Nơi người Giáy sinh sống, dù là bản nhỏ hay đông dân cũng đều khoanh lại một khu rừng nhỏ gần bản để làm nơi thờ cúng thần rừng hàng năm. Những khu rừng cấm linh thiêng, có nhiều loại gỗ quý, hiện nay những khu rừng đó tuy không còn nhiều cây, nhưng người dân vẫn chọn một địa điểm thích hợp để thờ cúng thần. Trong các khu rừng cấm của các bản hoặc liên bản, mọi người dân tôn trọng những điều cấm kỵ như: Không được vào trong khu rừng chặt cây, lấy củi; chỉ ngày làm lễ cúng rừng mới được lấy.
Lễ cúng thần rừng của người Giáy ở Lai Châu. Ảnh: Xuân Chiến |
Thần rừng được coi là vị thần linh liêng nhất, che chở cho dân làng trong cuộc sống hàng ngày. Để bày tỏ lòng biết ơn của người Giáy đối với thần rừng. Hàng năm người Giáy đã tổ chức lễ cúng thần rừng tổ chức 2 lần/năm vào ngày mùng 3 tháng 3 và ngày mùng 6 tháng 6 âm lịch.
Lễ cúng rừng của dân tộc Giáy được tổ chức lúc trời đất giao hoà, vạn vật sinh sôi nảy nở. Ngày cúng rừng, đại diện các gia đình mang lễ vật đến điểm cúng ở khu rừng dân bản chọn làm nơi cúng thần hàng năm. Sau lễ cúng sẽ tổ chức bữa cơm cộng đồng tại chỗ và thống nhất thời gian cấm bản, mọi người không đi lao động sản xuất từ 2 – 3 ngày. Trong những ngày cấm bản, người đàn ông thường săn bắn thú rừng hoặc chặn suối, quăng chài bắt cá.
Lễ vật cúng rừng là một con lợn từ 20 – 30kg, từ 3 – 5 con gà. Gà nhiều hay ít còn tuỳ quy định từng khu rừng. Tất cả chi phí cho lễ cúng là do dân bản tự nguyện đóng góp. Ngày tổ chức lễ cúng, ngay từ sáng sớm đại diện các gia đình (mỗi gia đình một người) đến giúp nhau quét dọn địa điểm cúng và mổ lợn, gà làm lễ. Các gia đình đến dự lễ tự mang theo cơm, rượu, bát đũa để ăn cơm tại nơi cúng theo phong tục. Khi đi dự lễ cúng rừng, không được mặc áo trắng, người nào vợ đang mang thai cũng không được đi dự lễ.
Cúng rừng không chỉ có ý nghĩa về giá trị tinh thần mà còn khẳng định vai trò, vị trí của cộng đồng gần gũi với thiên nhiên, hoà đồng cùng thiên nhiên, tôn trọng bảo vệ thiên nhiên, coi rừng là cuộc sống. Gắn bó với rừng, bảo vệ rừng đã trở thành ý thức chung của cộng đồng được thể hiện trong từng gia đình, làng bản. Mỗi khu rừng thiêng được người dân bảo vệ, chăm sóc, không những mang lại giá trị vật chất, tinh thần cho cộng đồng mà còn góp phần bảo vệ, phát triển môi trường sinh thái chung.
Những khu rừng được dân bản chọn để cúng hàng năm Người Giáy gọi là “Dong sía” (nghĩa là rừng cấm không ai được xâm phạm). Người Giáy hiện nay còn bảo lưu được nhiều nét văn hoá đặc sắc, phong tục tập quán mang tính truyền thống, tiêu biểu là tục cúng rừng.
Tại những khu rừng chọn làm nơi cúng thần luôn tồn tại theo lịch sử của các khu dân cư vì: Từ khi có con người đến lập nghiệp và hình thành bản thì trước tiên phải chọn một khu rừng để cúng thần, nếu khu vực gần bản nơi đó không có rừng thì chọn một cây to ở đầu bản hay cuối bản để làm địa điểm cúng. Sau đó khoanh một vùng xung quanh địa điểm cúng để bảo vệ cho rừng tái sinh, dần dần trở thành khu rừng xanh tốt.
Tương truyền rằng ngày xưa ở vùng dân tộc Giáy sinh sống có nhiều khu rừng cấm rất linh thiêng, có nhiều loại gỗ quý như: Giổi, chò chỉ, sến, táu…có những cây giổi vài ba người ôm không xuể, những cây chò chỉ thẳng tắp cao chót vót và biết bao loài chim muông quý hiếm đến trú ngụ và sinh tồn như: khui rừng cấm ở Lở Thàng (xã Thèn Sin), Nà Cơ, Nà Sài (xã Bản Giang), xã Nậm Loỏng, rừng cấm Xin Chải…
Ở các bản của người Giáy hiện nay vẫn còn kể lại nhiều câu chuyện ly kỳ về các khu rừng và những người vi phạm về những điều cấm kỵ và bị thần rừng trừng phạt. Những điều cấm đó dù cho không được quy định trực tiếp trong các hương ước của bản nhưng mỗi người dân của bản đều biết rõ và có ý thức tuân thủ.
Tục cúng rừng của dân tộc Giáy còn hàm chứa ý nghĩa nhân văn sâu sắc. đó là giáo dục nhân dân tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường xung quanh. Khu rừng cấm được người dân gìn giữ, chăm sóc như nguồn sống. Đây không chỉ là một nghi lễ truyền thống độc đáo mà còn góp phần bảo tồn giá trị về tinh thần trong cộng đồng dân cư và góp phần bảo vệ sinh thái bền vững. Với ý nghĩa như vậy, tục cúng rừng của người Giáy ở tỉnh Lai Châu là một trong những nét văn hoá truyền thống cần được gìn giữ và bảo tồn.