Hoạt động tín ngưỡng tôn giáo

Lạng Sơn: Bảo tồn, phát huy nét văn hóa truyền thống lễ hội trong xu thế hội nhập

Hoàng Nghĩa 14:45 24/05/2023

(TN&MT) - Nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, Lạng Sơn là miền đất phong phú, đa dạng lễ hội truyền thống, gắn với phong tục, tập quán, tín ngưỡng và lao động sản xuất của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao…. Bởi thế, tỉnh đã xây dựng các chương trình, kế hoạch, các hoạt động thiết thực để bảo tồn, phát huy nét văn hóa truyền thống các lễ hội.

Phục dựng các lễ hội truyền thống

Theo kết quả thống kê từ Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh (VH,TT&DL), toàn tỉnh hiện có 280 lễ hội, trong đó, 247 lễ hội truyền thống, trên 90% là lễ hội lồng tồng (xuống đồng). Theo đơn vị này, những năm gần đây, quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang cơ chế thị trường, sự bùng nổ công nghệ số và tiến trình hội nhập đã khiến nhiều lễ hội bị lãng quên.

screenshot_20230217_143002_facebook.jpg
Tỉnh Lạng Sơn có gần 250 lễ hội truyền thống. Hàng năm, các lễ hội này thu hút đông đảo du khách thập phương tham gia trẩy hội.

Để bảo tồn nét văn hóa truyền thống lễ hội, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh chú trọng triển khai phục dựng một số lễ hội truyền thống, dân gian. Tổ chức trưng bày, triển lãm về di sản văn hóa, trong đó có các lễ hội truyền thống; đăng tải đa dạng thông tin tuyên truyền về các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống…

Hàng năm, tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức hoạt động khai mạc Lễ hội xuân Xứ Lạng gắn với một lễ hội tiêu biểu trên địa bàn. Tại cấp huyện, lựa chọn 1-2 lễ hội làm lễ hội điểm quy mô cấp huyện để trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, Nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa và sự cần thiết của việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, nhất là các lễ hội truyền thống trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế.

Nhiều lễ hội được phục dựng đã được duy trì tổ chức thường niên, thu hút đông đảo du khách mọi miền tham gia như: Lễ hội Đền Mẫu Đồng Đăng (10 tháng Giêng); lễ hội chùa Bắc Nga (15 tháng Giêng); lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ (22- 27 tháng Giêng); lễ hội Lồng tồng xã Quỳnh Sơn (Bắc Sơn), lễ hội Trò Ngô xã Thịên Kỵ (Hữu Lũng), lễ hội Báo Slao xã Quốc Khánh (Tràng Định)...

Bên cạnh đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tổ chức kiểm kê, lập hồ sơ khoa học, nghiên cứu, phục dựng bảo tồn, tư liệu hóa các lễ hội truyền thống trên địa bàn 11/11 huyện, thành phố. Qua đó, đã phân loại, lập danh mục 272 lễ hội với các hoạt động cụ thể từ phần lễ đến phần hội.

Đa dạng sắc màu văn hóa

Những ngày này, tránh cái nắng gắt oi ả của phố thị, du khách mọi miền đang về với vùng sông nước Hồng Phong, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn để tham dự hội Phài Lừa – Lễ hội truyền thống độc đáo 3 năm mới tổ chức một lần vào ngày 4/4 âm lịch, năm nhuận.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Gia Lèo Văn Hiệp cho biết, có một giai đoạn, hội Phải Lừa đã bị thất truyền và không được tổ chức. Song, nhận thấy ý nghĩa nhân văn trong câu chuyện truyền thuyết gắn với lễ hội có ý nghĩa giáo dục truyền thống, tư tưởng với mọi thế hệ, từ năm 2003, xã Hồng Phong đã phục dựng và tổ chức thành công lễ hội.

Qua mỗi kỳ tổ chức, người dân trẩy hội lại đông hơn trước, cho thấy sức lan tỏa của Lễ hội đến du khách thập phương. Năm 2018, Lễ hội Phài Lừa đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia.

img_20230523_165110.jpg
Đua bè mảng tại Lễ hội Phài Lừa (xã Hồng Phong, Bình Gia).

Được biết, Bình Gia hiện có 82 lễ hội, diễn ra từ đầu tháng giêng hằng năm, với nhiều lễ hội dân gian đậm đà bản sắc dân tộc. Để các lễ hội diễn ra an toàn, tiết kiệm, UBND huyện chú trọng triển khai lễ hội trên tinh thần vui tươi, phấn khởi, đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Các lễ hội còn được tổ chức gắn kết với hội chợ trưng bày, giới thiệu các sản vật đặc trưng địa phương.

Cùng với Bình Gia, với 32 lễ hội, huyện Văn Lãng đã đẩy mạnh quản lý chặt chẽ hoạt động đăng ký và thông báo lễ hội trên địa bàn. Tăng cường tuyên truyền, quán triệt thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính, các hành vi chen lấn, tranh cướp, hoạt động mê tín dị đoan…. Dẹp hàng quán trước khu vực cổng vào các lễ hội để tạo sự thông thoáng, bảo vệ môi trường, cảnh quan khu vực.

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lạng Sơn, sau hơn 3 năm tạm dừng do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, năm 2023, các lễ hội trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được tổ chức trở lại với quy mô lớn hơn, nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, phù hợp truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc xứ Lạng.

Để tạo dấu ấn trong lòng khách du lịch, phát huy giá trị truyền thống các lễ hội, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang tiếp tục phối hợp với các địa phương phục dựng một số nghi thức trong các lễ hội truyền thống. Trong công tác tổ chức, đảm bảo phần lễ được tổ chức trang trọng, phù hợp với các nghi thức truyền thống.

20190226_121143.jpg
Tỉnh Lạng Sơn đang tiếp tục phục dựng một số nghi thức trong các lễ hội truyền thống.

Sở cũng tổ chức kết hợp tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc lễ hội, giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng, nghi lễ truyền thống. Một số lễ hội được các địa phương đưa việc biểu diễn tích truyện gắn với nhân vật lịch sử vào ngày khai hội như các lễ hội: Ná Nhèm, chùa Tam Thanh, chùa Tiên, đền Tả Phủ… Qua đó góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc cho Nhân dân trên địa bàn, nhất là thế hệ trẻ.

Ngành văn hóa Lạng Sơn tiếp tục đẩy mạnh truyền dạy, thành lập, duy trì mô hình tổ đội dân ca, múa sư tử… Khuyến khích người dân trình diễn các di sản văn hóa truyền thống tại các lễ hội. Vận động nhân dân hạn chế đốt đồ mã, vàng mã, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, không phô trương, hình thức, phát huy nét đẹp truyền thống văn hóa các dân tộc.

Sở cũng đã thành lập đoàn kiểm tra, nắm bắt tình hình thực hiện công tác tuyên truyền, quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội và khai thác, bảo vệ các giá trị di tích lịch sử văn hóa tại địa phương; việc xây dựng kế hoạch quản lý, chuẩn bị tổ chức lễ hội…

Lạng Sơn hiện có 5 lễ hội truyền thống được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia gồm: Lễ hội Trò Ngô (huyện Hữu Lũng), Lễ hội Ná Nhèm (huyện Bắc Sơn), Lễ hội đền Kỳ Cùng - đền Tả Phủ (Thành phố Lạng Sơn), Lễ hội Phài Lừa (huyện Bình Gia), Lễ hội Bủng Kham (huyện Tràng Định).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Nét đặc trưng Lễ hội thờ Thần nước vùng đất Tiền Bạt
Người dân vùng đất Tiền Bạt, phường Thạch Quý, thành phố Hà Tĩnh coi lễ hội ở Miếu Đôi rất quan trọng, có tác động không nhỏ đến sự an cư của làng. Bởi vậy, trong nghi lễ thờ thần nước, với quan niệm “đất có thổ công, sông có hà bá”, lễ cầu mưa là một trong những tín ngưỡng đặc trưng.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO