Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi): Còn nhiều ý kiến khác nhau

Tuyết Chinh - Khương Trung| 22/10/2020 14:27

(TN&MT) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, sáng 22/10, Quốc hội cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

So với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp. Trong đó tập trung vào các nhóm vấn đề như: quy định về tái phạm; nguyên tắc xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần; hình thức xử phạt, thẩm quyền xử phạt; biên bản vi phạm hành chính; việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt; sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật trong phát hiện vi phạm hành chính;thời hạn ra quyết định xử phạt;việc tịch thu tang vật, phương tiện và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt, hết thời hiệu xử phạt, thời hiệu thi hành quyết định xử phạt; việc thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt…

Tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực

Trình bày báo cáo, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, nhiều ý kiến tán thành tăng mức phạt tiền tối đa như dự thảo Luật; một số ý kiến đề nghị tăng mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực khác như hôn nhân và gia đình, an ninh trật tự, an toàn xã hội, đất đai, xây dựng...; ý kiến khác đề nghị cân nhắc việc tăng mức phạt tiền tối đa của các lĩnh vực.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Quốc Khánh

Trên cơ sở thực tiễn thi hành, Chính phủ đã đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực mà theo quy định hiện hành có mức phạt tiền tối đa thấp, chưa đủ sức răn đe, chưa thực sự tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Đối với một số lĩnh vực khác được các vị đại biểu Quốc hội đề nghị như hôn nhân và gia đình, an ninh trật tự, an toàn xã hội, đất đai, xây dựng..., qua tổng kết thi hành không thấy có vướng mắc, bất cập liên quan đến quy định về mức phạt tiền tối đa. Do vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Quốc hội cho giữ việc tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.

Có ý kiến đề nghị rà soát quy định về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chínhđể bảo đảm tương xứng với nhiệm vụ được giao; đề nghị chỉ tăng thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện cho một số chức danh cần thiết.

UBTVQH nhận thấy, theo quy định của Luật XLVPHC hiện hành, về cơ bản các chức danh có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt theo thẩm quyền của chức danh đó; chỉ các chức danh là cấp cuối cùng của mỗi lực lượng thì có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện. Thực tiễn thi hành quy định này đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, dẫn đến nhiều vụ việc vi phạm phải chuyển lên cấp trên để ra quyết định xử phạt, gây ra tình trạng quá tải, một số vụ việc không được xử lý kịp thời.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc Khánh

Do vậy, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng: bên cạnh thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các chức danh là cấp cuối cùng của mỗi lực lượng đã được Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành quy định, dự thảo Luật bổ sung thêm 8 nhóm chức danh (chủ yếu thuộc các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc ở cấp tỉnh hoặc liên tỉnh) có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện; các chức danh khác có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị không vượt quá 2 lần mức tiền phạt theo thẩm quyền.

Có cắt điện, nước?

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị không bổ sung biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước”. Bởi vì, qua tổng kết thi hành Luật cho thấy, với các quy định hiện hành, việc thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt không gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong khi đó, điện, nước là nhu cầu thiết yếu của cá nhân, tổ chức nên nếu áp dụng biện pháp này sẽ tác động tiêu cực không chỉ đến cá nhân, tổ chức vi phạm mà còn có thể ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác.

Việc áp dụng biện pháp này là can thiệp sâu vào quan hệ dân sự nên cần được cân nhắc thận trọng, đánh giá tác động kỹ lưỡng nhằm bảo đảm xử lý hài hòa lợi ích của Nhà nước, bảo vệ trật tự công cộng với quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ.

Một số ý kiến cho rằng việc bổ sung biện pháp cưỡng chế này là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nhằm buộc cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấm dứt hành vi vi phạm. Tuy nhiên, quy định như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 là quá rộng, chưa tương xứng với chế tài bị áp dụng trong một số trường hợp, có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Do vậy, đề nghị thu hẹp phạm vi áp dụng và bổ sung nguyên tắc việc áp dụng biện pháp này không được làm ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi): Còn nhiều ý kiến khác nhau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO