháng công tác, cùng gắn bó với những người đồng nghiệp trong Văn phòng Bắc Trung Bộ (nay là Văn phòng Miền Trung) Báo Tài nguyên và Môi trường tôi đã học hỏi, tích luỹ thêm kinh nghiệm để có thể viết được nhiều thể loại bài hơn. Còn nhớ những ngày đầu, mỗi mẩu tin  được trau chuốt tỷ mỉ dồn hết tâm huyết, mỗi lần được đăng tải, cảm giác lâng lâng vui sướng không thể nào diễn tả được.

Nhớ những ngày nắng như đổ lửa, gió Lào thổi rát mặt tôi cùng với những người lính biên phòng cùng nhau vào những bản người Mông ở huyện Mường Lát, để ghi nhận khó khăn cũng như đổi thay của đồng bào từ những chủ trương, chính sách của Đảng. Những cung đường ngoằn nghèo men theo triền núi, những khúc cua tay áo khó khăn. Có những đoạn đường xe ô tô không vào được bản, tôi cùng các anh lính biên phòng lại tăng bo bằng xe máy vào bản.

Có đi, có chứng kiến mới thấy hết được những khó khăn, vất vả của những người dân tộc thiểu số. Nhiều chính sách, đề án giảm nghèo, tạo sinh kế được triển khai ở vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên do đặc điểm địa hình chủ yếu là núi đá, dốc đứng, việc canh tác không hiệu quả nên nghèo đói vẫn còn là vấn đề nan giải ở đây. Những đứa trẻ còn nhiều thiệt thòi, mỗi sáng trước khi lên nương, bố mẹ đùm cho mỗi đứa một nắm cơm, sau giờ tan học rủ nhau ra suối lấy cơm ăn rồi ngủ luôn ở đó. Tới giờ chiều thì vào lớp, những hôm không có tiết học thì thơ thẩn chơi với nhau đến tối mới tìm về nhà. Nhiều hôm rời bản, trở về trung tâm huyện tâm trạng tôi chợt tĩnh lặng, chặng đường dài chẳng ai nói với nhau câu nào, mỗi người cứ chìm trong suy nghĩ của riêng mình và có cả những trăn trở, tiếng thở dài cho những cuộc sống khó khăn của đồng bào nơi biên giới của Tổ quốc…

Rồi có những lần ngồi viết bài, tôi bất chợt chững lại nhớ về hình ảnh những đứa trẻ ở vùng sơn cước mùa đông vẫn không có quần áo mặc, gió rét căm căm vẫn chỉ một manh áo mỏng chơi bên vệ đường. Còn đó những thổn thức, những dang dở trong mỗi bài viết, tôi vẫn luôn tự nhủ tuổi còn trẻ, nên sống với nghề, sống bằng nghề và không để thui chột nhiệt huyết. Mười năm trưởng thành từ Báo Tài nguyên và Môi trường, tôi tự hứa với mình sẽ luôn giữ đam mê với nghề như những ngày đầu “nhập môn” vào nghề báo.

hoang-nghia.jpg
Hoàng Văn Nghĩa - Phóng viên Thương trú tại Lạng Sơn

Mỗi chuyến đi, viết là một trải nghiệm thú vị

Hoàng Văn Nghĩa - Phóng viên Thương trú tại Lạng Sơn

Nghề báo đã cho tôi nhiều cơ hội được đi đây đó, tiếp xúc với nhiều nghề, nhiều người ở nhiều lĩnh vực, vị trí khác nhau. Từ đó, tôi được học hỏi, mở mang hiểu biết và thêm nhiều mối quan hệ xã hội. Đây cũng là nghề đặc thù và có phần khắc nghiệt hơn so với những nghề khác. Bản thân phải chịu áp lực từ nhiều phía, công việc nhiều khi không kể thời gian. Và năm 2018, nhờ cơ duyên, tôi đã chuyển công tác về Báo TN&MT.

Kỷ niệm khó quên nhất khi tôi mới về Báo Tài nguyên và Môi trường là viết bài phản ánh về những sai phạm trong công tác quản lý đất đai ở xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc. Sau khi bài báo được đăng tải, chính quyền ở Lạng Sơn đã vào cuộc kiểm tra, ngăn chặn, xử lý. Những tưởng công tác quản lý đất đai trên địa bàn sẽ được chính quyền kiểm soát tốt hơn thì một hôm, khi đang chuẩn bị đi công tác, tôi bỗng nhận được cuộc điện thoại của một người dân. Người này nói: “Tôi đã đọc bài báo viết về khai thác đất trái phép ở Yên Trạch. Nhưng trên địa bàn huyện Cao Lộc còn nhiều “đại công trường” khai thác đất rầm rộ hơn chỗ đấy”.

Từ nguồn tin này, tôi đã tiến hành xác minh và ghi nhận, có sự việc như họ phản ánh. Các vi phạm này xảy ra chủ yếu ở xã Hồng Phong, Hợp Thành (Cao Lộc). Nhiều héc ta đất rừng đã bị “cạo trọc” sau đó phân lô, bán nền. Quá trình tìm hiểu sự việc, thu thập thông tin, tài liệu thời điểm đó vô cùng khó khăn. Bởi khi tôi xuất hiện gần các khu vực đó, đều có “chim lợn” theo dõi. Thậm chí nhận được những lời cảnh báo, thách thức như “mày tránh chỗ đó ra, chỗ này của ông nọ, bà kia, có viết cũng không làm gì được...”. Trong khi chính quyền từ xã đến huyện thì khất lần, đùn đẩy, hứa hẹn rồi không cung cấp thông tin, thậm chí “né tránh”.

Tuy nhiên, với quyết tâm theo đến cùng sự việc, bằng các mối quan hệ sẵn có, tôi đã thu thập đầy đủ thông tin và viết bài phản ánh. Các vụ việc sau đó đã được lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo ngành chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý. Trong đó có vụ san nhiều héc ta đất rừng ở phía sau Bệnh viện Đa khoa tỉnh để phân lô, bán nền với mục đích hưởng lợi bất chính.

Vụ việc đó, sau này cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn đã khởi tố, bắt giam, truy tố và đưa ra xét xử một số cán bộ, lãnh đạo ở Cao Lộc. Từ những vụ việc này, công tác quản lý đất đai đã được các địa phương ở Lạng Sơn siết chặt, các vi phạm giảm đáng kể, không để xảy ra các vi phạm nghiêm trọng…

Dẫu biết rằng phía trước mình là một chặng đường dài, nhưng chúng tôi luôn cố gắng và nỗ lực để tiếp tục đi, viết, trải nghiệm những điều mới mẻ và có những tác phẩm báo chí chất lượng phục vụ bạn đọc.

pv-pham-hoai.jpg
Phạm Ngọc Hoài - Phóng viên Thường trú tại Đắk Nông

Kỷ niệm “biến hình” tác nghiệp trên đất Tây Nguyên

Phạm Ngọc Hoài - Phóng viên Thường trú tại Đắk Nông

Nhận “lệnh từ Ban Biên tập, chúng tôi lên kế hoạch triển khai các bài viết liên quan đến nội dung “chảy máu khoáng sản”. Đây cũng là kỷ niệm khó quên của tôi trong hoạt động tác nghiệp tại 2 tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk thuộc khu vực Tây Nguyên.

Để có được những hình ảnh chân thật và tư liệu thực tế, tôi đã phối hợp cùng với một đồng nghiệp đi mượn một xe ô tô hạng sang và thuê thêm bộ đồ đúng phong cách doanh nghiệp “cát lớn” tại Đồng Nai. Sau khi hình thức đã chỉnh tề, chúng tôi di chuyển đến một số bãi cát chưa rõ nguồn gốc trên địa bàn huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Lắk và một số bãi cát tại huyện Krông Ana, Đắk Lắk để làm việc và chốt giá.

Trong quá trình trao đổi, chúng tôi đã tranh thủ thời gian đi vòng ra sau giả vờ kiểm tra chất lượng cát để ghi hình. Tuy nhiên, với sự đề phòng và canh gác khá cẩn thận của các đối tượng mua bán cát “lậu”, đồng nghiệp tôi đã bị một đối tượng khác bặm trợn gần đó phát hiện và đe doạ đòi xóa hình ảnh. Bằng nhiều “ngón nghề, chúng tôi tìm cách “rút êm”. Sau khi rời khỏi bãi cát, tôi và đồng nghiệp cảm thấy các tư liệu vẫn chưa đủ để về chắp bút nên quyết tâm bằng mọi giá phải quay lại các bãi và bến vào buổi tối để “mục sở thị” các điểm khai thác cát lậu. Qua hơn 4 tiếng đồng hồ bám sát các xe, rồi tiếp tục men dọc sông theo lối dẫn của “tàu ma” chúng tôi phát hiện có khoảng 3 - 4 con tàu không số đang nổ máy ầm ầm dùng vòi rồng cắm sâu vào các bờ đất dọc hai bên suối hì hục hút cát, và có được những hình ảnh hết sức quý giá.

Nhưng vì mải mê tác nghiệp mà không hay có kẻ đằng sau phát hiện và uy hiếp chúng tôi. Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm làm bài điều tra cũng như thông thuộc địa bàn, chúng tôi vẫn bình tĩnh đến nói chuyện với người được cho là “quân chìm” của những chủ “tàu ma” kia. Thế nhưng, với bản tính côn đồ và với nhiệm vụ được giao, họ đã gọi thêm người đến và yêu cầu cả hai phải xóa tất cả hình ảnh, đồng thời mời về trụ sở để trao đổi. Nhận thấy tình thế này không giao nộp điện thoại và máy ảnh thì khó có thể thoát ra được nên tôi xin phép bước ra phía sau nghe điện thoại để tranh thủ gửi nhanh các hình ảnh qua zalo cho một đồng nghiệp khác, bảo toàn được tư liệu, sau đó xóa tin nhắn zalo và quay lại trao đổi với hai người đàn ông kia…

Sau đó, tất cả vụ việc được phản ánh sâu sắc và dài kỳ trên Báo TN&MT, góp phần giúp cho chính quyền địa phương nhanh chóng vào cuộc tìm ra nguyên nhân và ban hành nhiều quyết định, công văn xử lý các vụ vi phạm pháp luật. Trong đó, câu chuyện về “chảy máu tài nguyên” đã được UBND tỉnh Đắk Nông ra văn bản và xử lý cụ thể các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, xử lý người có trách nhiệm của địa phương để xảy ra các vụ việc sai phạm.

phamthieu.jpg
Phạm Văn Thiệu - Phóng viên Phòng Bạn đọc và Pháp luật

Những khắc khoải để ngoài trang viết

Phạm Văn Thiệu - Phóng viên Phòng Bạn đọc và Pháp luật

Là người thường xuyên được tiếp xúc với các “khổ chủ”, được tìm hiểu thông tin về các vụ việc khiếu nại đất đai tập thể ở nhiều địa phương, ấn tượng mạnh nhất và cũng gây ám ảnh nhất với tôi là hầu hết họ đều nghèo. Mỗi lần thấy cảnh hàng chục người nông dân áo bạc màu mưa nắng, khuôn mặt gầy guộc, khắc khổ nhưng  hồ hởi đợi nhà báo về để được giãi bày những uất ức, tôi luôn băn khoăn. Tại sao đa phần chủ nhân của những vụ khiếu kiện đất đai kéo dài là những người nghèo, thậm chí rất nghèo? Tại sao những người đến tiền ăn còn không đủ nhưng vẫn quyết tâm bao nhiêu năm vác đơn đi kiện? Và điều gì đã tiếp sức cho họ không gục gã trong một cuộc chiến pháp lý vừa không cân sức, vừa tốn thời gian, tiền bạc?

Tôi đã đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, tiếp xúc với đủ loại vụ việc và những khiếu nại đất đai khác nhau. Phần đông họ là những người nông dân ít học, ít có kiến thức về pháp luật. Vấn đề của họ thực ra rất đơn giản, giống như một kiểu trao đổi hàng hóa đơn thuần. Nếu họ bị thu hồi đất thì họ phải nhận được một giá trị tương xứng bằng tiền hoặc bằng một thứ gì đó tương đương. Tiếc thay thực tế chính sách cũng như việc vận dụng chính sách đất đai của chúng ta vẫn chưa hài hòa được mong muốn này của người dân.

Trong một số vụ việc ở những địa phương mà tôi có dịp tiếp xúc, trao đổi thông tin thì việc áp dụng chính sách pháp luật vẫn còn nhiều bất cập, sai sót. Những vi phạm trong lĩnh vực đất đai ngày càng tinh vi với những thủ đoạn lắt léo mà chỉ khi cơ quan điều tra vào cuộc thì sự việc mới được đưa ra ánh sáng. Tất nhiên những người làm sai họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nhưng hậu quả thì vẫn còn đó. Người chịu thiệt cuối cùng, phần đa lại là những người nông dân kia.

Ai sẽ đền bù cho họ những thiệt hại về vật chất và tinh thần? Đơn cử một trường hợp cụ thể để giải thích thêm về điều này. Khi tôi lên Phú Thọ tìm hiểu một dự án du lịch nghỉ dưỡng chậm tiến độ hơn 20 năm, những người dân tôi gặp đều tỏ ra rất bức xúc với chủ đầu tư, và với cả chính quyền nữa. Hơn 20 năm trôi qua kể từ khi người dân bị thu hồi đất với giá rẻ mạt, cả dự án hầu hết đều bỏ hoang hóa. Đất đai thì lãng phí trong khi người dân không có đất canh tác… Ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho tình trạng lãng phí đất đai này?

Đằng sau một bài báo luôn là rất nhiều câu chuyện không thể diễn tả hết bằng ngôn từ. Nhưng nếu được hi vọng, tôi hi vọng dân trí của người dân nước ta ngày càng cao lên, trách nhiệm của người thực thi pháp luận ở cơ sở ngày càng nhiều hơn và đạo đức nghề nghiệp của người thi hành công vụ ngày càng nâng lên để bớt đi những nỗi khắc khoải mang tên Đất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luôn giữ “lửa nghề” để cháy  cùng đam mê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO