Liên Hợp Quốc: Quan tâm chính sách giúp phụ nữ DTTS ở Việt Nam vươn lên

Ngọc Châu | 06/08/2021, 18:57

(TN&MT) - Giải pháp cho vấn đề phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) bất lợi hơn nam giới DTTS trong tiếp cận tín dụng chính thức để phát triển sinh kế, hoạt động sản xuất - kinh doanh - dịch vụ; Tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết vùng đồng bào DTTS… Đó là những nội dung được nêu trong Báo cáo “Số liệu về phụ nữ và nam giới các dân tộc ở Việt Nam giai đoạn 2015 - 2019” và Tóm tắt chính sách: “Các vấn đề giới trong vùng DTTS ở Việt Nam” vừa được công bố mới đây.

Vừa qua, Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp với Viện Khoa học Lao động và Xã Hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc) cùng sự hỗ trợ tài chính của Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam đã công bố Báo cáo “Số liệu về phụ nữ và nam giới các dân tộc ở Việt Nam giai đoạn 2015 - 2019” và Tóm tắt chính sách: “Các vấn đề giới trong vùng DTTS ở Việt Nam”.

Các nguồn số liệu, thông tin trong hai báo cáo nói trên được tính toán từ kết quả Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS ở Việt Nam do Tổng cục thống kê phối hợp với Ủy ban Dân tộc thực hiện năm 2015 và năm 2019. Nội dung tập trung vào 7 chủ đề chính: Dân số; Cơ sở hạ tầng và tài sản; Lao động, việc làm, thu nhập; Giáo dục và đào tạo; Văn hoá và xã hội; Y tế và vệ sinh môi trường; Cán bộ, công chức là người DTTS.

Nữ DTTS có xu hướng tham gia lao động từ rất sớm. Ảnh: Chính Tới

Kết quả phân tích số liệu tách biệt giới tính trong giai đoạn 2015 - 2019 trong Báo cáo cho thấy những thành tựu nổi bật về bình đẳng giới trong các vùng DTTS và miền núi như: tỷ lệ tảo hôn của người DTTS đã giảm 4,7 điểm phần trăm; tỷ lệ hộ gia đình DTTS có kết nối internet (Wi-Fi, cáp hoặc 3G) tăng 9,4 lần, từ 6,5% năm 2015 lên 61,3% năm 2019; thu nhập bình quân một nhân khẩu/tháng của người DTTS năm 2018 đã tăng mạnh 1,8 lần so với năm 2014; tỷ lệ đi học đúng tuổi của trẻ em DTTS tăng 15,2% trong giai đoạn 2015 - 2019; tỷ lệ người DTTS tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,5% trong đó không có sự khác biệt giữa nam và nữ...

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Báo cáo cũng chỉ rõ một số vấn đề giới ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em gái vẫn tiếp tục tồn tại trong vùng DTTS và miền núi. Tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống chung ở 53 DTTS tuy có giảm, tuy nhiên mức giảm chưa đồng đều và cá biệt vẫn tiếp tục tăng trong một số dân tộc; lao động nữ DTTS làm các công việc không ổn định, dễ bị tổn thương nhiều hơn so với lao động nam DTTS và lao động nữ người Kinh...

Trong bối cảnh Việt Nam cam kết thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc, với nguyên tắc “Không bỏ ai ở lại phía sau” thì những vấn đề DTTS và thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ở vùng DTTS và miền núi càng cần được quan tâm đặc biệt. Hai báo cáo được xây dựng với mong muốn hỗ trợ cho quá trình xây dựng và thực hiện chính sách đối với vùng DTTS ở Việt Nam; góp phần thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng DTTS một cách hiệu quả và toàn diện như Việt Nam đã cam kết thực hiện trong các Mục tiêu Phát triển bền vững ở Việt Nam đến năm 2030.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Vui tết Độc lập trên rẻo cao Tây Bắc
(TN&MT) - Đến với những bản làng của đồng bào dân tộc Mông tại tỉnh Sơn La những ngày này, đâu đâu cũng thấy không khí rộn rã trước ngày hội lớn. Trong những năm gần đây, với đa dạng các hoạt động vui đón Tết, Tết Độc lập không chỉ là ngày hội của bà con dân tộc Mông, mà đã thu hút đông đảo bà con các dân tộc Thái, Mường, Kinh, Dao, Khơ Mú... ở các địa phương trong, ngoài tỉnh cùng về chung vui.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO