Lào Cai: Không khuyến khích trồng cây Thảo quả dưới tán rừng tự nhiên

19/11/2016 00:00

(TN&MT) - Nguyên nhân chính khiến tỉnh Lào Cai không khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng cây Thảo quả dưới tán rừng tự nhiên là sẽ làm hỏng hệ sinh...

 

(TN&MT) - Nguyên nhân chính khiến tỉnh Lào Cai không khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng cây Thảo quả dưới tán rừng tự nhiên là sẽ làm hỏng hệ sinh thái rừng nguyên sinh thường là rừng già hàng trăm tuổi nơi người dân thường chọn để trồng cây Thảo quả...

Một nương cây Thảo quả trồng dưới tán cây rừng già ở vùng cao Ý Tý (Lào Cai) làm hỏng hệ sinh thái rừng tự nhiên của Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát.
Một nương cây Thảo quả trồng dưới tán cây rừng già ở vùng cao Ý Tý (Lào Cai) làm hỏng hệ sinh thái rừng tự nhiên của Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, lâu nay cây Thảo quả được coi là loài cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị dược liệu và chế biến gia vị, đồng thời có giá trị kinh tế xuất khẩu cao được trồng nhiều dưới tán rừng tự nhiên ở Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn...

Hiện nay toàn tỉnh Lào Cai có tổng diện tích trồng Thảo quả  gần 12.000 ha và được trồng hầu hết trong rừng già tự nhiên có độ cao từ gần 1.000 - hơn 2.500 mét so với mặt nước biển. Quả Thảo quả đã sấy khô đạt tiêu chuẩn ở Lào Cai lâu nay được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc với sản lượng hàng nghìn tấn mỗi năm, giá bán trung bình từ 150.000-250.000 đồng/kg quả khô, mang về cho địa phương hàng trăm tỷ đồng/ năm và  không ít hộ gia đình vùng cao đã trở nên giàu có từ nguồn thu của cây Thảo quả.

Theo ông Lục Như Trung, cán bộ phòng Kế hoạch - tài chính Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai  việc trồng cây Thảo quả đã làm suy thoái tài nguyên rừng, giảm khả năng phòng hộ, khả năng giữ nước, đặc biệt là khả năng hấp thụ CO2 giảm. 

Ngoài ra khi tổ chức  sấy khô quả Thảo quả để xuất khẩu và chăm sóc rừng Thảo quả  sau thu hoạch vào mùa hanh khô dễ gây ra cháy rừng, làm thay đổi cấu trúc rừng và cảnh quan rừng , ảnh hưởng đến hoạt động du lịch của Vườn Quốc gia Hoàng Liên ( Sa Pa ) và các khu rừng đặc dụng tỉnh Lào Cai.

  Ban Quản lý Chương trình UN-REDD tỉnh Lào Cai đã thuê chuyên gia tư vấn để  khảo sát, phân tích chi tiết nguyên nhân mất rừng, suy thoái rừng từ việc trồng Thảo quả trên địa bàn tỉnh Lào Cai và kết quả điều tra, nghiên cứu đã xác định đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng gây mất rừng và suy thoái rừng được phân tích, tổng hợp trong Kế hoạch hành động REDD+ tỉnh Lào Cai (PRAP).

Trước đó,  ngày 3/1/2013 Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã ra Quyết định số 12 Quy định về quản lý sản xuất và kinh doanh thảo quả trên địa bàn tỉnh Lào Cai nhằm đưa ra những quy định chung, chi tiết về quản lý sản xuất giống, quá trình thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tăng thu nhập cho người dân, hạn chế tác động vào rừng, giảm nguy cơ mất rừng, suy thoái rừng từ trồng cây Thảo quả, quy định cũng nêu rõ  không khuyến khích mở rộng diện tích gây trồng cây Thảo quả mà chỉ khuyến khích tăng cường các biện pháp kỹ thuật thâm canh nhằm tăng năng suất cây Thảo quả hiện có .

Do ảnh hưởng của của các trận mưa tuyết mấy năm gần đây nên hầu hết diện tích cây Thảo quả ở vùng cao Sa Pa, Bát Xát của tỉnh Lào Cai bị thiệt hại nặng nề, vụ thu hoạch Thảo quả năm 2016 không ít gia đình đã bị mất trắng do mưa tuyết đầu năm gây ra.

Vì thế một số gia đình ở huyện Sa Pa chuyển hướng không trồng cây Thảo quả nữa mà quay ra trông cây Táo Mèo và các cây ăn quả ôn đới có giá trị kinh tế và chống chịu được mưa tuyết như mận , đào, lê...

                               Tin và ảnh: Phạm Ngọc Triển

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lào Cai: Không khuyến khích trồng cây Thảo quả dưới tán rừng tự nhiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO