Lễ hội thi ca tôn vinh dân tộc và chủ quyền Tổ quốc

14/02/2014 00:00

Với chủ đề “Mùa xuân đất nước từ Điện Biên đến Trường Sa”, “Ngày thơ 2014” hướng về tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc.

Với chủ đề “Mùa xuân đất nước từ Điện Biên đến Trường Sa”, “Ngày thơ 2014” hướng về tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc. 
   
  Đến hẹn lại lên, hàng năm, cứ vào ngày Rằm tháng Giêng, giới yêu thơ lại có dịp gặp gỡ và giao lưu trình diễn những tác phẩm thơ mới đến với công chúng. Năm nay, “Ngày thơ Việt Nam 2014” được tổ chức vào sáng 14/2 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội).
   
  Ngay từ sớm, hàng trăm người đã đổ về Sân thơ truyền thống và sân thơ trẻ trong thời tiết giá lạnh của Hà Nội. Với chủ đề “Mùa xuân đất nước từ Điện Biên đến Trường Sa”, tất cả những hoạt động trong “Ngày thơ Việt Nam” lần thứ 12 đều hướng tới những đề tài Tổ quốc nơi biển đảo, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và hướng tới kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
   
Bản giao hưởng bằng thi ca của lòng yêu nước
   
  Năm nay, “Ngày thơ Việt Nam” không có quá nhiều những nét đổi mới về cách thức tổ chức, tuy nhiên, nội dung lại được thể hiện xuyên suốt và kết nối nhiều thế hệ nhà thơ bằng lòng yêu nước.
   
  Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: “Với ‘Ngày thơ 2014’, BTC cố gắng tạo nên sự kết hợp hài hòa giữa thơ ca và nghệ thuật trình diễn, giữa quá khứ và hiện tại, đa dạng và thống nhất nhằm thỏa mãn tối đa nhu cầu giao lưu và tiếp nhận văn hóa của công chúng yêu thơ với 2 chủ đề về Điện Biên và Trường Sa”.
   
  Chủ đề chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ nhận được sự hưởng lớn của giới thi ca. Nhiều tác phẩm tôn vinh chiến thắng hào hùng của dân tộc, về người Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng được thể hiện lại như trích đọc “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Tố Hữu.
   
  Bên cạnh đó là những sáng tác mới về vùng đất Tây Bắc nhiều gian khổ như “Trời Điện Biên mây trắng” (Anh Ngọc), “Nhớ một chiều Tây Bắc” (Trần Quang Quý), “Đêm xòe Điện Biên” (Lệ Mạnh Tuấn), “Đêm rượu Điện Biên” (Vương Trọng)…
   
  Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: “60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một mốc đáng nhớ về tinh thần yêu nước bất khuất. Giới văn nghệ sĩ chúng tôi cố gắng viết và thể hiện tinh thần đó bằng những dòng thơ. Sự tham gia của các thi sĩ chuyên và không chuyên như bản giao hưởng khẳng định tình yêu Tổ quốc của người Việt”.
   
  Đặc biệt, chủ đề về Trương Sa được nhấn mạnh tại “Ngày thơ 2014” với sự trình diễn của hơn 20 tác giả. Những bài thơ nói về sự hy sinh thầm lặng nơi biên giới thiêng liêng, nơi biển xa gian khổ đầy sóng và gió, qua đó khẳng định chủ quyền của Tổ quốc nơi biển đảo như “Trường Sa làng mình” (Nguyễn Thành Phong), “Tình khúc người lính đảo” (Đàm Khánh Phương), “Thêm một lần Tổ Quốc được sinh ra” (Nguyễn Việt Chiến), “Các em nhỏ ở Trường Yên” (Vũ Duy Thông)…
   
   
  Những bài thơ hào hùng về một sức sống trường tồn của dân tộc chinh phục được nhiều khán giả. Đặc biệt là khi thơ được kết hợp với âm nhạc đa dạng. Du khách đến với Văn Miếu trong “Ngày thơ 2014” còn được thưởng thức những tiết mục biểu diễn nghệ thuật đặc sắc từ các vùng miền như biểu diễn múa hát H’mông của tỉnh Hà Giang, đàn tính Lạng Sơn, hát quan họ Bắc Ninh, múa trống cơm Hải Dương...
   
Sức sống của những vần thơ trẻ
   
  Hòa chung với không khí của ngày hội lớn nhất cho thi ca Việt Nam, Sân thơ trẻ 2014 được dàn dựng theo 4 tổ khúc lấy chữ “Xuân” làm nền, cũng với tinh thần hướng về Điện Biên, biển đảo... đó là: “Mùa xuân vỗ cánh, Ngày trong veo ý tưởng thanh xuân, Xuân trầm tích và Xuân của mẹ.
   
  Nhà văn Võ Thị Xuân Hà, Ủy viên BCH Hội Nhà văn, Trưởng ban Nhà văn trẻ cho biết: “BTC quyết định đưa chủ đề Điện Biên đến Hoàng Sa, Trường Sa đến Sân thơ trẻ để nhấn mạnh sức trẻ với đất nước, với dân tộc. Tuổi trẻ phải nói lên được tình yêu quê hương đất nước theo cách riêng của mình, cất lên tiếng nói của mình. Qua đó, vừa nâng tầm các nhà thơ trẻ, vừa giúp cho độc giả có cái nhìn nhận tốt hơn đối với văn chương Việt Nam”.
   
  Khâu lựa chọn tác phẩm cho “Ngày thơ 2014” cũng được tiến hành rất kỹ lưỡng. Ngoài 9 tác giả trẻ tiêu biểu đại diện cho nhiều tỉnh thành trong cả nước đến với lễ hội thơ ca, “Ngày thơ 2014” còn góp phần giới thiệu và phát triển nhiều gương mặt thơ mới.
   
  Nhà thơ trẻ Trương Xuân Thiên lần đầu bước lên sân khấu “Ngày thơ Việt Nam” cho biết: “Đồng hành cùng Sân thơ trẻ nhiều năm nhưng đây là lần đầu tiên bước lên sân khấu với tư cách là tác giả. Trong cuộc sống hôm nay có rất nhiều thú vui giải trí khác nhau, vị thế của thơ dần dần phai nhạt. Tuy nhiên trong sâu thẳm của những con người Việt Nam, những người yêu nghệ thuật, thơ vẫn là một góc không phai nhạt được”.
   
  Qua 12 năm tổ chức, ngày thơ xứng đáng là Lễ hội thơ ca lớn nhất của Việt Nam. Kết thúc “Ngày thơ 2014”, BTC đã chọn ra 50 câu thơ tiêu biểu, thể hiện đúng tinh thần tôn vinh thi ca nước Việt để thả lên trời. Những chùm bóng bay “chở” các câu thơ đặc sắc được dàn thiếu nữ thanh tân thả lên bầu trời, mang tới một không gian đầy xúc cảm.
   
  Bên cạnh các hoạt động đáng chú ý của hai sân thơ, Ngày thơ Việt Nam 2014 còn có nhiều hoạt động phong phú khác như hai cuộc triển lãm: Triển lãm các sáng tác, hiện vật của lớp nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, Triển lãm tranh vẽ chân dung các cựu binh Việt Nam của nhà thơ Mỹ Kevin Bowen…
   
  Khúc vỹ thanh của Ngày thơ Việt Nam sẽ là cuộc hành hương về Điện Biên Phủ vào đầu tháng 3/2014, với sự tham gia của hơn 100 văn nghệ sỹ. Đoàn sẽ đi dọc con đường huyết mạch dẫn lên vùng kháng chiến năm xưa và tổ chức biểu diễn các chương trình nghệ thuật tại các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La và Điện Biên./.
Thanh Thanh, Mai Quế/VOV online
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ hội thi ca tôn vinh dân tộc và chủ quyền Tổ quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO