Lồng ghép Đa dạng sinh học trong ĐTM, ĐMC: Còn đó những khoảng trống

19/03/2015 00:00

(TN&MT) - Đa số các báo cáo đánh giá tác động môi trường rất ít chú ý đến tác động tiềm tàng của dự án đến đa dạng sinh học (ĐDSH). Điều này dẫn đến khi dự án triển khai trong thực tế đã có những ảnh hưởng tiêu cực, làm suy giảm đa dạng sinh học.

Chỉ dừng ở định hướng

Việt Nam xếp ở vị trí thứ 16 về đa dạng sinh học trên toàn thế giới, đồng thời được xem là một trong 12 trung tâm giống cây trồng và cũng là trung tâm thuần hóa vật nuôi nổi tiếng thế giới, mức độ đa dạng sinh học của hệ cây trồng ở Việt Nam cũng khá cao.

Thấy rõ được tầm quan trọng này, các văn bản pháp luật hiện nay đều coi ĐDSH là một thành phần của môi trường tự nhiên. Hai văn bản hướng dẫn thực hiện đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là Nghị định 29/2011/NĐ-CP và Thông tư 26/2011/TT-BTNMT có quy định lồng ghép yếu tố ĐDSH vào quy trình ĐMC/ĐTM và đề xuất biện pháp giảm thiểu tác động đối với các thành phần môi trường tự nhiên, tuy nhiên không có lưu ý về những đặc thù của đánh giá tác động ĐDSH. Trong những văn bản pháp lý đó, quy định về đánh giá tác động đến đa dạng sinh học trong ĐMC, ĐTM chỉ là những định hướng cơ bản, chưa đủ rõ ràng để thực hiện, vì vậy đã dẫn đến những bất cập khi triển khai trong thực tế.

Đơn cử như Thông tư 26/2011/TT-BTNMT xếp tác động đến ĐDSH vào loại không liên quan đến chất thải. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều nguồn chất thải đã có một số tác động trực tiếp và rất nhiều tác động gián tiếp đến ĐDSH. Trong khi đó, phương pháp đánh giá tác động đến ĐDSH không hề giống các phương pháp đánh giá tác động đến địa hình, địa mạo, cảnh quan. Có lẽ đó là nguyên nhân chính khiến các báo cáo ĐMC, ĐTM đã được thẩm định và phê duyệt có nội dung đánh giá tác động ĐDSH rất sơ sài, hầu như chưa đạt yêu cầu cung cấp thông tin làm cơ sở để cân nhắc yếu tố ĐDSH khi thẩm định, phê duyệt và quản lý các dự án phát triển.

Lồng ghép giữa bảo tồn Đ DSH với ĐTM, ĐMC để bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên sinh thái
Lồng ghép giữa bảo tồn Đ DSH với ĐTM, ĐMC để bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên sinh thái

Mặt khác, theo đánh giá của các chuyên gia, các báo cáo ĐTM hiện nay chứa rất ít thông tin, dữ liệu về hiện trạng đa dạng sinh học cũng như về phương thức sử dụng tài nguyên đa dạng sinh học. Đa phần chỉ tập trung vào các hệ sinh thái cần được bảo vệ mà không chú ý đến các hệ sinh thái không được ưu tiên bảo vệ. Điều này dẫn đến một số nhận định sai lệch về cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học đặc thù cho từng khu vực. Bên cạnh đó, các thông tin về hệ sinh thái cũng mới chỉ chú ý đến số lượng mà chưa đề cập nhiều đến cấp độ của đa dạng sinh học cũng như thiếu thông tin về các mối quan hệ chức năng của các hệ sinh thái.

Lồng ghép để bảo tồn tốt hơn

Các chuyên gia nhận định, việc lồng ghép đánh giá tác động đến đa dạng sinh học là một cách tiếp cận tổng thể và toàn diện để xem xét tác động của các dự án phát triển đến hệ động thực vật và dịch vụ hệ sinh thái, cũng như các mối quan hệ giữa chúng. Cách tiếp cận này sẽ hỗ trợ giảm thiểu tối đa tác động đến đa dạng sinh học của các dự án phát triển, đảm bảo dự án phát triển được tích hợp với cân nhắc bảo tồn đa dạng sinh học và phù hợp về mặt pháp lý cũng như cung cấp và chia sẻ công bằng những lợi ích phát sinh từ việc sử dụng đa dạng sinh học.

Ngoài ra, cần sớm xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn/tiêu chí/chỉ thị ĐDSH quốc gia để sử dụng so sánh khi đánh giá. Bên cạnh đó, tham vấn cộng đồng cũng phải được coi là nội dung quan trọng không thể thiếu trong đánh giá tác động đến đa dạng sinh học.

Mới đây, Nghị định số 18/2015/NĐ-CP về quy hoạch BVMT, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường và Nghị định số 19/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT 2014 là hai trong số những văn bản hướngdẫn Luật BVMT 2014 vừa được ban hành đã bước đầu cụ thể hóa sự tham gia của các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư.

Đáng chú ý, Nghị định 18/2015/NĐ-CP quy định rõ, đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường gồm: Các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; dự án có sử dụng đất của vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển; các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu thương mại, làng nghề và các khu sản xuất kinh doanh tập trung khác; dự án xây dựng cơ sở khám chữa bệnh và cơ sở y tế khác có quy mô từ 50 giường trở lên; dự án xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng; dự án xây dựng lò phản ứng hạt nhân; dự án khai thác, chế biến khoáng sản rắn có sử dụng hóa chất độc hại hoặc vật liệu nổ công nghiệp; dự án chế biến, tinh chế kim loại màu...

Trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường, chủ dự án phải tiến hành tham vấn UBND xã, phường, thị trấn nơi thực hiện dự án, các tổ chức và cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi dự án; nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến khách quan, kiến nghị hợp lý của các đối tượng liên quan được tham vấn để hạn chế thấp nhất tác động bất lợi của dự án đến môi trường tự nhiên, đa dạng sinh học và sức khỏe cộng đồng…

Phương Anh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lồng ghép Đa dạng sinh học trong ĐTM, ĐMC: Còn đó những khoảng trống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO