Lạng Sơn: Phòng ngừa, ngăn chặn khai thác khoáng sản trái phép

Hoàng Nghĩa| 07/06/2022 10:51

(TN&MT) - Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Lạng Sơn hiện có gần 200 mỏ và điểm khoáng sản thuộc 15 loại khoáng sản rắn… với trữ lượng hàng triệu m3. Để đảm bảo việc khai thác bền vững, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Lạng Sơn đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực.

Triển khai nhiều phương án bảo vệ

Giai đoạn 2020 - 2030, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn được quy hoạch 5 mỏ đá với trữ lượng trên 21 triệu m3; 1 mỏ đất với trữ lượng 0,6 triệu m3. Theo ông Lê Anh Tùng - Trưởng phòng TN&MT huyện Chi Lăng, toàn huyện hiện có 8 giấy phép khai thác còn hiệu lực. Từ năm 2021 tới nay, huyện đã phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện 3 cuộc kiểm tra với 2 đơn vị; hoàn thành quan trắc môi trường đột xuất tại 4 địa điểm đang có hoạt động khai thác khoáng sản. Kết quả, các thông số thu thập được đều nằm trong ngưỡng cho phép của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về tiếng ồn, độ rung, chất lượng không khí xung quanh.

Đặc biệt, để bảo vệ tài nguyên khoáng sản, UBND huyện Chi Lăng đã phê duyệt phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và thực hiện nghiêm từ tháng 7/2018; công bố công khai khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; ban hành Quy chế phối hợp trong quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông trên địa bàn huyện. Qua đó, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đã chủ động triển khai chỉ đạo của cấp có thầm quyền, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước lĩnh vực khoáng sản.

11.jpg

Lực lượng chức năng tạm giữ máy móc khai thác cát trái phép ở xã Bắc La (Văn Lãng, Lạng Sơn).

Theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Lạng Sơn, những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; Quy chế phối hợp trong quản lý, bảo vệ khoáng sản tại các khu vực giáp ranh giữa Lạng Sơn và các tỉnh: Bắc Kạn, Thái Nguyên; Quy chế phối hợp trong quản lý khoáng sản, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, bảo vệ môi trường giữa Sở TN&MT các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn. Đến nay, 11/11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã triển khai các phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

Các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép bằng nhiều hình thức như: Thành lập các Đoàn kiểm tra, công bố địa chỉ thư điện tử, số điện thoại đường dây nóng để tổ chức, cá nhân biết, phản ánh mọi thông tin về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; tổ chức nhiều đợt kiểm tra, kịp thời phát hiện các điểm khai thác trái phép, giải tỏa, xử phạt hành chính, hiện nay tình trạng khai thác trái phép đã cơ bản chấm dứt.

Tăng cường công tác thanh, kiểm tra

Ông Nguyễn Hữu Trực - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lạng Sơn cho biết: Toàn tỉnh hiện có 61 Giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, trong đó, 7 Giấy phép khai thác do Bộ TN&MT cấp; 54 Giấy phép khai thác do UBND tỉnh cấp, chủ yếu là khai thác khoáng sản làm VLXD.

Từ năm 2021 tới nay, tỉnh Lạng Sơn đã tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh, tập trung vào các nội dung: Việc chấp hành các quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, việc khai thác theo thiết kế mỏ được duyệt, việc chấp hành quy định của pháp luật về lĩnh vực đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước của các tổ chức khai thác khoáng sản…

Nhìn chung, thời gian qua, Lạng Sơn đã có nhiều nỗ lực tăng cường quản lý khoáng sản trên địa bàn, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện Luật Khoáng sản, tạo điều kiện cho hoạt động khoáng sản từng bước phát triển, tăng nguồn thu cho ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động, đảm bảo an ninh trật tự xã hội trên địa bàn.

Năm 2021, đã cấp quyền khai thác khoáng sản với 5 doanh nghiệp; thanh, kiểm tra 18 doanh nghiệp, xử phạt vi phạm hành chính 8 tổ chức với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng. Thực hiện Kết luận của Kiểm toán Nhà nước khu vực X (Bắc Kạn; Cao Bằng; Hà Giang; Lạng Sơn; Thái Nguyên; Tuyên Quang) về kiểm toán ngân sách địa phương tỉnh Lạng Sơn năm 2019 - 2020, UBND tỉnh đã xử phạt vi phạm 2 doanh nghiệp do khai thác vượt công suất so với giấy phép, tổng số tiền 400 triệu đồng. Rà soát, phê duyệt 1.729 khu vực cấm hoạt động khoáng sản; 209 khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.

Việc ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép đã có chuyển biến tích cực, cơ bản đã chấm dứt các hành vi vi phạm; công tác kiểm tra, hậu kiểm được tăng cường. Công tác tuyên tuyền, phổ biến Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành được quan tâm, thực hiện thường xuyên. Công tác cấp phép hoạt động khoáng sản; thẩm định, phê duyệt trữ lượng khoáng sản được thực hiện đúng thời gian, trình tự quy định.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, dù đã tăng cường kiểm tra, xử lý, song công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái diễn vi phạm, nhất là tình trạng khai thác, san lấp mặt bằng trái phép. Nguyên nhân do Lạng Sơn là tỉnh miền núi, để xây dựng công trình, nhà ở, các tổ chức, cá nhân đều phải san gạt cải tạo mặt bằng, vận chuyển đất dôi dư ra khỏi khu vực xây dựng, tuy nhiên hiện nay lại chưa có quy định về quản lý, khai thác đất san lấp đối với một số trường hợp hạ độ cao, cải tạo mặt bằng.

Hiện, tỉnh Lạng Sơn đã đề nghị Bộ TN&MT nghiên cứu, bổ sung quy định về quản lý, khai thác đất san lấp với một số trường hợp hạ độ cao, cải tạo mặt bằng. Đề nghị Bộ Tài chính ban hành định mức chi ngân sách, phương tiện cho địa phương để thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Tăng cường đầu tư từ ngân sách Nhà nước hàng năm để điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, nhằm phát hiện nhiều loại khoáng sản phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạng Sơn: Phòng ngừa, ngăn chặn khai thác khoáng sản trái phép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO