Lợi trước… hại sau

Phương Anh| 26/04/2022 13:25

(TN&MT) - Dù đang mùa khô nhưng nước sông Mê Kông dâng cao bất thường do các đập thủy điện tăng xả. Điều này giúp Đồng bằng sông Cửu Long giảm hạn mặn trước mắt, song có thể phát sinh nhiều tác hại về lâu dài.

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo, dòng chảy bình quân về ĐBSCL từ tháng 4 đến cuối mùa khô ở mức cao hơn trung bình nhiều năm bởi ảnh hưởng của việc xả nước gia tăng từ thủy điện Trung Quốc vào hạ lưu Mê Kông.

Nhìn nhận vấn đề này, các chuyên gia đánh giá, xả nước trong mùa khô làm giảm hạn mặn cho vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long vào tháng 4 và 5, nhưng cũng có rất nhiều tác động tiêu cực… lâu dài.

Đơn cử, việc tích nước mùa lũ trước đó đã làm cho dòng chảy yếu đi, không còn sức mạnh tải bùn cát, phù sa về đồng bằng khi xả nước vào mùa khô, gây sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL. Về lâu dài, sạt lở đe dọa chính sự tồn tại của vùng này.

dbscl.jpg
Ảnh minh họa

Chúng ta đều biết, dòng Mê Kông chảy theo những nhánh sông xuôi ra biển lớn. Phù sa cũng nương theo dòng nước ra khơi. Trong hàng triệu triệu hạt phù sa ấy, có những hạt "nán lại" bồi lắng thành những cù lao, những cồn đất trên các triền sông. "Bánh nhỏ khó chia" - trong "cơn đói" phù sa do các quốc gia đầu nguồn Mê Kông chặn dòng, xây đập thủy điện, hay chuyển nước trên dòng chính theo kiểu “trích dòng” mà nhiều nghiên cứu gần đây đã cho thấy, không chỉ làm mất đa dạng sinh học, giảm lượng thủy sản, nghiêm trọng hơn là sự sụt giảm khoảng một nửa lượng phù sa vốn là nguồn trầm tích kiến tạo nên và nuôi sống các đồng bằng, trong đó, có ĐBSCL.

Những năm gần đây, câu chuyện lở - bồi không theo quy luật tự nhiên mà do tác động đi ngược lại tạo hóa của con người thật sự là nỗi lo chung của cả nước đối với mảnh đất "Chín Rồng". Tốc độ bồi lắng ngày càng tăng. Nước biển vào sâu trong đất liền. Phù sa ít dần đã hiện hữu… Bao đời, sông Tiền, sông Hậu vốn hiền hòa, mang phù sa kiến tạo đồng bằng. Nay, các dòng sông trong cơn đói phù sa, trở nên hung dữ, thất thường, tạo ra cuồng phong bằng các trận sạt lở bờ sông nghiêm trọng.

Chỉ tính riêng tại Sóc Trăng, thống kê của Chi cục Thủy lợi cho thấy, từ năm 2019 đến nay, bờ sông Hậu trung bình mỗi năm sạt lở chiều dài khoảng 500 - 1.000m. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, sạt lở bờ sông Hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, qua khảo sát đã có khoảng 30 điểm sạt lở nguy hiểm, với tổng chiều dài trên 1.500m thuộc địa bàn xã Đại Ân 1 và An Thạnh Đông, làm vỡ bờ bao nuôi tôm của dân phía ngoài đê và lấn sâu vào sạt lở hết chân và mái để bao Tả, Hữu Cù Lao Dung.

Trong "cơn đói" phù sa ấy, đôi dòng Tiền - Hậu còn bị bồi thêm “cú đấm hội đồng” của tội đồ “cát tặc” lộng hành và hệ thống đê bao cục bộ kiểu “mạnh ai nấy làm”. Kèm theo đó là vấn nạn sử dụng nước ngầm thái quá gây lún đất và tạo ra các vết nứt bị khoét rỗng thành hố, từ đó bị tác động bởi thủy triều. Khi mất lượng phù sa, tài nguyên cát bị vơ vét cạn kiệt, sông Tiền, sông Hậu bị bào mòn nghiêm trọng, làm thay đổi dòng chảy, lòng sông sâu hơn, tạo ra hiện tượng “nước đói”, xâm thực bờ sông.

Dẫu biết hoạt động khai thác cát rất cần cho xây dựng. Nhưng nếu cứ khai thác ồ ạt như hiện nay, chắc chắn đồng bằng sẽ còn tiếp tục mất đất, mất nhà cửa, tài sản.

Thực tế, còn rất ít giải pháp khả thi có thể tiến hành ở nội tại ĐBSCL để ngăn chặn khuynh hướng sạt lở. Mọi biện pháp ở khu vực này, dù là công trình hay phi công trình, cũng chỉ là chống đỡ chứ không thể làm ngừng sạt lở. Bởi không có biện pháp nào ở nội tại ĐBSCL có thể giải quyết nguyên nhân gốc rễ là thiếu phù sa và thiếu cát.

Một đồng bằng châu thổ do phù sa tạo nên chỉ có thể tồn tại khi cán cân phù sa, tức là tài khoản phù sa đủ để duy trì bờ sông, bờ biển.

Thay đổi để thích ứng là dựa vào tự nhiên chứ không phải bóp nghẹt tự nhiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lợi trước… hại sau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO