Linh hoạt các giải pháp, doanh nghiệp Đà Nẵng sản xuất ổn định trong đại dịch

Lan Anh| 29/05/2021 20:25

(TN&MT) - Dịch COVID-19 đã tác động đến hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp (DN) tại TP. Đà Nẵng. Nỗ lực vượt khó, linh hoạt trong các giải pháp thích ứng, cộng đồng DN Đà Nẵng không chỉ duy trì được hoạt động sản xuất ổn định mà còn tiếp nhận nhiều đơn hàng, tăng doanh thu, tăng lợi nhuận.

Linh hoạt tìm “lối đi”

May mặc là ngành sản xuất chịu tác động lớn bởi dịch bệnh COVID-19, để khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động và góp phần hoàn thành kế hoạch của xuất khẩu của địa phương, các DN may mặc đã nỗ lực trong kết nối, tìm kiếm thị trường, chuyển đổi mô hình sản xuất.

Điển hình Công ty TNHH Kane – M Đà Nẵng chuyên sản xuất hàng may mặc, hàng phụ trợ may mặc xuất 100% sang thị trường Nhật Bản. Do ảnh hưởng của dịch COVID – 19, sản lượng tiêu thụ giảm mạnh. Trước nguy cơ, khó đạt doanh thu mục tiêu, công ty hiện đang có kế hoạch đẩy mạnh thêm mảng kinh doanh, hướng tới tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ.

Xuất khẩu nội địa của thành phố Đà Nẵng vẫn tăng trưởng khá trong đại dịch

"Trước giờ công ty chỉ sản xuất và xuất hàng về công ty mẹ (tại Nhật). Tuy nhiên dịch COVID – 19 buộc đơn vị phải thích ứng bằng cách tìm thêm các đối tác bên ngoài, mở rộng thị trường. Hiện đơn hàng của công ty đi thị trường Nhật Bản đã có đến hết quý III và một đối tác tiềm năng cũng đang thương lượng có tín hiệu khả quan”- bà Lê Thị Hồng Thủy – Giám đốc điều hành công ty TNHH Kane – M Đà Nẵng thông tin.

Hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu thuỷ sản, Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước chịu tác động khá toàn diện do ảnh hưởng của dịch bệnh do các phương pháp kiểm soát dịch. Trước tình hình này, công ty đã chủ động chọn hướng đi đúng trong việc đẩy mạnh xuất khẩu qua nhiều thị trường qua thị trường các nước châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản…

“Chúng tôi đang tận dụng tốt EVFTA để hàng xuất đi thị trường EU hưởng các ưu đãi thuế quan. 5 tháng đầu năm 2021, công ty vẫn tăng trưởng tốt với mức tăng 25% cho cả doanh thu và sản lượng” - ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thuỷ sản và Thương mại Thuận Phước cho hay.

 

Tương tự, hoạt động xuất khẩu của Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) cũng đang trên đà phục hồi. Theo Tổng giám đốc DRC – Lê Hoàng Khánh Nhựt, doanh thu quý I/2021 của công ty vượt xa kế hoạch. Lợi nhuận mục tiêu của quý I là 66 tỷ đồng, nhưng chúng tôi đã đạt gần 80 tỷ đồng. Trong tháng 4, DRC đạt doanh thu hơn 352 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 41 tỷ đồng. Thị trường nội địa tăng trưởng tốt với doanh thu đạt 330 – 350 tỷ đồng.

“Kết quả này là nỗ lực của cả công ty, đặc biệt là bộ phận xuất hàng, vận dụng tối đa sản xuất, cách thức giao hàng. Chúng tôi cũng đang cố gắng để đạt mục tiêu kế hoạch của tháng 5/2021 cũng như quý II”, ông Nhựt nói.

Nỗ lực sản xuất ổn định

Tuy nhiên, khó khăn nổi bật nhất mà các DN xuất khẩu cũng như nhập khẩu đang gặp phải trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát đó là chi phí logistics tăng cao.

Ông Huỳnh Ngọc Trung – Giám đốc Công ty CP Công nghệ Bích Hạnh cho biết, chi phí tăng cao nên các đối tác cung cấp đầu vào cho công ty cũng phải tăng giá. Để gỡ khó, Công ty cùng đối tác đã ngồi lại thương thảo, đàm phán lại hợp đồng đã ký kết, trong đó mỗi bên đều chấp nhận giảm 1 phần lợi nhuận để cân bằng, chia sẻ khó khăn cho cả 2 bên.

Ngoài hỗ trợ, đàm phán để cùng chia sẻ gánh nặng chi phí vận chuyển, một số doanh nghiệp cũng đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa để bù đắp doanh thu.

Vượt qua khó khăn, nhiều doanh nghiệp sản xuất tại TP. Đà Nẵng đang "sống tốt"

Cục Thống kê TP. Đà Nẵng cho biết, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố những tháng đầu năm 2021 có nhiều chuyển biết tích cực, chỉ số sản xuất tháng sau luôn cao hơn tháng trước. Trong tháng 4/2021, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 6,56% so với tháng 3/2021, và tăng tới 29,5% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang dần lấy lại đà tăng trưởng, mức tăng của tháng 4/2021 so với cùng kỳ năm 2020 ước đạt 31,47%, đây là mức tăng cao nhất của nhóm ngành này kể từ khi đại dịch COVID – 19 bùng phát tại Việt Nam.

Hiện nay, TP. Đà Nẵng đã triển khai lấy mẫu xét nghiệm cho tất cả công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao nhằm chặn dịch COVID-19 từ xa. Đến nay, đã có 415/415 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã thành lập Tổ an toàn Covid-19 theo tinh thần “mỗi phân xưởng, dây chuyền sản xuất, tổ sản xuất, vị trí làm việc các nhà máy, công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp cần thành lập ít nhất một Tổ an toàn Covid-19”.

Các khu công nghiệp thực hiện nghiêm túc quy tắc 5K để vừa chống dịch vừa ổn định sản xuất

Chính nhờ triển khai hàng loạt giải pháp phòng dịch nên hơn 60.000 người lao động trên toàn thành phố Đà Nẵng đều có công việc giữa mùa dịch. Theo nhận định của các doanh nghiệp, cho đến khi dịch bệnh trong nước và thế giới được đẩy lùi, các đơn vị xác định cùng lúc thực hiện mục tiêu kép: vừa siết chặt công tác phòng, chống dịch vừa chủ động tìm hướng đi nhằm phấn đấu đạt mức tăng trưởng đã đề ra trong năm 2021. Đây được đánh giá là giải pháp khả thi nhất.

 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Linh hoạt các giải pháp, doanh nghiệp Đà Nẵng sản xuất ổn định trong đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO