Biến đổi khí hậu

Long An: Chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp giảm nghèo bền vững

Bạch Thanh 23/05/2023 - 23:26

(TN&MT) - Trước những tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu (BĐKH), tỉnh Long An đã và đang chủ động triển khai thực hiện nhiều mô hình, giải pháp ứng phó, nhất là tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ đó góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.

h1.jpg
Đầu tư các tuyến đê bao ven sông bảo vệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp

Chủ động thích ứng

Những năm gần đây, Long An chịu ảnh hưởng nặng nề trước áp lực của BĐKH, như: mưa, lũ, ngập úng kéo dài và tình trạng sạt lở, sụt lún đất, xâm nhập mặn… đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống, cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân địa phương. Trước thực trạng này, tỉnh Long An đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp ứng phó, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương.

Theo ông Nguyễn Tân Thuấn, Phó Giám đốc Sở TN&MT Long An, thời gian qua, tỉnh Long An đã tập trung quy hoạch, quản lý và khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Cùng với đó, tỉnh Long An còn chủ động ứng phó, giảm thiểu rủi ro, thích ứng với BĐKH, hạn hán, xâm nhập mặn, phòng chống thiên tai.

Ngoài ra, tỉnh tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh; tập trung phát triển nông - lâm - thủy sản theo hướng ổn định và bền vững, nâng cao hiệu quả, chất lượng, tính cạnh tranh, phù hợp với sinh thái, thích ứng BĐKH và bảo vệ môi trường nhằm nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân.

Theo ngành Nông nghiệp Long An, để sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH, giải pháp trọng tâm nhất hiện nay là quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp theo hướng giảm diện tích trồng lúa, hạn chế tối đa sản xuất lúa 3 vụ, tăng nhanh các ngành hàng có lợi thế so sánh và tính cạnh tranh cao. Cạnh đó, xây dựng hệ thống cánh đồng lớn để từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường và ứng phó với BĐKH.

Trong đó, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục tính toán tái cơ cấu sản xuất trồng trọt theo hướng chiến lược lâu dài ứng phó với BĐKH; áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn kết hợp với quy hoạch tổng thể vùng sản xuất cũng là những giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp bền vững và tăng thu nhập cho người dân.

h2.jpg
Vườn mai vàng đã được người dân chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả

Chuyển đổi sản xuất

Là vùng trồng lúa trọng điểm của tỉnh Long An nhưng do ảnh hưởng BĐKH nên nông dân các huyện vùng Đồng Tháp Mười đã chủ động chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác. Từ chục năm nay, được sự quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ của các ngành chức năng, người dân vùng này đã chuyển đổi hơn 18.000ha đất sang trồng sầu riêng, mít, bưởi da xanh, chanh không hạt,... thu về lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích.

Điển hình, gia đình ông Mai Văn Trung (xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng) với diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả đã chuyển sang trồng gần 1.600 gốc bưởi da xanh đến nay đã hơn 5 năm tuổi. Ông Trung cho biết: “Đầu năm nay, gia đình tôi bắt đầu thu hoạch, bình quân mỗi tháng được khoảng 2 tấn trái, tuy giá có giảm nhưng lợi nhuận cũng tương đối cao, giúp gia đình tôi có cuộc sống ổn định hơn. Đặc biệt, cây bưởi phát triển tốt do phù hợp với điều kiện đất đai, thời tiết, khí hậu nơi đây”.

Trong khi đó, nhiều người dân tại các huyện biên giới của tỉnh Long An cũng đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cây trồng. Đây được xem là hướng đi mới trong chính sách chuyển đổi giống cây trồng gắn với phát triển nông nghiệp chất lượng cao tại địa phương. Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi cây trồng đã và đang mang lại hiệu quả khả quan, thu nhập và đời sống của người dân từng bước ổn định và ngày càng nâng lên.

Ông Nguyễn Quốc Thắng (xã Bình Thành, huyện Đức Huệ) chia sẻ: “Gia đình tôi đã mạnh dạng đầu tư trồng 6ha cây chanh bông tím ngay trên vùng đất bị nhiễm phèn chua không phù hợp với cây lúa. Đến nay, cây chanh gia đình tôi trồng đã được 3 năm tuổi, đang cho trái ổn định với năng suất trung bình 35 tấn/ha/năm, với giá chanh hiện tại, nếu trừ tất cả chi phí đầu tư, gia đình tôi cũng thu về lợi nhuận ước khoảng 1,5 tỉ đồng trên diện tích 6ha”.

Xác định việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là hướng đi bền vững, trong năm qua, toàn tỉnh Long An đã có gần 1.600ha đất được chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm, phần lớn là mít, chanh, sầu riêng, dừa, mai. Trong năm 2023, tỉnh dự kiến chuyển đổi hơn 10.300ha đất lúa sang cây trồng hàng năm, cây trồng lâu năm và trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản. Cụ thể, diện tích chuyển sang trồng cây hàng năm là gần 7.900ha, hơn 2.300ha chuyển sang cây lâu năm và trên 60ha chuyển sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất lúa.

Theo UBND tỉnh Long An, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa ứng phó với BĐKH không những mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn giải quyết được việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên đơn vị diện tích, đặc biệt hạn chế được tình trạng hoang hóa đất nông nghiệp do thiếu nước bỏ vụ hoặc tình trạng ngập úng kéo dài. Đây cũng được xem là giải pháp để người dân địa phương an tâm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, hướng đến sản xuất an toàn, bền vững trước thách thức của BĐKH; đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giúp địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Long An: Chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO