Long An: Giáo dân chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới

Bạch Thanh | 23/09/2021, 16:44

(TN&MT) - Với phương châm “sống tốt đời, đẹp đạo", những năm qua, đồng bào Công giáo trong tỉnh Long An đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là chăm lo phát triển kinh tế, chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.

Nhiều mô hình hay, cách làm tốt

Thời gian qua, Hội đồng mục vụ Giáo xứ Sông Xoài (huyện Thạnh Hóa) đã phối hợp tổ chức nhiều đợt ra quân làm vệ sinh; vận động gần 500 hộ dân trồng cây xanh, cây cảnh, hoa xung quanh nhà. Đặc biệt có 100% hộ giáo dân, hộ dân trên địa bàn ký cam kết không vức bao bì thuốc bảo vệ thực vật xuống kênh, rạch; không sử dụng những vật tư, phương tiện tạo ra những sản phẩm độc hại hoặc gây ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, Ban đoàn kết Công giáo (huyện Vĩnh Hưng) thì xây dựng kế hoạch thực hiện bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 với mô hình vận động đăng ký thu gom rác thải sinh hoạt tại các hộ gia đình và nhân rộng toàn toàn địa bàn trong thời gian tới.

Các Giáo xứ trên địa bàn Long An cùng chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới.

Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Long An – Linh mục Bùi Công Dân cho biết, hưởng ứng chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, những năm qua, đồng bào Công giáo tỉnh Long An đã tham gia tích cực trong phong trào hiến đất, ngày công lao động xây dựng, nâng cấp nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, tạo cảnh quang môi trường, góp phần tạo diện mạo mới vùng quê, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.

Theo Linh mục Bùi Công Dân, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thời gian qua, đồng bào Công giáo cùng các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đóng góp hàng chục tỉ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, cầu nông thôn. Trong số ấy, điển hình là Công giáo huyện Thủ Thừa vận động, đóng góp gần 01 tỉ đồng để nâng cấp 6 tuyến đường giao thông nông thôn liên ấp, tráng bê tông, trải đá xanh và gia cố một số tuyến đường sạt lở.

Đồng bào Công giáo huyện Tân Thạnh đã đóng góp hơn 01 tỉ đồng xây dựng nhiều tuyến đường giao thông nông thôn tại địa phương; Công giáo Giáo xứ Tân Đông (huyện Thạnh Hóa) đóng góp trên 500 triệu đồng xây dựng cầu Kinh xáng Thủy Tân, cầu liên ấp ở xã Tân Tây; Công giáo Giáo xứ Kinh Cùng (huyện Tân Thạnh) đóng góp 300 triệu đồng xây dựng cầu treo Tân Lập, góp phần tạo diện mạo mới cho vùng quê…

Bên cạnh đó, đồng bào Công giáo Long An còn tích cực đóng góp lắp đặt đèn đường, xây dựng mô hình ánh sáng an ninh, hàng rào, cột cờ,… góp phần tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn ghi nhận những mô hình hay trong cộng đồng Công giáo như mô hình “Xóm đạo bình yên” ở huyện Bến Lức; mô hình “Đồng bào Công giáo chấp hành tốt Luật An toàn giao thông” ở thị xã Kiến Tường; mô hình “Vùng giáo an toàn” ở huyện Đức Hòa... Đây là những mô hình điểm, phát huy hiệu quả trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự tại các cơ sở tôn giáo và tại các vùng có đạo ở Long An.

Chung sức xây dựng quê hương

Tỉnh Long An hiện có 2 giáo hạt gồm Hạt Tân An và Hạt Đức Hòa, có 28 giáo xứ, 4 giáo họ, 01 giáo điểm, 01 nhà dòng; 36 linh mục, 121 nữ tu với khoảng 41.770 giáo dân. Những năm qua, đồng bào Công giáo đã nỗ lực, đoàn kết, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước.

Theo lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Long An, với phương châm “sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào Công giáo tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới. Các giáo xứ, giáo họ đã tích cực vận động, đóng góp tiền, ngày công lao động, xây dựng nhiều công trình phúc lợi xã hội tại địa phương.

Môi trường, cảnh quan vùng nông thôn Long An luôn sáng - xanh - sạch - đẹp.

Bên cạnh đó, nhiều chương trình, việc làm thiện nguyện vì cộng đồng cũng được các giáo xứ, họ đạo thực hiện lan tỏa tình bác ái, sống tốt đời, đẹp đạo thông qua việc tham gia đóng góp Quỹ Vì người nghèo, Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Bảo trợ trẻ em; hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt; xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết,…

Bà Phạm Ngọc Tiệp – Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Long An cho biết, hàng năm, Ban Thường trực MTTQ tỉnh đều sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, địa phương, vốn quyên góp của người dân để triển khai các giải pháp khả thi về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, lồng ghép với các chương trình, đề án, dự án phát triển nông nghiệp - nông thôn, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, tỉnh cũng quan tâm tuyên truyền, vận động các tôn giáo và nhân dân trong việc hiến đất làm đường nâng cấp đê bao ngăn lũ, ngăn chặn xâm nhập mặn; xây dựng lò đốt rác, hố tiêu hợp vệ sinh, bồn chứa rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; trồng cây xanh tạo cảnh quang môi trường; hỗ trợ máy lọc nước và dụng cụ chứa nước cho người dân bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn; duy trì và nâng cao chất lượng mô hình khu dân cư tự quản về bảo vệ môi trường; tổ chức các hội thi, tọa đàm tuyên truyền về Luật Bảo vệ môi trường…

Cũng theo bà Phạm Ngọc Tiệp, tỉnh Long An thời gian tới sẽ chú trọng đến việc chọn lựa nội dung trọng tâm, trọng điểm để tập trung làm chuyển biến nhận thức và hành động của cán bộ và nhân dân; biết phát huy vai trò của chức sắc tôn giáo, người có uy tín và tính tự quản ở cộng đồng dân cư trong việc thực hiện phong trào chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Nét đặc trưng Lễ hội thờ Thần nước vùng đất Tiền Bạt
Người dân vùng đất Tiền Bạt, phường Thạch Quý, thành phố Hà Tĩnh coi lễ hội ở Miếu Đôi rất quan trọng, có tác động không nhỏ đến sự an cư của làng. Bởi vậy, trong nghi lễ thờ thần nước, với quan niệm “đất có thổ công, sông có hà bá”, lễ cầu mưa là một trong những tín ngưỡng đặc trưng.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO