Làng rèn Hiền Lương hơn 500 tuổi có nguy cơ thất truyền

15/01/2017 00:00

(TN&MT) - Nằm dọc bờ Bắc con sông Bồ, làng Hiền Lương (xã Phong Hồ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) từ lâu đã nổi tiếng với nghề rèn truyền thống. Tuy nhiên, theo dòng thời gian, làng nghề hơn 500 tuổi này đang “thoi thóp” trong cơn bão công nghiệp phát triển và có nguy cơ thất truyền...

Các sản phẩm rèn được trưng bày tại Tổ đình làng nghề rèn Hiền Lương
Các sản phẩm rèn được trưng bày tại Tổ đình làng nghề rèn Hiền Lương

Những ngày đầu cực thịnh

Làng Hiền Lương xưa kia có tên là Hoa Lang, là một trong 59 ngôi làng cổ thuộc huyện Đan Điền, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa, được hình thành vào năm 1445 dưới triều vua Lê Thánh Tông, đến nay đã tồn tại được 571 năm.

Theo lời kể của các cụ trong làng, đầu thế kỷ XVII, nhiều nhóm người theo chân Chúa Nguyễn đi vào vùng Nam khai hoang lập ấp. Sau khi được sự đồng ý của các hương chức trong làng thời bấy giờ, một nhóm nhỏ dừng chân và xin ở lại tại làng. Trong nhóm ấy có một vị biết làm nghề rèn, chuyên rèn các dụng cụ sản xuất nông nghiệp, khai khẩn đất hoang, lập làng xã, xây dựng nhà cửa… khi ấy, nghề rèn ở Hiền Lương dần dần phát triễn.

Cụ Hoàng Kim Hứa (80 tuổi), một người có hơn 65 năm trong nghề kể rằng, những ngày đầu, lò rèn trong làng mở ra chỉ để phục vụ sản xuất trong vùng. Nhờ những người thợ khéo tay và uy tín nên nhiều người biết đến và đặt hàng. “Cách đây trên dưới 40 năm, đi khắp làng, nhà nào cũng có lò rèn riêng, ngày đêm đỏ lửa, những vị khách phương xa như các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đều phải lặn lội đến đây đặt hàng trước hàng tháng trời mới làm kịp. Thanh niên trai tráng trong làng thời gian đó ai ai cũng học nghề rèn. Các sản phẩm làm ra nhờ chất lượng tốt và uy tín nên làng rèn Hiền Lương này thời đó nổi danh khắp nơi”- ông Hứa nhớ lại.

Bao năm nay, ông Thêm vẫn quai búa làm rèn
Bao năm nay, ông Thêm vẫn quai búa làm rèn

Hiện nay, làng Hiền Lương vẫn còn ngôi Tổ đình nghề rèn, được con dân làng chung sức trùng tu vào năm 2005 với nhiều di vật trưng bày như thần vị, đồ khí tự, thần phả… nhằm lưu giữ những giá trị lịch sử của cha ông thời xưa và trưng bày các công cụ do làng nghề chế tạo hiện nay.

Mới đây, tháng 7/2016, Hiền Lương được công nhận là làng nghề rèn truyền thống. Tưởng chừng đây chính là cơ hội, là “bước đà” để địa phương thúc đẩy nghề ngày một phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng. Thế nhưng, một thực tế đang hiện hữu đó là mặc dù trãi qua thời gian tồn tại rất lâu với những giá trị không thể phủ nhận, nhưng hiện nay làng nghề rèn Hiền Lương đang phải đối mặt với nguy cơ bị mai một dần.

Nguy cơ thất truyền

Quá khứ hào hùng là thế, nhưng hiện nhiều lò rèn trong làng đánh “tắt lửa” hoặc chuyển đổi nghề, bời theo thời gian các sản phẩm của làng rèn Hiền Lương không còn được ưa chuộng, dần dần không còn chỗ đứng trên thị trường. Nếu như trước đây trong làng nhà nào cũng có lò rèn, thì hiện giờ chỉ còn 4 hộ giữ được ghề, hoạt động cầm chừng yếu ớt. Các hộ dân trong làng đang tìm kiếm con đường mưu sinh mới.

Có mặt tại nhà ông Trương Văn Thêm (66 tuổi), một người từng được đề xuất phong danh hiệu nghệ nhân, bên chiếc lò rèn, ông lụi cụi mài, dũa những công đoạn cuối cùng đối với những sản phẩm mà bà con trong làng đem đến sửa.

Tranh thủ lúc ông Thêm nghỉ tay, hỏi cảm nhận về cái nghề mình, ông trả lời với giọng buồn rầu: “Nghề rèn là nghề truyền thống của gia đình. Trước đây, tôi cũng đã thử làm nghề khác để có thu nhập cao hơn nhưng vì yêu nghề, yêu mảnh đất nơi đây nên vẫn bám trụ với cái lò rèn này cho đến bây giờ.

Trăn trở với sự thất truyền về nghề rèn của người nghệ nhân bên ánh lửa
Trăn trở với sự thất truyền về nghề rèn của người nghệ nhân bên ánh lửa

Thế nhưng mấy năm gần đây, nghề rèn gặp muôn vàn khó khăn. Làm dao, rựa, cuốc, xẻng, liềm… đều bằng công cụ thủ công nên rất khó cạnh tranh với các mặt hàng ngoài thị trường. Một cái rựa được rèn thủ công phải mất đến cả ngày, đổ mồ hôi nước mắt và cả công sức, bán ra với giá 500 nghìn đồng. Trong khi cũng là cái rựa nhưng làm công nghiệp nhập về từ Trung Quốc, Thái Lan chỉ bán hơn 100 nghìn đồng thì thử hỏi làm sao chúng tôi cạnh tranh nổi”.

Ông Thêm cho biết, do thu nhập từ nghề rèn này không được bao nhiêu và nghề làm lại cực, nên các thanh niên trẻ trong làng đều lựa chọn lên thành phố đi làm, hoặc đi học ở xa, hay xin đi học nghề, không còn ai theo đuổi nghề rèn truyền thống của làng nữa.

Chung tâm trạng với ông Thêm, cụ Hoàng Kim Hứa lo lắng trước nguy cơ các lò rèn trong làng sẽ không còn được “giữ lửa”. Gia đình tôi chỉ có mình tôi theo nghề, con cái lơn lên không đứa nào chịu theo nghề này. Sau này không biết cái lò rèn còn đỏ lửa nữa hay không, cái nghề hàng trăm năm tuổi nay mất đi thì tiếc quá”- ông Hứa tâm sự.

Ông Hoàng Ngọc Trung- Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hiền trăn trở: “Nghề rèn Hiền Lương xưa nay tồn tại theo kiểu "cha truyền con nối”. Những thợ rèn tay nghề giỏi đều đã lớn tuổi, trong khi giới trẻ lại không còn ai thiết tha với nghề của cha ông". Ông Trung cũng thừa nhận việc duy trì nghề rèn truyền thống như trước đây rất khó thực hiện bởi quy trình sản xuất chủ yếu dựa vào lao động thủ công nên năng suất, chất lượng và mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu.

"Chúng tôi luôn quan tâm, hỗ trợ, động viên những thợ rèn cũ, khuyến khích những thanh niên trong làng đến với nghề. Trong những kỳ Festival làng nghề truyền thống Huế, chúng tôi đều cử những thợ rèn lâu năm đi để quảng bá sản phẩm"- ông Trung thông tin.     

                                                                                 Bài & ảnh:Đức Linh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng rèn Hiền Lương hơn 500 tuổi có nguy cơ thất truyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO