Liên vùng ứng phó biến đổi khí hậu: Gỡ những “nút thắt” trong xây dựng kế hoạch liên ngành

09/12/2014 00:00

(TN&MT) - Các vùng liên kết lại để ứng phó với BĐKH là việc làm cần thiết, nhưng hiện nay vấn đề này đang gặp nhiều trở ngại.

   
(TN&MT) - Những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) đang dần hiện hữu và nó tác động tới đời sống xã hội trên một diện rộng, không riêng một địa phương hay một ngành nhất định. Chính vì vậy, việc các vùng liên kết lại để ứng phó là việc làm cần thiết, nhưng hiện vấn đề này đang gặp nhiều trở ngại.
   
Giải pháp mang tính cấp thiết
   
  Trong những năm gần đây, BĐKH đã và đang gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, kinh tế, xã hội của Việt Nam bằng những hiện tượng thời tiết bất thường không tuân theo với quy luật tự nhiên. Những ảnh hưởng này đang tác động mạnh mẽ tới những vùng dễ bị tổn thương như vùng miền núi trung du phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
   
  Theo các kịch bản BĐKH, đối với vùng núi phía Bắc, tác động của BĐKH sẽ khiến lượng mưa mùa hè tăng, lượng mưa mùa xuân giảm; các kỷ lục của mưa đều tăng lên đồng thời với gia tăng tần số các đợt mưa lớn diện rộng cũng như các đợt hạn hán khốc liệt; mùa mưa cũng như mùa khô trở nên thiếu quy luật hơn: Bắt đầu cũng như kết thúc có thể quá sớm hoặc quá muộn, mưa dồn dập hơn trong các tháng cao điểm của mùa mưa và tình trạng khô hạn khốc liệt hơn trong các tháng cuối mùa khô.
   
  Còn đối với vùng đồng bằng, đặc biệt là ĐBSCL những ảnh hưởng là đặc biệt nghiêm trọng. Do BĐKH, diện tích đất canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản sẽ bị thu hẹp, năng suất và sản lượng sẽ suy giảm ở vùng Tứ giác Long Xuyên, Hà Tiên, Đồng Tháp Mười, khu vực giữa sông Tiền và sông Hậu. Tài nguyên rừng, đất, nước, sinh vật hoang dã, khoáng sản (than bùn, cát, đá xây dựng...) sẽ bị xâm lấn và hủy hoại.
   
Liên kết vùng sẽ phát huy sức mạnh tổng thể giảm thiểu tác động BĐKH đang gây ra
   
  Dự báo đến năm 2030, nếu không có giải pháp ứng phó quyết liệt, khoảng 45% diện tích của ĐBSCL sẽ bị nhiễm mặn cục bộ và gây thiệt hại khoảng 17 tỉ USD trong nông nghiệp do lũ lụt và ngập úng. Nếu mực nước biển dâng cao 1m, phần lớn ĐBSCL sẽ hoàn toàn ngập trắng nhiều thời gian dài trong năm.
   
  Chính từ những thực trạng cấp bách như hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng nghiên cứu liên kết vùng trước những thách thức của BĐKH sẽ là giải pháp tổng thể hữu hiệu cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách liên kết vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Liên kết vùng được xem là giải pháp hiệu quả để thực hiện các cam kết trong việc chia sẻ trách nhiệm, đồng thời cũng là điều kiện để các vùng, địa phương nhìn nhận một cách khách quan về vai trò, trách nhiệm trong việc đóng góp các nguồn lực ứng phó với BĐKH. 
   
Cần tháo gỡ những vướng mắc
   
  Tại Việt Nam, trong những năm qua, đã có nhiều hành động, chính sách liên quan đến vấn đề liên ngành, liên vùng ứng phó với BĐKH được xây dựng. Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Tạ Văn Trung (thuộc Bộ TN&MT), hiện nay một số chương trình, quy hoạch, kế hoạch liên quan tới ứng phó với BĐKH vẫn chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, thậm chí chồng chéo giữa các lĩnh vực, khu vực vì vậy chưa phát huy được hiệu quả cao. Việc tiếp cận từ góc độ khoa học pháp lý có thể thấy, các chính sách, pháp luật liên quan tới việc thích ứng và giảm nhẹ BĐKH vẫn chủ yếu tập trung trong lĩnh vực chuyên ngành, chưa chú trọng tới tính liên vùng giữa các địa phương. Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, các địa phương còn chưa cao. Đây được xem là một trong những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai thực thi chính sách, pháp luật ứng phó với BĐKH.
   
  Một trong những hạn chế đang là rào cản cho việc liên kết vùng gặp trở ngại đó là việc lồng ghép kế hoạch, chiến lược ứng phó với BĐKH vào các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; liên kết vùng, liên kết ngành ở các địa phương, đặc biệt là ĐBSCL còn yếu. Đặc biệt, nguồn lực cho ứng phó còn rất hạn chế, phân tán. Việc cắt giảm vốn Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH năm 2014 dẫn đến tình trạng nhiều dự án đang triển khai nhưng không được bố trí vốn tiếp đã gây lãng phí lớn.
   
  Trong khi đó, Tiến sĩ Trần Ngọc Ngoạn, Phó Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn cho rằng, những năm gần đây có khá nhiều nghiên cứu, chương trình về ứng phó với BĐKH. Tuy vậy, những ý tưởng về liên kết vùng còn khá hạn chế, nhất là từ hướng tiếp cận của ngành khoa học xã hội. Có một số công trình nghiên cứu đề cập đến liên kết vùng lại rất mỏng và yếu, thiếu tính thống nhất làm nền tảng ban hành các chính sách phù hợp. Đặc biệt, những nghiên cứu chuyên sâu về liên kết vùng, cơ chế chính sách liên kết vùng thì chưa được cập nhật, còn vắng bóng trên các diễn đàn khoa học.  
   
  Liên kết vùng là giải pháp mang tính hiệu quả cao về lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, mong rằng những rào cản sẽ sớm được khắc phục nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng của BĐKH gây ra.
   
Thái Bình 
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên vùng ứng phó biến đổi khí hậu: Gỡ những “nút thắt” trong xây dựng kế hoạch liên ngành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO