Long An: Quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, góp phần giảm nghèo bền vững

BẠCH THANH| 11/10/2022 06:32

(TN&MT) - Tỉnh Long An đã và đang tăng cường công tác quản lý, đồng thời, phát huy tiềm năng, lợi thế đất đai, hướng đến đổi mới tư duy sản xuất, tạo việc làm ổn định, giúp người dân nâng cao đời sống, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Phát huy lợi thế đất đai

Những năm qua, Long An đã khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, huy động hiệu quả nhiều nguồn lực để phát triển địa phương ngày một giàu đẹp. Trong đó, các hoạt động kinh tế - xã hội đạt được những kết quả tích cực, với mức tăng trưởng ở tốc độ khá cao, an sinh xã hội luôn được đảm bảo. Đặc biệt, dưới tác động của biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, người dân ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Long An đã khai thác tốt lợi thế đất đai, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp ổn định đời sống dân sinh.

Cụ thể, hai năm trước, với nghề trồng mai, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa được UBND tỉnh Long An quyết định công nhận là làng nghề, đến nay, với diện tích trồng hơn 400ha, đã có trên 300 hộ dân tham gia. Sau 4 - 5 năm chăm sóc, lợi nhuận mà nông dân thu hoạch được sau khi trừ đi các chi phí, lên tới hơn 800 triệu đồng/ha.

Hay như Tân Thạnh là huyện thuần nông, trong đó cây lúa đóng vai trò chủ lực. Song, những năm qua, người trồng lúa thường chịu cảnh “được mùa, mất giá” làm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế. Tận dụng lợi thế của địa phương có nguồn nước ngọt dồi dào quanh năm và hệ thống đê bao, trạm bơm điện khép kín, thích hợp trồng các loại cây ăn trái, huyện đã tập trung chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây hợp chất đất, có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất.

tr4-2-lua-duoc-mua-trung-gia-nong-dan-phan-khoi.jpg
Lúa được mùa, trúng giá, nông dân phấn khởi

Theo ngành chức năng Long An, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa không những cải thiện năng suất trên đơn vị diện tích, mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn hạn chế được tình trạng hoang hóa đất nông nghiệp do thiếu nước, bỏ vụ kéo dài, đặc biệt, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương. Nhờ đó, giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh Long An đã giảm 2,51% tỷ lệ hộ nghèo; bình quân, mỗi năm giảm được 0,63%; đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 4,03% xuống còn 1,52%.

Tuy vậy, tỉnh Long An đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề trước áp lực của biến đổi khí hậu và tình trạng xâm nhập mặn; đặc biệt, tác động “kép" của tình trạng hạn mặn và dịch Covid-19 thời gian qua đã ảnh hưởng lên hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tác động tiêu cực đến nỗ lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh Long An. Tỉnh Long An hiện còn 6.234 hộ nghèo trên tổng số 479.632 hộ dân đang sinh sống trên địa bàn tỉnh, chiếm 1,3%; 11.586 hộ cận nghèo, chiếm 2,42%. Mục tiêu của Long An là đến cuối năm 2022 có 15% trên tổng số 6.234 hộ nghèo toàn tỉnh giảm nghèo bền vững.

Phục vụ giảm nghèo bền vững

Ông Võ Minh Thành - Giám đốc Sở TN&MT Long An cho biết: Để phát huy lợi thế nguồn lực đất đai thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, thời gian qua, tỉnh Long An đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai cho người dân nắm, từ đó, tổ chức thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực.

Đặc biệt, để tạo sự hài lòng của người dân, Sở TN&MT Long An đã đề ra các giải pháp trọng tâm và tập trung thực hiện hiệu quả công tác quản lý đất đai; chú trọng công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

tr4-1.jpg

Long An tăng cường quản lý đất đai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thời gian tới, Sở TN&MT tiếp tục tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Long An; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nội dung công việc nhằm khắc phục tốt việc giải quyết hồ sơ trễ hẹn; đẩy nhanh tiến độ tham mưu UBND tỉnh xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực đất đai.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT tập trung triển khai các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn; tham mưu ban hành quy trình hướng dẫn thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng thống nhất; đẩy nhanh việc định giá đất phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và để người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Để công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đạt kết quả cao hơn, Sở TN&MT Long An sẽ tiếp tục đôn đốc, kiểm tra và hướng dẫn các địa phương rà soát, đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ lần đầu cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cấp GCNQSDĐ; tham mưu, trình UBND tỉnh Long An rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy định về cấp GCNQSDĐ không còn phù hợp thuộc thẩm quyền theo quy định.

“Đặc biệt, hướng tới mục tiêu công nghiệp, đô thị là mũi nhọn tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, Long An đã và đang ưu tiên quỹ đất phát triển đô thị theo hướng đô thị thông minh, đô thị xanh để đảm bảo phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống của người dân”, ông Võ Minh Thành cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Long An: Quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, góp phần giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO