(TN&MT) - Bảo vệ môi trường được xem là một trong các tiêu chí đánh giá năng lực công tác quản lý nhà nước, hiệu quả tổ chức lễ hội ở địa phương. Nhiều văn bản pháp luật đã quy định rõ về trách nhiệm, hướng dẫn việc quản lý môi trường, để hướng đến những “lễ hội xanh”.
Mỗi dân tộc đều có các lễ hội riêng, thể hiện nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, cũng như của riêng vùng miền, địa phương. Dù vậy, để các lễ hội có thể bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân, các vấn đề liên quan đến vệ sinh môi trường như thu gom, xả lý rác, không xả rác bừa bãi, hạn chế phát sinh chất thải nhựa... rất cần được quan tâm.
Đặc trưng lễ hội là thường được tổ chức tại các khu vực có diện tích rộng, có thể diễn ra tại di tích, khu du lịch, khu biểu diễn, thi đấu thể thao... Trong một khoảng thời gian ngắn, lượng người cực đông đổ về, cùng tham gia nhiều hoạt động nên gây ra sự quá tải cho hạ tầng công cộng, cho cảnh quan môi trường xung quanh. Trong thời đại hiện nay, khi chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao, bản thân yếu tố môi trường, cảnh quan trở thành một bộ phận cấu thành để nâng cao hình ảnh, sức hút của lễ hội.
Hiểu rõ tầm quan trọng của vấn đề môi trường, pháp luật quy định tất cả mọi người đề phải có ý thức cá nhân, thực hiện nghĩa vụ của mình trong công tác bảo vệ môi trường chung đồng thời cũng là bảo vệ chính bản thân.
* Quy định rõ trong Luật Bảo vệ môi trường
Quy định về quản lý môi trường lễ hội được lồng ghép trong các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Theo Khoản 1 Điều 66 của Luật Bảo vệ môi trường 2020, đơn vị tổ chức lễ hội phải thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật. Cụ thể, phải bố trí nhân lực thu gom chất thải, làm vệ sinh môi trường trong phạm vi quản lý; có nhân sự, tổ hoặc đội bảo vệ môi trường để kiểm tra, giám sát.
Khi tổ chức lễ hội, đơn vị tổ chức phải xây dựng, lắp đặt công trình vệ sinh công cộng, công trình xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; có phương tiện, thiết bị thu gom, quản lý, xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, ban hành, niêm yết công khai và tổ chức thực hiện quy định, quy chế về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường nơi công cộng thuộc phạm vi quản lý; phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân và kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo khoản 2 Điều 66 Luật Bảo vệ môi trường, cá nhân đến địa điểm diễn ra lễ hội có nghĩa vụ phải tuân thủ quy định, quy chế giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; thải bỏ chất thải đúng nơi quy định; hạn chế phát sinh chất thải nhựa; giữ gìn vệ sinh công cộng; không xâm hại cảnh quan môi trường và các loài sinh vật.
* Hướng dẫn quản lý môi trường lễ hội
Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch số 19/2013/TTLT-BVHTTDL-BTNMT về “Hướng dẫn BVMT trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích” nhằm nâng cao hiệu quả công tác BVMT, giảm thiểu ô nhiễm góp phần phát triển du lịch bền vững, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước.
Thông tư đã chỉ rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân quản lý hoạt động lễ hội. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, giáo dục và vận động về bảo vệ môi trường đối với người làm việc tại cơ sở, du khách và cộng đồng dân cư địa phương; không khai thác, kinh doanh, tiêu thụ, sử dụng, vận chuyển trái phép các loài thực vật, động vật hoang dã quý hiếm và hàng hóa có nguồn gốc từ thực vật, động vật quý hiếm thuộc danh mục cấm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
Tổ chức, cá nhân quản lý cơ sở có trách nhiệm niêm yết quy định về bảo vệ môi trường tại cơ sở, bảo đảm phải ghi rõ các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, các hành vi liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ môi trường của cơ sở. Bên cạnh đó, khuyến khích hoạt động về bảo vệ môi trường.
Quản lý và xử lý chất thải, khí thải, nước thải được thải ra từ hoạt động của cơ sở; có biện pháp quản lý và kiểm soát tiếng ồn, độ rung do hoạt động của cơ sở gây ra không vượt quá giới hạn tối đa cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về độ rung.
Tổ chức, cá nhân quản lý hoạt động lễ hội cũng cần xây dựng phương án, chuẩn bị phương tiện và các điều kiện cần thiết để ứng phó với các sự cố môi trường có thể xảy ra; tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan và tuân thủ sự điều hành của cơ quan có thẩm quyền để khắc phục hậu quả do sự cố môi trường gây ra; phòng, chống tác hại của thuốc lá và thực hiện các quy định khác có liên quan của pháp luật về bảo vệ môi trường.
* 6 tiêu chí môi trường trong lễ hội truyền thống
Mới đây nhất, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” với 9 nhóm tiêu chí. Theo đó, Nhóm tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường có 6 tiêu chí: Thực phẩm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh theo quy định của pháp luật; Thực phẩm bày bán được bảo quản đúng cách, thường xuyên được kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm; Sản phẩm bày bán đảm bảo rõ nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng; Bố trí khu vệ sinh đảm bảo thuận tiện phù hợp với di tích, lễ hội; Trang bị hệ thống thu gom, chứa rác thải; phân loại, xử lý rác thải; Rác thải thường xuyên được thu gom, được bỏ vào nơi quy định, không xả rác bừa bãi.
6/6 tiêu chì đều yêu cầu cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội, Ban Tổ chức lễ hội, cơ sở cung ứng dịch vụ phải có trách nhiệm thực hiện. Riêng tiêu chí “Rác thải thường xuyên được thu gom, được bỏ vào nơi quy định, không xả rác bừa bãi” yêu cầu người tham gia lễ hội cũng phải cùng thưc hiện.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc sử dụng Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống vừa là mục tiêu chuẩn hóa việc xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống, vừa là công cụ, thước đo đánh giá năng lực công tác quản lý nhà nước, hiệu quả tổ chức lễ hội ở địa phương. Điều này sẽ góp phần xây dựng môi trường văn hóa lễ hội văn minh, lành mạnh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc và lan tỏa trong đời sống xã hội.