Liên Hợp Quốc thông qua Chương trình nghị sự về nước: Cột mốc đáng nhớ

Mai Đan| 25/03/2023 18:43

(TN&MT) - Ngày 24/3, sau 3 ngày làm việc, Hội nghị về Nước năm 2023 của Liên Hợp Quốc đã khép lại với việc thông qua Chương trình nghị sự về nước. Đây là một kế hoạch hành động “cột mốc” bao gồm gần 700 cam kết nhằm bảo vệ lợi ích chung toàn cầu quý giá nhất của nhân loại.

image1170x530cropped-2-.jpg

Bé gái uống nước tại trường học ở Goré, Chad. Ảnh: UNICEF

Chương trình nghị sự về nước (còn gọi là Chương trình hành động vì nước) đặt ra một loạt các cam kết thay đổi tình hình về nước hiện tại theo định hướng hành động, từ việc đưa ra lựa chọn thực phẩm thông minh hơn đến đánh giá lại nước như một động lực kinh tế mạnh mẽ và là một phần của di sản văn hóa của thế giới.

Tương lai an toàn về nước cho tất cả mọi người

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết Hội nghị về Nước năm 2023 của Liên Hợp Quốc với 2.000 người tham gia đã tạo nên một "tầm nhìn đầy tham vọng".

Ông nói: “Đóng góp của các bạn cho hành động và chuyển đổi sẽ đưa chúng ta tới một tương lai bền vững, công bằng và toàn diện về an ninh nước cho người dân, cũng như cho hành tinh của chúng ta. Hội nghị này đã chứng minh một sự thật là: Với vai trò là tài sản chung toàn cầu quý giá nhất của nhân loại, nước đoàn kết tất cả chúng ta và góp phần giải quyết một loạt thách thức toàn cầu”.

Từ việc ngăn chặn sự lây lan của bệnh tật đến chống lại đói nghèo, tài nguyên thiên nhiên này cũng được quan tâm trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vào thời điểm thế giới đang đương đầu ứng phó với biến đổi khí hậu, khan hiếm nước và ô nhiễm.

“Đó là lý do tại sao nước cần phải là trung tâm của chương trình nghị sự chính trị toàn cầu. Hy vọng của tất cả nhân loại về tương lai, theo một cách nào đó, phụ thuộc vào việc vạch ra một lộ trình mới dựa trên cơ sở khoa học để đưa Chương trình hành động vì nước vào cuộc sống”, ông Guterres nhấn mạnh.

Ông cho rằng cần thực hiện các hành động hướng tới tương lai như phát triển các hệ thống lương thực thay thế mới để giảm việc sử dụng nước không bền vững trong nông nghiệp, đồng thời khởi động một hệ thống thông tin toàn cầu mới nhằm hướng dẫn các kế hoạch và ưu tiên để thực hiện các SDG. Ông đề nghị bổ nhiệm một Đặc phái viên về nước trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vào tháng 9 tới.

Chương trình hành động vì nước “mới chỉ là khởi đầu”

Ông Li Junhua, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội cho biết các cam kết trong Chương trình hành động vì nước bao gồm nhiều hành động, từ xây dựng năng lực đến dữ liệu và hệ thống giám sát, đến cải thiện khả năng phục hồi của cơ sở hạ tầng.

Ông nhấn mạnh: “Đây mới chỉ là khởi đầu. Nền tảng trực tuyến lưu trữ thông tin về Chương trình nghị sự về nước vẫn mở cho tất cả mọi người để nhận các sáng kiến về bảo vệ và phát triển nguồn nước an toàn”.

Một kết quả quan trọng khác của hội nghị sẽ là bản tóm tắt của Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, trong đó ghi lại nhiều ý tưởng, khuyến nghị và giải pháp để bảo vệ tài nguyên nước - “mạch máu của thế giới” thông qua các phiên đối thoại cấp cao. Hội nghị về Nước năm 2023 của Liên Hợp Quốc cho thấy quyết tâm chung của cộng đồng quốc tế nhằm khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên quý báu này cho thế giới hôm nay và các thế hệ mai sau.

image1024x768-11-.jpg

Bé gái 6 tuổi uống nước từ máy bơm tay tại Pakistan. Ảnh: UNICEF

Đại sứ Csaba Korosi của Hungary, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 77 cho biết: “Kết quả của Hội nghị này không phải là một tài liệu ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng nó vẫn mở ra một trang sử mới. Chúng ta đã tái cam kết thực hiện quyền con người về nước và vệ sinh cho tất cả mọi người. Điều đó có nghĩa là kết quả của Hội nghị đã tiếp cận hàng triệu người thậm chí còn chưa biết đến Hội nghị này”.

Theo ông Csaba Korosi, xã hội dân sự và khu vực tư nhân là trung tâm của sự chuyển đổi và là “chìa khóa thành công của chúng ta”, họ phải là một phần của các quan hệ đối tác và giải pháp toàn diện hơn.

Ông cho biết: “Chúng ta hiện đang nắm trong tay những mảnh ghép của một thế giới an toàn về nước và hòa bình hơn. Nếu cùng nhau, chúng ta có thể khởi động quá trình chuyển đổi vì một thế giới an toàn về nước”.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cam kết Liên Hợp Quốc sẽ hỗ trợ từng bước khi các quốc gia thành viên hành động trong suốt nửa sau của Thập kỷ hành động vì nước. Ông nhấn mạnh: “Không có nước thì không thể có sự phát triển bền vững. Khi chúng ta rời Hội nghị lịch sử này, hãy tái cam kết vì tương lai chung của chúng ta. Hãy thực hiện các bước tiếp theo trong hành trình hướng tới một tương lai an toàn về nước cho tất cả mọi người”.

Ông Csaba Korosi cho biết khoản cam kết trị giá 300 tỷ USD được thực hiện để thúc đẩy Chương trình hành động vì nước mang tính chuyển đổi có khả năng mở ra ít nhất 1.000 tỷ USD lợi ích kinh tế - xã hội và hệ sinh thái.

Theo Tổng hợp từ UN News
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên Hợp Quốc thông qua Chương trình nghị sự về nước: Cột mốc đáng nhớ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO