Lợi ích kép từ giải pháp ứng dụng công nghệ sạch hơn

05/03/2015 00:00

(TN&MT) - Qua nghiên cứu việc áp dụng giải pháp thu khí metan từ công nghệ kị khí từ nước thải của 13 nhà máy tinh bột sắn đạt chuẩn sản xuất của Việt Nam cho thấy, việc ứng dụng công nghệ này không chỉ làm giảm ô nhiễm môi trường mà còn mở ra thị trường tín chỉ cacbon trong tương lai cộng với giá thành xử lý sản phẩm giảm nhiều so với việc dùng công nghệ lắng lọc truyền thống.

Những tính năng ưu việt

Ngành tinh bột sắn là ngành công nghiệp phát sinh một lượng lớn nước thải. Lượng nước thải sinh ra trong quá trình chế biến tinh bột sắn trung bình 10 - 30m3/tấn sản phẩm. Nước thải sinh ra từ dây chuyền sản xuất tinh bột sắn có thông số đặc trưng như: Độ pH thấp, hàm lượng chất hữu cơ cao thể hiện qua hàm lượng chất rắn lơ lửng (SS), các chất dinh dưỡng chứa N, P, K và nồng độ oxy sinh hóa học (BOD) và nhu cầu oxy hóa học (COD) có nồng độ cao…. Công nghệ phổ biến áp dụng trong xử lý nước thải trong ngành chế biến tinh bột sắn là công nghệ hồ sinh học kỵ khí dạng hở. Với việc ứng dụng công nghệ xử lý này, nước thải tinh bột sắn với hàm lượng chất hữu cơ cao sẽ phát sinh một lượng lớn khí metan CH4. Ngoài ra, quá trình sấy khô sản phẩm tinh bột sắn cần một lượng nhiệt lớn vì thế việc đốt các nhiên liệu hóa thạch như: Than, dầu, gas... đều phát sinh một lượng lớn CO2. Vì thế tiềm năng phát thải khí nhà kính cũng như những ảnh hưởng đến môi trường của ngành này là rất lớn.

Việc ứng dụng giải pháp xử lý kỵ khí kết hợp với thu hồi metan từ hệ thống xử lý nước thải ngành này sẽ góp phần giảm một lượng lớn khí CH4 phát sinh từ công trình xử lý nước thải. Lượng CH4 thu hồi được sử dụng làm nhiên liệu để thay thế cho các nhiên liệu đốt đã sử dụng trước đó như: than, gas, dầu… sẽ góp phần làm giảm lượng CO2 phát sinh từ quá trình này.

 

Q
Áp dụng công nghệ kị khí làm giảm ô nhiễm môi trường tại các nhà máy. Ảnh: MH

Ngoài ra, khí biogas dư thừa từ công đoạn sấy khô có thể được sử dụng để chuyển hóa thành điện năng. Bên cạnh, lợi ích về giảm phát thải khí nhà kính (KNK) được ước tính thông qua doanh thu tiềm năng từ việc bán chứng chỉ giảm phát thải thì giải pháp xử lý nước thải kỵ khí kết hợp với thu hồi CH4 còn mang lại những lợi ích khác như: Tiết kiệm chi phí mua nhiên liệu đốt, cải thiện tình trạng sức khỏe cho công nhân và người dân xung quanh nhà máy do phát thải các chất khí gây ô nhiễm do đốt nhiên liệu rắn, giảm thiểu mùi hôi.

Hiện nay, một số nhà máy tinh bột sắn áp dụng công nghệ xử lý nước thải bằng bể CIGAR (bể được tạo thành bằng cách phủ bạt toàn bộ mặt hồ kỵ khí) và công nghệ UASB (kỵ khí kiểu chảy ngược qua lớp bùn yếm khí) kết hợp thu hồi khí metan (CH4). Theo thống kê, nước ta đã có 13 dự án tiến hành thu hồi khí metan từ nước thải ngành chế biến tinh bột sắn đã được công nhận là các dự án sản xuất sạch (CDM-Clean Development Mechanism).

Doanh thu tiềm năng từ việc bán chứng chỉ giảm phát thải KNK

Ứng dụng giải pháp xử lý kỵ khí kết hợp thu hồi CH4 từ công trình xử lý thải sẽ góp phần làm giảm đáng kể lượng phát thải CH4 phát sinh từ công trình nước thải kỵ khí hở đang áp dụng trong việc xử lý nước thải của 13 nhà máy chế biến tinh bột sắn này và giảm đáng kể lượng khí CO2 phát thải từ quá trình đốt nhiên liệu đó là than và dầu FO - 2 nhiên liệu chính đang được sử dụng tại các nhà máy này để cung cấp nhiệt năng cho hoạt động của nồi hơi.

Doanh thu tiềm năng từ việc bán chứng chỉ giảm phát thải KNK được ước tính thông qua lượng KNK giảm và giá bán 1 tấn CO2 trên thị trường. Giả định rằng không có sự rò rỉ lượng phát thải CH4 trong quá trình hoạt động dự án. Vì thế giá trị rò rỉ Leakagey = 0. Số liệu được cung cấp tại 13 báo cáo CDM tại các nhà máy chế biến tinh bột sắn cho thấy, tổng lượng giảm phát thải KNK do thực hiện giải pháp xử lý nước thải kỵ khí kết hợp thu hồi metan là: 482.725 tấn CO2 quy đổi (bao gồm giảm phát thải KNK trong hệ thống xử lý nước thải và giảm phát thải KNK từ việc sử dụng nhiên liệu đốt (than, dầu) để cung cấp nhiệt cho nồi hơi phục vụ cho hoạt động sản xuất của nhà máy.

Giá bán 1 tấn CO2 giảm phát thải trên thị trường hay giá bán chứng chỉ giảm phát (CER) được định giá dựa trên đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến dự án đăng ký tham gia thị trường mua bán khí nhà kính. Tại thời điểm năm 2013, giá bán CER được giao dịch trên thị trường Châu Âu là 0,54 Euro/tấn CO2tđ . Như vậy, doanh thu tiềm năng từ việc bán chứng chỉ giảm phát thải KNK của 13 nhà máy tại năm 2013 dự báo là: 260,671 Euro (tương đương với 7,15 tỷ đồng).

Công nghệ xử lý nước thải bằng phương pháp kỵ khí kết hợp thu hồi khí metan theo cơ chế phát triển sạch CDM là công nghệ mới, được ứng dụng rộng rãi tại hầu hết các quốc gia tiên tiến, nhằm thu hồi tinh khí metan, xử lý triệt để nước thải khi ra môi trường. Từ kết quả đánh giá lợi ích của phương pháp kỵ khí kết hợp với thu hồi khí metan tại một số nhà máy tinh bột sắn ở Việt Nam, cần mở rộng áp dụng giải pháp công nghệ này trên cả nước, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất phát sinh lượng lớn nước thải có hàm lượng chất hữu ơ cao dễ phân hủy (có tiềm năng phát thải CH4 lớn) như: Ngành tinh bột sắn, ngành chế biến thịt, rau quả, sản xuất giấy và bột giấy.

Minh Vũ

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lợi ích kép từ giải pháp ứng dụng công nghệ sạch hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO