Loài du nhập và biến đổi khí hậu đang “tiêu diệt” sinh vật bản địa

Hoài Phương| 09/05/2022 17:10

(TN&MT) - Nghiên cứu từ Đại học California (Mỹ) cho thấy, những loài sinh vật bản địa dọc các cửa sông ở California có nguy cơ bị suy giảm mạnh do tác động của các loài du nhập và biến đổi khí hậu.

invasive-species-and-c(1).jpg
Hình ảnh lớp hải tiêu du nhập và bản địa đang cạnh tranh giành chỗ ở. Nguồn: Phys.org

Cửa sông - Môi trường “biến động”

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Ecology của Hiệp hội Sinh thái Mỹ đã dự đoán nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm của sinh vật bản địa ở các cửa sông không phải chỉ do biến đổi khí hậu mà còn bởi sự xâm chiếm ngày càng mạnh của các loài du nhập săn mồi.

Tiến sĩ Benjamin Rubinoff, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Nghiên cứu phát hiện ra rằng biến đổi khí hậu và sự xâm lấn của các loài sinh vật mới tại các cửa sông ven biển đang gây ra những tác động không thể đoán trước được. Vốn đang ở trong điều kiện môi trường ngày càng khắc nghiệt, nay các loài bản địa càng gặp khó khăn khi phải đối mặt với nguy cơ trở thành miếng mồi cho các loài du nhập”.

Đồng thời, các nhà nghiên cứu đã xem xét ảnh hưởng của môi trường và sự săn mồi đối với động vật không xương sống ở Vịnh Tomales, California trong mùa hè năm 2019. Những loài động vật không có xương sống này thường bám vào các rạn san hô hoặc cỏ biển và hầu như không di chuyển, chẳng hạn như bryozoans và ascidians. Đây là đối tượng của những “kẻ săn mồi” như sao biển, cua, ốc và các loài khác.

Tại các cửa sông, sự thay đổi độ mặn và nhiệt độ của nước ảnh hưởng mạnh đến sự phân bố của nhiều loài động vật không xương sống (trai, cua, mực…). Đặc biệt ở California, nơi cửa sông có độ dốc lớn, sinh vật bản địa càng dễ bị tác động bởi biến đổi khí hậu và các loài du nhập.

Nghiên cứu phát hiện ra rằng, các loài sinh vật bản địa có khả năng chống chọi với môi trường kém hơn so với các loài du nhập nên gần như không có lợi thế cạnh tranh để tồn tại, thậm chí còn rơi vào nguy cơ bị “săn mồi”.

Những “kẻ săn mồi du nhập” chiếm lợi thế

Giáo sư Đại học UC Davis thuộc Sở Khoa học và Chính sách Môi trường và Phòng thí nghiệm Biển Bodega, đồng tác giả Edwin "Ted" Grosholz cho biết: "Độ dốc đặc trưng của các cửa sông Bờ Tây đang bị thay đổi bởi biến đổi khí hậu. Việc độ dốc bị thay đổi đang xáo trộn môi trường sống tại cửa sông, khiến lợi thế của “con mồi bản địa” rơi vào tay những “kẻ săn mồi du nhập”.

Grosholz cho biết thêm, những thay đổi như vậy rất khó dự đoán và chỉ có nghiên cứu thử nghiệm mới phân tích được những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu kết hợp với các loài du nhập đến sinh vật bản địa.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng lồng PVC đặt tại ba địa điểm trên khắp Vịnh Tomales trong khoảng từ tháng 6 đến tháng 10/2019. Trong đó, một số lồng có tác dụng bảo vệ sinh vật bản địa khỏi sự tấn công của các loài du nhập, những lồng khác lại cho phép sinh vật du nhập tiếp cận. Vào cuối giai đoạn nghiên cứu, họ chuyển các lồng này trở lại phòng thí nghiệm và sử dụng kính hiển vi để xác định các loại sinh vật cũng như mức độ che phủ là bao nhiêu phần trăm.

Nghiên cứu được tài trợ bởi Viện Đại học California (Mỹ) và Hiệp hội Bờ biển Quốc gia Point Reyes.

Theo Tổng hợp từ Science Daily
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Loài du nhập và biến đổi khí hậu đang “tiêu diệt” sinh vật bản địa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO