Lão ngư nặng lòng với biển

27/05/2014 00:00

(TN&MT) - Với tinh thần hướng về biển đảo, bằng tình yêu với biển tuy đã ngoài 70 vẫn vươn khơi, bám biển phát triển kinh tế gia đình...

(TN&MT) - Với tinh thần hướng về biển đảo, bằng tình yêu với biển, ông Đỗ Xuân Trang ở thôn Tiên Phong, xã Quảng Lợi (Quảng Xương – Thanh Hóa) tuy đã ngoài 70 vẫn vươn khơi, bám biển phát triển kinh tế gia đình, góp phần bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
   
Vượt qua khó khăn
   
   Chúng tôi về xã Quảng Lợi – Quảng Xương, cách thành phố Thanh Hóa 25 km hỏi ông Đỗ Xuân Trang không ai không biết. Chị Nguyễn Thị Hoa, thôn Tiên Phong dẫn chúng tôi đến căn nhà nhỏ, bề bộn ngư lưới cụ, gặp ông Trang. Sau tuần trà, với giọng nói oang oang, nước da ngăm đen nói lên sự mặn mòi của biển cả, ông kể: Bố ông mất sớm, cuộc sống gia đình quá khó khăn, nên ông đành gác lại ước mơ học hành để cùng các ngư dân trong làng lênh đênh trên biển. Đến giờ ông vẫn nhớ như in cái ngày đầu tiên được ra khơi, xem những con sóng đập vào thành bè rồi tung bọt nước lên cao trắng xóa. Hồi đó, ngư cụ đánh bắt rất đơn sơ, không có máy dò cá hay la bàn, định vị mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Ban ngày thì nhìn vào hướng mặt trời, hướng gió để di chuyển thuyền, bè, còn về đêm nhìn  trăng sao để xác định phương hướng. Do địa hình biển ở xã Quảng Lợi nước nông nên không dùng được thuyền lớn, bà con ghép nhiều cây luồng lại với nhau thành từng bè để đi đánh bắt. Giờ đây dù phương tiện tàu thuyền có vững chắc hơn, có phương tiện thông tin liên lạc hiện đại hơn, song mỗi lần vươn khơi vẫn là một thách thức đối với ngư dân miền biển. Dông tố kéo đến bất ngờ có thể bị sóng đánh chìm bất cứ lúc nào. Cứ nghĩ đến những nỗi đau biển cả ông lại xót xa cho những ngư dân bạc bẽo. Nhìn nụ cười tươi trên khuôn mặt đậm chất biển ấy, ít ai biết được ông đã ngoài 70 nhưng vẫn vươn khơi, bám biển.
   
ông Đỗ Xuân Trang luôn canh cánh nỗi lòng với biển
   
  Ông Trang kể về chuyến ra khơi cách đây 12 năm, chuyến ra khơi của ông cùng con gái mới 17 tuổi. Hôm đó vào ngày đẹp trời, chuyến đánh bắt cá của ông ở gần Đảo Mê. Trong lúc 2 bố con đang thả lưới thì bất ngờ cơn dông tố kéo đến, trời đất tối sầm, cơn dông mỗi lúc một mạnh hơn. Ông sợ con gái mình bị ngã xuống biển, nên một tay kéo bè, còn tay kia ôm chặt lấy con. Mặc cho gió thổi càng lúc càng mạnh, ông vẫn giữ cân bằng không để cho sóng biển đánh chìm. Sau nhiều giờ chiến đấu với dông tố, thuyền của ông hư hỏng nặng, đứng trước ranh giới giữa sự sống và cái chết, bố con ông vẫn bình tĩnh, cầm chắc tay chèo, cuối cùng đã vượt qua được hiểm nguy.
   
  Gần 70 năm lênh đênh trên biển, ông cùng anh em vạn chài vào sinh ra tử rất nhiều lần nhưng mỗi khi chứng kiến cảnh phong ba bão táp ập đến, ông vẫn cảm thấy rùng mình. Ai đi biển cũng nói không sợ gì, nhưng không ít lần các ngư dân phải rùng mình trước sự giận giữ của biển cả. Ngư dân chúng tôi "ở lại" với biển khơi là chuyện bình thường. Song với gia đình, vợ con họ sẽ thế nào khi ngôi nhà vắng bóng dáng người chồng, người cha.
   
  Nhiều lần đau xót khi thấy người thân, bạn bè bị biển cuốn đi mà chỉ biết đứng nhìn. Biết là nguy hiểm, nhưng vì cuộc sống, vì chủ quyền biển, đảo quê hương, ông và ngư dân vẫn phải vươn khơi.
   
Ni lòng vi bin c
   
  Là một địa phương giáp biển, đất để canh tác nông nghiệp ít. Nghề duy nhất của người dân là đánh bắt và chế biến hải hản. Người dân ở xã Quảng Lợi, Quảng Xương từ bao đời nay chỉ gắn bó với biển vì biển là nguồn sống mang lại miếng cơm manh áo.
   
   
Ngư dân Quảng Xương mang thành quả lao động từ biển khơi trở về
    
   
  Trầm ngâm một lúc, ông kể: các ngư dân nơi đây luôn cầu mong sao cho trời yên biển lặng để họ trở về cùng khoang cá đầy ắp. Đối với những ngư dân bám biển mỗi lần giong thuyền ra khơi là mỗi lần đặt cược tính mạng mình với đầu sóng ngọn gió. Nhưng từ bao đời nay, những ngư dân làng chài chưa bao giờ ngưng việc đi biển. Bởi biển là nguồn sống của gia đình họ, là ngôi nhà thứ hai của họ. Chống chọi với biển thật gian nan. Ông luôn mong mỏi khoa học kỹ thuật ngày một phát triển để nghề ngư hiệu quả hơn, ngư dân bình an hơn. Tuổi ông chả còn mấy nỗi, nhiều người đã lo chuyện hậu sự, nhưng ông thì không. Chỉ là một lão ngư bình thường, ông luôn canh cánh nỗi lòng với biển cả, với khát vọng những chuyến tàu của ngư dân Việt ra đi và trở về bình yên, bội thu.
   
  Với ông, biển cả cũng là một mạch nguồn. Biết khai thác cũng phải biết nuôi dưỡng, chứ không thể cứ thấy lộc biển thì dùng bằng hết. Trong câu chuyện ông luôn bày tỏ sự xót xa khi hiện nay tình trạng dùng thuốc nổ, xung kích điện để khai thác hải sản quá đà đã làm cho nguồn thủy sinh dần cạn kiệt. Đây là nguy cơ báo động không chỉ cho biển, mà cho cả đời sống của biết bao người trên bờ. Rất mong các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý để biển sớm bình yên. “Nếu làm được gì để ngăn chặn tôi cũng xin góp một tay”, ông nói.
   
  Chúng tôi hỏi ông đã ngoài 70 sao ông không nghỉ ngơi với con cháu mà vẫn còn bám biển, ông nói: Tôi sẽ bám biển cho đến khi nào không thể đi được nữa thì thôi. Tiếng cười giòn tươi của ông hòa vào gió gửi lòng thao thiết với biển cả, người dân nơi đây yêu biển như chính cơ thể mình.
   
  Bài và ảnh:  Thu Thy
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lão ngư nặng lòng với biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO