Lấy sự an toàn của người dân làm thước đo kết quả phòng chống thiên tai

Thanh Tùng| 04/06/2021 16:03

(TN&MT) - Đó là ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 được tổ chức sáng nay (4/6) tại Hà Nội.

 Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chủ trì Hội nghị. Ảnh: Đức Tuân

Nguồn lực đầu tư cho phòng chống thiên tai còn thấp

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, trong những năm qua, nhất là năm 2020 thiên tai xảy ra dồn dập, liên tiếp gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản của nhà nước và nhân dân. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư đối với công tác PCTT&TKCN của Đảng, Nhà nước, Chính phủ nên đã giảm thiểu được thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng ngừa, ứng phó với các sự cố thiên tai cũng còn một số những hạn chế, tồn tại. Đó là, công tác lãnh đạo chỉ đạo, tổ chức thực hiện có lúc có nơi chưa kịp thời, còn lúng túng, bị động, thiếu toàn diện, trách nhiệm chưa cao, chưa rõ ràng. Do vậy một số sự việc đáng tiếc đã xảy ra

Mặt khác, nguồn lực đầu tư cho phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn còn thấp, trang thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ ứng phó với thiên tai, tìm kiếm cứu nạn chưa đáp ứng được yêu cầu, còn thiếu những phương tiện chuyên dùng trong các tình huống phức tạp dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong công tác PCTT. Do vậy, những thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2020 vẫn còn lớn: 374 người chết và mất tích, kinh tế thiệt hại hơn 40 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, công tác khắc phục hậu quả, phục hồi, tái thiết sau thiên tai còn chậm do thiếu nguồn lực; việc hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất sau thiên tai tại một số địa phương còn chậm.

Nguyên nhân của các tồn tại hạn chế này, theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành là do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về phía khách quan, các loại hình thiên tai luôn nằm ngoài ý muốn chủ quan của con người, diễn ra khốc liệt, bất thường, trên phạm vi rộng, trong thời gian dài nên khó dự báo. Nguyên nhân chủ quan là do sự lãnh đạo chỉ đạo có lúc, có nơi còn chưa kịp thời, chưa kiên quyết; một số nơi cấp ủy Đảng, chính quyền chưa nhận thức được tầm quan trọng, tính phức tạp và sự nguy hiểm của thiên tai nên còn tư tưởng chủ quan. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế; vai trò của các đoàn thể nhân dân, cộng đồng dân cư, dặc biệt là lực lượng xung kích tại cơ sở chưa được phát huy đầy đủ, kịp thời.

Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, bài học kinh nghiệm quan trọng nhất trong công tác PCTT là công tác dự báo phải chính xác, kịp thời. Thứ 2 là vai trò của người đứng đầu phải sâu sát, cụ thể, triệt để thực hiện phương châm 4 tại chỗ. “Ở đâu người đứng đầu quan tâm tới công tác PCTT thì ở đó chúng ta chủ động được và hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ưu tiên đầu tư cho hệ thống dự báo khí tượng thủy văn

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, hiện nay, xu thế của biến đổi khí hậu diễn ra nhanh và phức tạp, nguy cơ xảy ra thiên tai ngày càng gia tăng, gây thiệt hại ngày càng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh và tính mạng của người dân vì vậy đặt ra yêu cầu phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới cần phải được quan tâm toàn diện hơn.

Trước tình hình trên, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT là quyết tâm cao để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Triển khai quyết liệt các giải pháp, đặt nhiệm vụ bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân lên hàng đầu. Giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2021.

Quang cảnh Hội nghị tại Trụ sở Chính phủ. Ảnh: Đức Tuân

Về giải pháp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, đối với các cơ quan Trung ương cần tập trung nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sat thiên tai đảm bảo chính xác, kịp thời; triển khai các biện pháp hiệu quả nhất trong công tác PCTT. Trong đó, cần đặc biệt ưu tiên, đầu tư cho công tác nghiên cứu về thiên tai, hệ thống dự báo KTTV, hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai bảo đảm được chính xác.

Đối với các lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai từ Trung ương tới địa phương, cần tiếp tục tăng cường trang thiết bị, ưu tiên bố trí ngân sách tập trung xử lý dứt điểm các trọng điểm về đê điều, nhất là các tuyến đê xung yếu, các công trình chống sạt lở bờ sông, bờ biển; từng bước chuyển đổi nghề cho người dân ở các khu vực nguy hiểm.

Bên cạnh đó, cần phát triển khoa học công nghệ và thúc đẩy hợp tác quốc tế về phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai. Ưu tiên cho đầu tư nghiên cứu trang thiết bị khoa học công nghệ quan trắc, theo dõi, giám sát, chỉ đạo điều hành, ứng phó với thiên tai; ứng dụng CNTT, tự động hóa, vận hành công cụ hỗ trợ trong chỉ đạo điều hành.

Đối với tình huống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu cần theo dõi chặt chẽ diễn biến, dự báo đúng tình hình, chỉ đạo ứng phó kịp thời. Khắc phục khẩn trương, có hiệu quả với mục tiêu giảm thiệt hại về người, lấy sự an toàn của người dân làm thước đo cho kết quả hoạt động PCTT.

Về nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương trong công tác PCTT, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, Bộ NN&PTNT là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, chịu trách nhiệm điều phối chung. Cục Cứu hộ, cứu nạn (Bộ Quốc phòng) là cơ quan thường trực của Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giữ vai trò tham mưu về điều động lực lượng, phương tiện, trong đó xác định là lực lượng cốt lõi, chủ công, tuyến đầu khi có tình huống xảy ra.

Bộ TN&MT thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai đảm bảo kịp thời, chính xác. Các Bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Công Thương, Y tế, Thông tin và Truyền thông và các Bộ, ban, ngành ở Trung ương theo chức năng nhiệm vụ sẵn sàng các kịch bản để kịp thời ứng phó.

Các địa phương giữ vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định trong tổ chức PCTT, tìm kiếm cứu nạn cần tiếp tục phát huy tối đa phương châm 4 tại chỗ, ứng phó kịp thời hiệu quả, đặc biệt là xây dựng được kịch bản ứng phó trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Tại Việt Nam, năm 2020, thiên tai diễn ra dồn dập và đặc biệt khốc liệt, mang nhiều yếu tố dị thường, vượt mức lịch sử trên nhiều vùng miền cả nước; đã xảy ra 16/22 loại hình thiên tai, trong đó, có 14 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ); 265 trận dông, lốc sét; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long… Thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích; 3.429 nhà sập, 333.084 nhà bị hư hại, tốc mái; 198.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 52.000 con gia súc, 4,1 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 39.962 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lấy sự an toàn của người dân làm thước đo kết quả phòng chống thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO