Lãng phí đầu tư xây dựng chợ ở Gia Lai

12/05/2016 00:00

(TN&MT) – Hàng chục tỷ đồng đã được tỉnh Gia Lai đầu tư để xây dựng chợ mới, thay thế một số ngôi chợ cũ, chợ tạm. Thế nhưng, do việc quy hoạch vị trí...

 

(TN&MT) – Hàng chục tỷ đồng đã được tỉnh Gia Lai đầu tư để xây dựng chợ mới, thay thế một số ngôi chợ cũ, chợ tạm. Thế nhưng, do việc quy hoạch vị trí không phù hợp, đầu tư xây dựng chủ quan của chính quyền địa phương nên những ngôi chợ mới dù đã được xây dựng khang trang vẫn chưa thể đưa vào hoạt động, gây lãng phí rất nhiều nguồn vốn đầu tư công và nguồn vốn xã hội hóa.

Chợ Hoa Lư mới xây dựng khang trang đã 2 năm nhưng vẫn im lìm, không bóng người mua bán
Chợ Hoa Lư mới xây dựng khang trang đã 2 năm nhưng vẫn im lìm, không bóng người mua bán

Những ngôi chợ lãng phí

Chợ Chi Lăng (phường Chi Lăng, TP. Pleiku, Gia Lai) được xây dựng từ năm 2013 trên quỹ đất rộng gần 1 ha với nguồn vốn đầu tư hơn 4 tỷ đồng của tư nhân. Cả khu chợ rộng rãi, khang trang, sạch sẽ với 20 ki-ốt và khu nhà lồng thoáng mát đủ sức phục vụ cho hơn 100 hộ kinh doanh, nhưng chợ mới bị bỏ trống ngay từ khi xây xong cách đây 2 năm cho đến nay, vì chưa có tiểu thương nào vào chợ kinh doanh. Theo nhiều người dân xung quanh chợ, chợ Chi Lăng mới giờ trở thành nơi chăn thả, nghỉ trưa của bò, dê và là sân phơi cho các hộ gia đình gần đó.

Cũng tương tự, chợ Hoa Lư (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) được xây dựng từ tháng 6/2012, và dự kiến đến cuối tháng 5/2014 sẽ đưa vào hoạt động chính thức. Chợ Hoa Lư mới rộng 2.710 m2, được đầu tư xây dựng với kinh phí khoảng hơn 12,5 tỷ đồng bằng nguồn vốn công. Khuôn viên chợ gồm có 59 ki-ốt, 2 khu nhà lồng với 192 sạp hàng nhỏ cùng với các hệ thống thoát nước, phòng tránh cháy nổ, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đến nay chợ xây xong đã 2 năm mà vẫn nằm im lìm, không bóng người qua lại hay trao đổi mua bán, trái ngược hoàn toàn với khu chợ cũ vẫn nhộn nhịp chỉ cách đó vài trăm mét.

Còn chợ Phù Đổng (phường Phù Đổng, TP. Pleiku) thì phải tốn kém thời gian và tiền của cho 2 lần đầu tư mới trở thành chợ. Ban đầu, bằng nguồn vốn công lên đến 29,2 tỷ đồng, UBND TP. Pleiku đã quy hoạch xây dựng Trung tâm thương mại Hội Phú. Thế nhưng, khi xây dựng xong, không hiểu vì lý do gì mà Trung tâm thương mại cũng không được đưa vào hoạt động chính thức. Đúng thời điểm chợ tạm Phù Đổng hình thành trên đất mượn tạm của Tập Đoàn Hoàng Anh Gia Lai cần di dời để đảm bảo vấn đề an ninh trật tự và vệ sinh môi trường, UBND TP. Pleiku lại tiếp tục đầu tư thêm gần 1,6 tỷ đồng để xây dựng thêm các hạng mục công trình, chuyển đổi công năng Trung tâm thương mại thành chợ. Đến nay, sau 2 lần đầu tư thì chợ Phù Đổng vừa mới được hoàn thành và đang trong giai đoạn chuẩn bị thủ tục, làm hợp đồng cho thuê gian hàng, sạp hàng.

Chợ Hoa Lư cũ hoạt động lấn chiếm lòng lề đường gây mất an toàn giao thông
Chợ Hoa Lư cũ hoạt động lấn chiếm lòng lề đường gây mất an toàn giao thông

Nguyên nhân do đâu?

Dù được đầu tư tiền tỷ, chợ mới khang trang, sạch đẹp nhưng không được tư thương ủng hộ, đồng thuận khiến chợ mới xây xong vắng bóng người mua bán. Nguyên nhân chủ yếu là do việc quy hoạch vị trí chợ không phù hợp, vướng mắc trong đền bù tiền hợp đồng thuê chợ cũ hay không đảm bảo tính công bằng trong mua bán giữa các tư thương.

Bà Nguyễn Thị Thu Thanh – tư thương buôn bán ở lô 6, chợ Hoa Lư cho biết: “Chúng tôi vào chợ, có hợp đồng cho thuê đất 22 năm, phải tự bỏ tiền đầu tư xây dựng nhà 2 tầng theo quy cách quy định để buôn bán, hằng năm vẫn đóng thuế đất. Bây giờ thành phố chuyển chợ đi nơi khác nhưng không có bất kỳ thông báo hay thăm dò ý kiến của các tư thương, đến khi xây xong mới báo chuyển chợ. Đền bù hợp đồng cũng không hợp lý, số tiền từ năm 1992 không thể so sánh giá trị ngang bằng với năm 2016. Hơn nữa, chợ mới ở vị trí không thuận lợi cho việc buôn bán, diện tích lô, sạp nhỏ”.

Nguyện vọng của một số các tư thương còn hợp đồng thuê chợ Hoa Lư cũ là TP. Pleiku phải đền bù tiền môi trường kinh doanh. Ông Nguyễn Văn Trường – tư thương buôn bán ở lô 33, chợ Hoa Lư nói: “Hợp đồng thuê chợ năm 1992 ghi rõ là thành lập chợ Hoa Lư, đến bây giờ chuyển chợ đi trước thời gian hợp đồng hết hạn thì chính quyền phải bồi thường tiền môi trường kinh doanh. Số tiền này tính bằng tiền công của một lao động bình thường là 200 ngàn đồng/ngày nhân với số ngày còn lại đến khi hợp đồng hết hạn, và tính riêng cho từng người trong hộ kinh doanh”.

Còn đối với các tiểu thương chợ Chi Lăng, đến khi nào dẹp bỏ được chợ tự phát cũ, thì họ mới vào chợ mới buôn bán. Bởi, khi nào chợ cũ còn hoạt động ở vị trí ngay mặt đường lớn thì chợ mới nằm ở phía trong sẽ không thể buôn bán được vì không có người mua.

Bà Nguyễn Thị Thu Thanh phản ánh với PV lý do không chuyển về chợ mới
Bà Nguyễn Thị Thu Thanh phản ánh với PV lý do không chuyển về chợ mới

Còn nhiều lúng túng

Ông Nguyễn Kim Đại – Phó Chủ tịch TP. Pleiku thừa nhận, trên địa bàn thành phố hiện có hai ngôi chợ đã xây dựng nhưng chưa thể đưa vào hoạt động vì còn một số tư thương chưa đồng lòng vào chợ mới. Điển hình như chợ Hoa Lư có 74 hộ đã đồng ý bốc thăm đấu giá, cho thuê ki-ốt, lô sạp. Còn 38 hộ chưa đồng ý do hợp đồng cho thuê chợ cũ với UBND phường Hoa Lư đến năm 2022 mới hết hạn. Sau khi chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền, xây dựng phương án đền bù, đã có thêm 22 hộ đồng ý vào chợ mới. Các hộ còn lại vẫn chưa đồng tình với phương án đền bù mà UBND thành phố đưa ra.

“Sau nhiều ý kiến của tư thương về vị trí quy hoạch chợ Hoa Lư, thành phố cũng đã có nhiều biện pháp sửa chữa như: các bậc tam cấp đường lên chợ gây khó khăn cho việc vận chuyển hàng hóa vào chợ đã được sửa chữa lại; rãnh thoát nước cũng được cải tạo; thực hiện tháo dỡ đoạn phân cách trước đường Cách Mạng Tháng Tám tạo điều kiện cho người mua dễ dàng vào chợ; mở thêm đường ở cổng bên hông chợ ra đường hẻm nối với các đường chính là Tô Vĩnh Diện, Cách Mạng Tháng Tám… Đối với chợ Chi Lăng hoạt động lấn chiếm trên đường Trường Chinh, cũng đã có nhiều ưu đãi như miễn tiền thuê 6 tháng, không thu tiền kinh doanh lộ thiên…, nhưng người dân vẫn chưa chịu vào chợ”, ông Đại cho biết.

Ông Đại cho biết thêm: “Biện pháp của chính quyền chủ yếu là tuyên truyền, vận động tư thương vào chợ, cùng với việc thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi. Đối với việc bồi thường tiền môi trường kinh doanh theo yêu cầu của tư thương chợ Hoa Lư, đây là một khoản bồi thường khá mới lạ, chính quyền thành phố cần thời gian để tìm hiểu mới có thể giải quyết được”. Trong khi chợ mới bị bỏ không thì cũ vẫn hoạt động, lấn chiếm xuống lòng lề đường tạo sức ép không hề nhỏ về vấn đề an ninh trật tự, an toàn giao thông. Vì đã xây dựng từ lâu nên chợ cũ, chợ tạm cũng không đáp ứng được vấn đề vệ sinh môi trường khi không có hệ thống thoát nước…

Trước tốc độ phát triển nhanh của một đô thị loại 2, việc quy hoạch xây dựng chợ mới, thay thế chợ cũ, chợ tạm là một việc làm rất cần thiết và đúng đắn của chính quyền TP. Pleiku (Gia Lai). Thế nhưng, vì nhiều vướng mắc chưa được giải quyết khiến chợ bị bỏ không nhiều năm cho thấy sự lúng túng trong giải quyết vấn đề của chính quyền địa phương. Hi vọng, thời gian tới chính quyền TP. Pleiku sẽ có nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động người dân để những ngôi chợ mới được đưa vào hoạt động, tránh gây lãng phí.

Bài & ảnh: Quế Mai

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lãng phí đầu tư xây dựng chợ ở Gia Lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO