Lạng Sơn: Ứng dụng GIS trong quản lý, bảo vệ rừng

Nguyễn Thủy | 08/10/2021, 17:10

(TN&MT) - Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã sử dụng các ứng dụng hoạt động dựa trên cơ sở dữ liệu từ hệ thống thông tin địa lý (GIS) vào trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Qua đó, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Ứng dụng đa ngành, mang hiệu quả cao

Sự phát triển của GIS (Hệ thống thông tin địa lý) và ảnh viễn thám đã mở ra nhiều hướng ứng dụng trong nhiều ngành khoa học và quản lý. Đặc biệt đối với lĩnh vực quản lý tài nguyên rừng và môi trường, công nghệ này hỗ trợ đắc lực cho quản lý cơ sở dữ liệu, phân tích dữ liệu để lựa chọn các giải pháp quản lý, sử dụng bền vững và có hiệu quả tài nguyên.

GIS ứng dụng rất rộng, đa ngành và có hiệu quả, do vậy xu hướng hiện nay là cần phải cập nhật kiến thức, kỹ năng này ở nhiều ngành quản lý, sản xuất để ứng dụng. Hiệu quả của ứng dụng công nghệ GIS và viễn thám góp phần giảm chi phí thời gian, lao động, số liệu chính xác, dữ liệu được quản lý, lưu giữ ở trạng thái động, có thể áp dụng ở bất cứ quy mô nào và tạo cơ hội cho việc phân tích, tạo ra kiến thức, giải pháp mới trên cơ sở nền dữ liệu gắn với thuộc tính thông tin địa lý.

Lạng Sơn tăng cường quản lý, bảo vệ, nâng cao tính phòng hộ của rừng

Nhận thức được tầm quan trọng của tài nguyên rừng đối với quá trình hình thành và phát triển của loài người, có vai trò to lớn trong việc phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái. Vì vậy sử dụng ứng dụng ảnh viễn thám vào việc sử dụng và khai thác rừng là phương án tối ưu nhất của Nhà nước.

Để giảm thiểu rủi ro về nạn chặt phá rừng, một trong những giải pháp được áp dụng có hiệu quả tại nhiều nước trên thế giới hiện nay là ứng dụng viễn thám trong thực tế để theo dõi rừng.

Ảnh viễn thám phân sẽ phân loại độ che phủ của rừng, xử lý và phân tích những khu vực độ che phủ ít, quản lý những khu vực rừng đầu nguồn, để từ đó nhà nước có những chính sách hợp lý trong việc trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc.

Ứng dụng GIS - Nâng cao hiệu quả công tác quản lý rừng

Lạng Sơn hiện có trên 500.000ha đất có rừng, độ che phủ đạt khoảng 63%. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên trên 290.000ha, diện tích rừng trồng trên 250.000ha. Diện tích rừng rộng, trong khi đó, lực lượng kiểm lâm còn khá mỏng trên 220 cán bộ, vì vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý tài nguyên rừng là rất cần thiết. Từ năm 2016, ngành Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn đã triển khai một số phần mềm hoạt động dựa trên nền tảng sử dụng dữ liệu từ hệ thống GIS để phục vụ chính cho công tác theo dõi diễn biến rừng và cảnh báo các điểm nghi cháy rừng.

Trong công tác cảnh báo cháy rừng, lực lượng kiểm lâm sử dụng một số phần mềm trên nền tảng GIS như: SRMS (cảnh báo cháy rừng), PHCR (phát hiện cháy rừng). Các phần mềm này hoạt động dựa trên việc phân tích dữ liệu được gửi về từ vệ tinh, thông qua phân tích các chỉ số như: độ ẩm, khí tượng, hệ thống sẽ đưa ra các điểm có nguy cơ cháy.

Việc kiểm tra thực địa về hiện trạng rừng trở nên nhanh chóng và chính xác hơn nhờ ứng dụng GIS kết hợp các phần mềm công nghệ thông tin.

Theo báo cáo của Phòng Quản lý Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn, trung bình mỗi ngày, vệ tinh thu thập dữ liệu sẽ di chuyển 4 lần qua khu vực có rừng cần quản lý. Khi phát hiện các điểm cháy rừng hoặc nghi cháy, hệ thống sẽ báo tin nhắn về số điện thoại của các cán bộ kiểm lâm đã đăng ký trên hệ thống.

Hiện nay, có tổng số 15 số điện thoại của cán bộ Kiểm lâm đã được cập nhật trên hệ thống gồm: 2 lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm; 11 hạt trưởng tại các huyện, thành phố; 2 chuyên viên phụ trách lĩnh vực. Chỉ tính từ đầu năm 2021 đến nay, hệ thống đã phát hiện trên 900 điểm cháy và nghi cháy rừng. Nhờ đó, không ít vụ cháy nhỏ được phát hiện và được lực lượng kiểm lâm khống chế kịp thời, không để xảy ra cháy rừng diện rộng.

Đặc biệt, căn cứ vào tọa độ các địa điểm được báo về, cán bộ Kiểm lâm dễ dàng triển khai lực lượng của đơn vị hoặc Kiểm lâm cơ sở gấp rút kiểm tra trực tiếp và tiến hành xác minh trên thực địa có xảy ra cháy rừng hay không.

Không chỉ giúp ích trong cảnh báo cháy rừng, ứng dụng GIS còn đem lại nhiều hiệu quả trong việc theo dõi diễn biến rừng. Được biết, trước đây, để đo vẽ, khoanh bản đồ theo dõi biến động rừng, cán bộ kiểm lâm đều phải sử dụng các thao tác thủ công, sử dụng bản đồ giấy để tác nghiệp. Điều này tốn rất nhiều thời gian, nhân lực. Tuy nhiên, đến nay, công tác này đều được thao tác thông qua các ứng dụng cài đặt trên điện thoại, web sử dụng ảnh viễn thám do vệ tinh gửi về.

Thông qua các phần mềm trên nên tảng GIS, cán bộ kiểm lâm chỉ cần lựa chọn địa bàn, sau đó nhập số liệu và địa bàn kỳ trước và kỳ sau để so sánh, phần mềm sẽ tự động phát hiện các vùng biến động về rừng giữa 2 giai đoạn. Từ đó, lực lượng chủ động xác minh và cập nhật kịp thời số liệu theo lô, khoảnh và tiểu khu vào bản đồ. Đồng thời, các cán bộ kiểm lâm phụ trách công tác theo dõi biến động rừng đều cài đặt phần mềm có tên là GTField để thay thế bản đồ giấy, phục vụ công tác tuần tra, xác định vị trí ngoài thực địa. Nhờ các phần mềm trên, chúng tôi có thể quản lý thường xuyên hơn đối với những địa bàn cách xa khu dân cư, các khu vực rừng có địa bàn hiểm trở, đi lại khó khăn.

Việc ứng dụng hệ thống GIS đã và đang từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên rừng, đặc biệt là đối với tỉnh có diện tích rừng chiếm tỷ lệ lớn như Lạng Sơn. Thiết nghĩ, để có thể phát huy tối đa hiệu quả của ứng dụng này trong công tác quản lý tài nguyên rừng, các cấp, ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa đối với việc đào tạo nhân lực, cơ sở hạ tầng, viễn thông, mà Chi cục Kiểm lâm đóng vai trò là đơn vị đầu mối, tham mưu các kế hoạch và tổ chức thực hiện. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng.

Bài liên quan
  • Quan Hóa (Thanh Hóa): Ổn định đời sống, tái định cư cho người dân sau thiên tai
    (TN&MT) - Tháng 8 năm 2018 cơn lũ lịch sử đã cuốn trôi toàn bộ nhà cửa và tài sản của 15 hộ dân ở bản Ken, xã Nam Tiến, huyện Quan Hóa. Vào thời điểm đó người dân hoang mang khi chỉ trong tích tắc đã không còn chỗ ở. Rất nhanh chóng các ngành chức năng đã sớm triển khai xây dựng khu tái định cư, hỗ trợ tiền để các hộ di dời tới nơi ở mới an toàn. Cũng từ đó các hộ dân yên tâm sinh sống, phát triển sản xuất và đã thoát nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO