Long An: Sử dụng, bảo vệ hiệu quả nguồn nước ngọt đê duy trì giảm nghèo bền vững

Bạch Thanh| 13/03/2023 12:45

(TN&MT) - Tỉnh Long An đã và đang tăng cường công tác quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước (TNN), bảo đảm an ninh nguồn nước; đồng thời, khuyến khích đổi mới tư duy sản xuất, tạo việc làm ổn định, giúp người dân nâng cao đời sống, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương.

Từng bước thích ứng

Bên khu đất trồng hoa màu xanh mướt, chị Đặng Thị Thu Trang (huyện Cần Giuộc) chia sẻ: “Những năm trước đây, tại khu vực này nói riêng và các huyện vùng hạ của tỉnh nói chung vào mùa khô nước nhiễm mặn hầu khắp, người dân phải lắng nước từ ao, hồ hoặc nước mưa để sử dụng. Bây giờ thì đỡ hơn rất nhiều, nhờ sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành nên nguồn nước ngọt cơ bản được đáp ứng, phục vụ nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt và sản xuất của người dân”.

Theo anh Trần Văn Ba (huyện Thủ Thừa), gia đình anh có gần 10.000 m2 đất chuyên canh về cây lúa. Gần đây, do tình trạng nguồn nước thường xuyên nhiễm phèn, mặn vào mùa khô. Hơn nữa, thời tiết bất thường, cây lúa cho năng suất thu hoạch không cao lại tốn nhiều chi phí, nên anh Ba đã chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày, nhất là cây dừa và mai vàng để tận dụng nguồn nước ngọt được tích trữ từ những ao, đầm tại chỗ tưới tiêu cho phù hợp với thời tiết và thổ nhưỡng.

h1(2).jpg
Nhiều địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp với nguồn nước tại chỗ

Theo ngành chức năng Long An, thời điểm này, tại các huyện vùng hạ của tỉnh Long An nước nhiễm mặn khắp nơi, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Hơn nữa, hiện nay, nguồn TNN trên địa bàn tỉnh Long An đang đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức trước ảnh hưởng biến đổi khí hậu, nhiều khả năng tác động tiêu cực ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh.

Trước tình hình trên, Long An đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động người dân đổng thuận hưởng ứng chủ trương cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cây trồng; khuyến khích nông dân cải tạo diện tích đất vườn tạp, kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng, làng nghề hiệu quả hơn, như: làng nghề trồng mai ở huyện Thạnh Hóa, chuyển đổi trồng lúa sang trồng các loại cây ăn quả ở huyện Tân Thạnh…, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Bảo vệ tài nguyên nước ngọt, giảm nghèo bền vững 

Chia sẻ về những giải pháp quản lý, bảo vệ TNN trước tác động của biến đổi khí hậu và tình trạng xâm nhập mặn thường xảy ra, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân, ông Nguyễn Tân Thuấn - Phó Giám đốc Sở TN&MT Long An cho biết: Thời gian qua, địa phương đã tăng cường các biện pháp, giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý TNN và xem việc khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Trong đó, tỉnh Long An thường xuyên tổ chức kiểm tra, đo đạc đánh giá tình hình chất lượng nước trên các tuyến sông như: Rạch Cát, Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, sông Tra; đồng thời, tổ chức kiểm tra độ mặn trong các kênh rạch nội đồng để kịp thời khuyến cáo đến người dân chủ động tích trữ nước khi độ mặn giảm, đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô.

h2.jpg
Tỉnh Long An quan tâm quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, phục vụ giảm nghèo

Bên cạnh đó, tỉnh Long An cũng chủ động cho rà soát kiểm tra tất cả các cửa cống, kiểm tra các tuyến đê bao xung yếu; đồng thời, cho xử lý kịp thời những đoạn đê thấp, cửa cống bị hư hỏng, phủ bạt ngăn mặn một số cửa cống có hiện tượng rò rỉ, đóng cống ngăn mặn kịp thời; bố trí nguồn vốn để xây dựng cống đập ngăn mặn, trữ ngọt, nhằm đảm bảo công trình phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh.

Đồng thời, tỉnh còn quan tâm đến công tác xã hội hóa cấp nước, tạo điều kiện mời gọi doanh nghiệp đầu tư cấp nước sạch nông thôn. Qua thực hiện các dự án, chương trình nước sạch đã góp phần nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch, cũng như sự hiểu biết và ý thức của người dân về sử dụng nước sạch được nâng lên, nhất là kinh tế - xã hội, đời sống người dân địa phương từng bước phát triển.

Theo ông Nguyễn Tân Thuấn, để bảo vệ nguồn nước dưới đất, tỉnh Long An cho rà soát đóng bít, trám lấp giếng khoan; đồng thời, yêu cầu các ngành và địa phương rà soát, kiểm tra xử lý giếng khoan không phép, tráp lấp giếng do tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý khi khu vực đã có đường cấp nước tập trung đi qua phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An khoá XI, nhiệm kỳ 2020-2025 là ưu tiên sử dụng nước mặt, hạn chế khai thác sử dụng nước dưới đất.

Hiện, tỉnh Long An đang tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025, nhằm bảo đảm duy trì áp lực cấp nước, cung cấp ổn định, đủ lượng nước và bảo đảm chất lượng nước cấp theo quy chuẩn quy định, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm tỷ lệ thất thoát, tiết kiệm tài nguyên nước và bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.

 Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Long An, hướng đến hoàn thiện cơ sở hạ tầng nước sạch nông thôn, từng bước xóa bỏ các trạm cấp nước có quy mô nhỏ, chất lượng nước kém, tiến tới thực hiện chủ trương cấp nước an toàn, bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo vệ sinh môi trường, nâng cao mức sống của người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Long An: Sử dụng, bảo vệ hiệu quả nguồn nước ngọt đê duy trì giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO