Lấy cớ tìm kiếm dầu, Trung Quốc đang “đổ thêm dầu” đốt cháy hòa bình ở Biển Đông

14/05/2014 00:00

(TN&MT) - Với tham vọng độc quyền khai thác nguồn dầu khí giàu có ở biển Đông, Trung Quốc đã đầu tư khoảng 952 triệu USD cho giàn khoan HD -981...

(TN&MT) - Với tham vọng độc quyền khai thác nguồn dầu khí giàu có ở biển Đông, Trung Quốc đã đầu tư khoảng 952 triệu USD cho Tổng Công ty Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) cùng Tập đoàn Đóng tàu quốc gia Trung Quốc trong hơn 3 năm chế tạo và đưa vào sử dụng giàn khoan biển sâu mang tên Haiyang Shiyou-981. Đây được xem là một “giàn khoan khủng”: dài 114m, rộng 90 m, cao 137,8 m và nặng 31.000 tấn với diện tích boong rộng bằng một sân bóng đá chuẩn. Giàn khoan này gọi theo tiếng Việt là Hải Dương-981 (HD - 981)hay CNOOC 98, có khả năng khoan sâu tối đa 12.000 m.
   
  Ngày 3 tháng 5 năm 2014, Cục Hải sự Trung Quốc đơn phương ra thông báo hàng hải rằng giàn khoan HD - 981 tiến hành khoan và tác nghiệp tại vị trí có tọa độ 15o2958” vĩ Bắc - 111o1206” kinh Đông từ ngày 2/5 đến 15/8/2014. Khu vực Trung Quốc đang đặt trái phép giàn khoan HD - 981 nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý. Khu vực này thuộc phạm vi bồn trũng dầu khí Hoàng Sa và thềm lục địa pháp lý của Việt Nam đã được biết là có tiềm năng dầu khí lớn.
   
  Mượn cớ để bảo vệ và phục vụ giàn khoan HD - 981, những ngày qua Trung Quốc đã đưa đến hiện trường tổng cộng hơn 80 tàu các loại, trong đó có gần 10 tàu quân sự gồm tàu hộ vệ tên lửa 534 và tàu tuần tiễu tấn công nhanh cùng nhiều tàu khác. Việc đưa giàn khoan dân sự cùng tàu quân sự vào vùng biển quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, rồi còn hung hăng đâm va tàu chấp pháp của Việt Nam với sự yểm trợ của máy bay, gây hư tàu và thương tích cho gần 10 cán bộ kiểm ngư của Việt Nam, Trung Quốc thưc sự đã lấy cớ tìm kiếm dầu để “đổ thêm dầu” đốt cháy các nỗ lực giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông.
   
  Vậy, bản chất vấn đề và vụ việc này như thế nào?
   
 Theo đuổi “Giấc mơ Trung Hoa”
   
  Trong cuốn sách Bàn về quyền lực biển, Alfred Thayer Mahan có câu nói nổi tiếng: “Ai kiểm soát được biển, người đó sẽ kiểm soát được cả thế giới”. Câu nói trên đã được kiểm chứng thực tiễn từ hai cuộc đại chiến thế giới và qua vai trò chi phối của các nước lớn trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và đồng minh ở thế kỷ 19 - 20. Đối với Trung Quốc, mặc dù là một nước lớn, đông dân nhất, nhưng tiềm lực kinh tế và quốc phòng không phải quá mạnh và vấn đề nội bộ luôn phức tạp trong mọi thời đại. Cho nên, mục tiêu phục hưng dân tộc và giành vị trí trung tâm của một nước lớn trên bàn cờ thế giới đã manh nha qua các triều đại của Trung Quốc, và dần trở thành “giấc mơ Trung Hoa”.
   
  Khi chính thức nhậm chức Chủ tịch nước Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố về trách nhiệm tiếp tục thực hiện giấc mơ Trung Hoa của các vị tiền bối và ưu tiên giải quyết vấn đề biển, đảo. Các nhà quan sát phương Tây cho rằng việc hiện thực hóa “Giấc mơ Trung Hoa” sẽ là những “cơn ác mộng” cho các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong khu vực biển Đông, ý đồ và mục tiêu cuối cùng của giấc mơ này sẽ là: “độc quyền” khai thác các nguồn tài nguyên, tiến tới “độc chiếm” biển Đông.
   
Dàn khoan HD981 của Trung Quốc đặt trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam
    
   
Thực hiện ý đồ  “Độc chiếm Biển Đông”
   
  Tiếp tục thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa” với ý đồ “độc chiếm Biển Đông”, Trung Quốc đã triển khai nhiều bước đi với nước cờ “dùng đi, dùng lại” và cách tiếp cận khác nhau, như: Mở rộng biên giới quốc gia mềm, sử dụng quyền lực mềm và mượn cớ dân sự... Họ đã chủ động chuẩn bị các “kịch bản” với nhiều “màn diễn” cụ thể khác nhau trên Biển Đông, và luôn kiếm cớ đổ lỗi cho đối phương khi diễn “một màn mới”. Từ việc Trung Quốc chiếm đóng 1/2 quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (1956), đến sử dụng vũ lực chiếm giữ trái phép toàn bộ quần đảo này vào năm 1974; dùng vũ lực chiếm bãi cạn Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (1988); cắt cáp tàu thăm dò dầu khí và bắt giữ ngư dân Việt Nam (2011) hoạt động trên vùng biển của Việt Nam và tuyên bố vùng cấm đánh cá vô lý trong vùng biển Việt Nam; phản đối Luật Biển của Việt Nam và thành lập thành phố cấp địa khu Tam Sa; mở thầu 9 lô dầu khí thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong những ngày cuối tháng 6/2012…Trong chuỗi các sự kiện trên, đáng chú ý là họ ngang nhiên công bố ra Liên Hiệp Quốc “Yêu sách phi lý về Đường lưỡi bò 9 đoạn đứt khúc” vào năm 2009, chiếm 80% diện tích Biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế và chủ quyền của các quốc gia láng giềng quanh Biển Đông, trong đó có Việt Nam.
   
  Theo một số học giả: Dù lặp đi lặp lại, nhưng tất cả các nước cờ trên đều phục vụ cho hai mục đích chính: "Biến không thành có" để hiện thực hóa các yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Đồng thời để chứng minh khả năng quản lý thực tế không gian đường lưỡi bò phi lý này, Trung Quốc đã triển khai hàng loạt hoạt động được che đậy và giả danh “dân sự” như nói trên. Bằng cách đó Trung Quốc cũng chiếm bãi cạn Hoàng Nham (Scarborough) do Philippines tuyên bố chủ quyền (2012), chiếm bãi James do Malaysia tuyên bố chủ quyền (2013), và lần này Trung Quốc đưa giàn khoan “khủng” xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Sự việc này cần được xem xét như hai trường hợp trên, tính chất là xâm chiếm vùng biển các nước láng giềng để tạo ra các “tọa độ” an ninh có lợi cho họ, để khống chế các quốc gia láng giềng và sẽ “gặm nhấm dần” các các vị trí chiến lược trên biển Đông.
   
  Các hành động khiêu khích liên tục của Trung Quốc gần đây và sự việc giàn khoan HD - 981 hiện nay khiến tình hình biển Đông vừa dịu xuống về mặt hình thức, lại trở nên nóng hơn bao giờ hết. Và lần này, Trung Quốc vẫn dùng những chiêu thức cũ để xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển Việt Nam một cách ngang ngược và trắng trợn. Đối với Việt Nam, Trung Quốc đã không tôn trọng các thỏa thuận song phương và cam kết cấp cao giữa hai nước về 6 nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển ký tháng 10 năm 2011. Việc đặt trái phép giàn khoan khủng với “chiêu bài” tìm kiếm khả năng dầu khí, rồi tiến tới thăm dò và khai thác ở khu vực nước sâu thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc đã vi phạm điều 74 và điều 83 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
   
  Dư luận thế giới, trong nước Trung Quốc và ở nước ta đều cho rằng cùng với yêu sách phi lý về đường lưỡi bò và những hành động gây hấn gần đây, Trung Quốc đang tiến những bước đi nguy hiểm, đầy thách thức, bất chấp luật pháp quốc tế và công luận thế giới. Trong thời điểm các tổ chức pháp luật quốc tế của Liên Hiệp Quốc đang xem xét vụ kiện về Đường lưỡi bò, thì hành động của Trung Quốc như vậy không phù hợp với “văn hóa ứng xử” của một quốc gia là thành viên Hội đồng Bảo an LHQ.
   
  Đối với khu vực, Trung Quốc đơn phương hành động đã vi phạm công khai Phương thức ứng xử đa phương trên Biển Đông (DOC) và thể hiện hành động không thiện chí trong việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử đa phương trên Biển Đông (COC), thách thức mọi nỗ lực của các quốc gia ASEAN về giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông. Điều này, chắc chắn khiến các nước trong khu vực Biển Đông và ASEAN đoàn kết lại, củng cố đội ngũ, tạo sức mạnh tổng hợp để ứng phó với mọi tình huống từ phía Trung Quốc gây ra.
   
Không thể để Trung Quốc "được đằng chân, lân đằng đầu"
   
  Trung Quốc là quốc gia tham gia ký kết Công ước luật biển 1982, lại là thành viên Hội đồng Bảo an LHQ, nên họ phải gương mẫu tuân thủ các quy định của Công ước, cũng như phải tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Chưa nói đến việc khai thác dầu có ảnh hưởng gì đến các mỏ dầu khác của Việt Nam hay không, mà việc tìm kiếm, thăm dò và tiến tới khai thác dầu ở khu vực nước sâu này chính là khai thác “tranh” mỏ dầu khí của Việt Nam. Đây là một hành động vào nhà người khác lấy đồ rồi!
   
  Một nước nhỏ như Việt Nam, để không nhỏ yếu rất cần sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, trong và ngoài nước, với các nước trong khu vực và trên toàn thế giới. Hành vi sai trái của phía Trung Quốc thách thức toàn thế giới, gây bất ổn định khu vực, thái độ của Chính phủ Việt Nam đã rõ ràng và kịp thời, và đang có những bước đi cần thiết. Hơn lúc nào hết, người Việt trong và ngoài nước, người dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới hãy sát cánh với Chính phủ Việt Nam, làm rõ âm mưu, thủ đoạn ngang ngược của phía Trung Quốc trong việc đơn phương giải quyết các vấn đề ở Biển Đông nói chung và đối với Việt Nam nói riêng.
   
  Bên cạnh đoàn kết dân tộc cần sát cánh cùng các nước ASEAN để gia tăng sức mạnh đoàn kết toàn khu vực, vì Việt Nam sẽ không phải là “nạn nhân” đơn nhất của các thế lực cường quyền trong khu vực. Mặt khác, cần tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ bản chất vấn đề, hiến kế và ủng hộ chủ trương giải quyết của Chính phủ, lên án những hành vi sai trái, đe dọa vũ lực và sử dụng vũ lực của phía Trung Quốc. Đồng thời đưa những hình ảnh bằng chứng về sự hung hăng, ngang ngược cho cộng đồng thế giới biết.
   
  Việt Nam cần kiên định tiếp cận các giải pháp hòa bình, nhưng không từ bỏ quyền tự vệ chính đáng theo quy định của Hiến Chương LHQ. Đặc biệt, nên có thư chính thức thông báo cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và bảo lưu như một văn bản pháp lý theo tập quán luật pháp quốc tế. Vấn đề chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trong biển Đông là vấn đề phức tạp và dài lâu, đối tác tranh chấp chủ quyền nham hiểm, tính toán kỹ, liều lĩnh và muốn “bẫy” ta để họ làm “việc đã rồi”. Cho nên, cùng với việc chúng ta tiếp tục kiên trì và kiềm chế, cần sớm đưa sự việc này ra Trọng tài pháp lý Quốc tế. Thậm chí nhân dịp này nên xem xét toàn diện quan hệ không chỉ trên biển, mà cả quan hệ kinh tế chung để chủ động tránh sự “xâm lược về kinh tế” đã manh nha. Biến thách thức thành cơ hội bằng cách tăng cường liên kết, hợp tác với các nước khác trong khu vực và trên thế giới để giải quyết vấn đề biển và kinh tế đất nước trong dài hạn.
   
  Ngoài ra, các lực lượng chấp pháp và ngư dân ta tiếp tục bám biển thực hiện các hoạt động kiểm soát và sản xuất như thường lệ ở những vùng biển và trên những ngư trường truyền thống bao đời nay, đặc biệt, đối với vùng biển của ta có giàn khoan HD - 981 hạ đặt trái phép, để tạo ra “tương kế tựu kế” trong việc ứng xử với sự việc vô lý nói trên của phía Trung Quốc. Tôi tin rằng Trung Quốc sẽ phải rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nếu họ muốn bảo vệ danh dự của một nước lớn.
   
  Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ!
   
PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi
Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam
Giảng viên cao cấp, Đại học Quốc gia Hà Nội
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lấy cớ tìm kiếm dầu, Trung Quốc đang “đổ thêm dầu” đốt cháy hòa bình ở Biển Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO