Loạn thị trường Sâm Ngọc Linh

13/01/2017 00:00

(TN&MT) - Sâm Ngọc Linh, là một cây đặc hữu của vùng núi Ngọc Linh, là cây thuốc quý hiếm của tỉnh Quảng Nam và Quốc gia. Nhưng hiện trên thị trường nhan nhản sâm Ngọc Linh giả, được bán với giá từ 25 đến 30 triệu đồng/kg. Chỉ vì ham rẻ nên nhiều người đã mua rồi ngậm đắng nuốt cay.

Sâm Ngọc Linh mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam
Sâm Ngọc Linh mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam

Sâm Ngọc Linh giả bán tràn lan

Cả tuần nay, ông Lê Xuân Tư nhà tại huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), ấm ức kể vừa mua phải sâm Ngọc Linh dỏm. Anh Tư kể “Cách đây hơn 1 tuần, thấy một thanh niên người dân tộc thiểu số ở Trà Linh mang bán 2 kg sâm Ngọc Linh giá hơn 60 triệu đồng. Nó bảo ba mẹ nó cho 2 kg sâm bán lấy tiền mua xe máy. Tui tin mua ngay, ai ngờ đó là sâm Ngọc Linh giả”.

Ôm hũ sâm Ngọc Linh vừa mua hơn 20 triệu đồng, anh Nguyễn Xuân Lữ ở TP. Tam Kỳ (Quảng Nam) buồn rầu kể, mặc dù đã rất cẩn thận khi đặt mua chỗ quen biết 6 lạng sâm Ngọc Linh ngâm rượu để uống Tết, nhưng không ngờ, các chuyên gia về Sâm Ngọc Linh nói đây lại là hũ sâm Ngọc Linh giả, sâm Ngọc Linh thật có mắt rất đặc biệt, chứ không phải thế này, nên giờ anh đành để ngắm chơi, chứ cũng chẳng dám uống.

Ông Bùi Hữu Chương, chủ một vườn sâm Ngọc Linh cho biết: Sâm trồng ở khu vực xã Trà Linh, huyện Nam Trà My có giá rất đắt. Với loại sâm từ 5 đến 7 tuổi giá từ 60-70 triệu đồng/kg. Sâm càng nhiều tuổi càng đắt. Đặc biệt, sâm tự nhiên mọc trên rừng thì vô giá.  

Chị Nguyễn Thị Tình, một người chuyên buôn bán sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My kể rằng, có đến 90% sâm Ngọc Linh bán trên thị trường hiện nay là loại sâm mạo danh Ngọc Linh hoặc là Tam Thất trồng từ nhiều nơi rồi đưa về Quảng Nam tiêu thụ, giá chỉ từ 25 đến 30 triệu đồng/kg. Ngay bản thân chị, tuy là người sống ở Nam Trà My mấy chục năm nay, mua bán các loại sâm Ngọc Linh từ tự nhiên đến sâm trồng, quen biết nhiều chủ vườn sâm nhưng khi hỏi mua cũng rất khó. Bởi chỉ khi cần tiền mua sắm, bà con tại xã Trà Linh mới nhổ bán sâm nhưng cũng rất ít. Nhiều gia đình có vườn sâm trồng trong rừng, khi muốn có khoản tiền làm nhà hay cưới vợ cho con, họ nhổ 3-5 kg để bán, còn không chỉ thu hái lá và bán hạt giống là đủ chi phí hàng ngày. Chính vì vậy, không thể có số lượng sâm lớn bán trên thị trường nhiều đến thế.

Như vậy, thực tế cho thấy để mua được đúng loại sâm Ngọc Linh trồng tại núi Ngọc Linh là chuyện không hề dễ dàng như nhiều người có tiền nghĩ.  

Rất khó phân biệt giữa Sâm Ngọc Linh và Tam Thất hoang
Rất khó phân biệt giữa Sâm Ngọc Linh và Tam Thất hoang

Phát hiện 3 loại sâm Ngọc Linh bị làm giả

Hiện nay, đa số các loại sâm được bày bán trên thị trường đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ nên sâm bị làm giả rất nhiều gây nguy hại cho người tiêu dùng. Hiện nay, có khoảng ba loại sâm Ngọc Linh làm giả được phát hiện:

Loại giả thứ nhất cũng là giả cao cấp nhất là sử dụng một loại sâm có ở biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, cùng chi Panax (chi nhân sâm). Hiện tại, chưa thể định danh được loài này, tạm gọi tên là sâm 1A. Tuy nhiên, qua xét nghiệm DNA, đây rất có thể là một loài mới chưa từng công bố ở Việt Nam. DNA giống với sâm Ngọc Linh tới 97%. Nếu người tiêu dùng mua phải loại này thì vẫn còn khá may mắn vì dù sao nó cũng chắc chắn không độc hại gì, hơn nữa loài này giống như sâm Ngọc Linh sát nhau về di truyền nên cũng có lợi cho sức khỏe.

Loại sâm giả thứ 2 là từ Tam thất hoang. Tuy cùng chi nhân sâm nhưng so với giá trị, tác dụng bồi bổ cơ thể kém hơn so với sâm Ngọc Linh và thậm chí cũng kém hơn so với loại giả 1A đã nói ở trên. Tam thất hoang là một trong những loại được dân buôn lựa chọn để làm nhái sâm Ngọc Linh nhiều nhất vì ngoại hình tương đối giống sâm Ngọc Linh.

Loại thứ 3 là sâm Ngọc Linh làm giả từ củ ráy, đây là loại cây thường mọc phổ biến ở vùng núi, nhiều nhất ở Tây Nguyên hoặc những vùng có khí hậu nóng ẩm. Nếu nhìn hình dạng thì cây ráy giống cây khoai môn, phần lá có dạng hình trái tim hơi dài, phần thân mỏng mềm, cao từ 30cm đến 1,5m. Phần rễ biến thành củ dài có nhiều đốt ngắn. Đây chính là phần được sử dụng để làm giả sâm Ngọc Linh.

Đỉnh Ngọc Linh cao 1.500 tại Nam Trà My là nơi phát hiện ra loại sâm Ngọc Linh quý hiếm
Đỉnh Ngọc Linh cao 1.500 tại Nam Trà My là nơi phát hiện ra loại sâm Ngọc Linh quý hiếm

Cách phân biệt sâm Ngọc Linh thật giả.

Sâm Ngọc Linh tự nhiên thật nhiều mắt, các mắt sâm lõm vào thân và xếp so le nhau. Dùng dao cắt thân thành từng lát mỏng và quan sát bên trong thì thấy phần củ có màu vàng nhạt còn phần thân hơi tím hoặc xám nhạt. Các vân trên lát cắt đều, xơ nhỏ. Khi đưa lên miệng nếm có vị đắng, dư vị về sau thì ngọt. Sâm thật có mùi thơm nồng đặc trưng của sâm, chỉ cần đưa lát sâm lên mũi ngửi là có thể nhận biết được mùi này. Ngoài ra, vỏ sâm Ngọc Linh rất mỏng và nhẵn, nếu rửa sạch thì sẽ thấy có màu nâu vàng hoặc xanh xám. Còn nếu như sờ vào các loại sâm giả thì vỏ dày, sần sùi, bì bì, màu giống màu da tê giác.

Sâm Ngọc Linh trồng tự nhiên tại các vùng chuyên canh có hình dạng hơi khác với sâm được mọc tự nhiên. Kích thước và hình dáng sâm trồng khá đồng đều. Sâm trồng thì xung quanh thân có các nốt sẹo, rễ con phồng lên chứa chất dinh dưỡng nuôi cây nên tạo thành những cục, loại sâm trồng này có nhiều rễ, ít mắt hơn sâm tự nhiên và phần thân nhỏ hơn về phần củ.

Còn về phân biệt sâm Ngọc Linh và củ tam thất. Hình dạng thân của tam thất loằng ngoằng và dài hơn sâm Ngọc Linh. Trên thân Tam thất hoang có chứa nhiều mắt. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng không phát hiện ra vì người bán lấy tam thất về đã bẻ hết các mắt, chỉ để lại một nhánh cho giống sâm Ngọc Linh thật. Tam thất không có củ chính, nếu có thì cũng nhỏ và hiếm rễ con bám quanh củ. Tam thất có vị đắng, cứng và nhiều xơ hơn so với sâm Ngọc Linh thật.

Trên thị trường hiện nay sâm Ngọc Linh thật giả lẫn lộn. Nếu không có kỹ năng phân biệt thì khách hàng khó có thể nhìn ra. Vì vậy khi mua người tiêu dùng nên tiếp cận với những cơ sở uy tín, tránh mua đại trà với giá rẻ bất ngờ, vì giá quá rẻ so với mặt bằng chung thì chắc chắn là sâm giả hoặc là đã bị lấy đi hết dưỡng chất có trong sâm.

                                                                           Dương Bùi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Loạn thị trường Sâm Ngọc Linh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO