Làng nghề đá mỹ nghệ Đà Nẵng: Cắt điện vẫn không chịu dời vào vùng quy hoạch

05/05/2016 00:00

(TN&MT) - Tình trạng nước thải chứa axit, khói bụi, tiếng ồn… phát ra từ làng nghề đá Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn - TP. Đà Nẵng), gây bức xúc trong dư luận và ô nhiễm môi trường trầm trọng. Mới đây, chính quyền Đà Nẵng đã ra thông báo hạn cuối cùng là ngày 31/3/2016, các cơ sở trên phải ngừng sản xuất, di dời vào làng nghề đã quy hoạch. Tuy vậy, nhiều cơ sở vẫn đưa ra những lý do như, đang gặp khó khăn, thiếu kinh phí để di dời, xây dựng nhà xưởng ở nơi mới.

Đã hết diện tích quy hoạch

Với 425 cơ sở sản xuất, mỗi năm làng đá giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, mang lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh ở đây mang tính tự phát, mạnh ai nấy làm, việc xử lý môi trường chưa được đầu tư. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất chủ yếu nằm xen kẽ trong khu dân cư nên những năm gần đây, nước thải chứa axit, khói bụi, tiếng ồn phát ra từ làng nghề này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động du lịch của danh thắng Ngũ Hành Sơn cũng như đe dọa sức khỏe người dân.

Tình trạng nước thải chứa axit, khói bụi, tiếng ồn… phát ra từ làng nghề đá Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn - TP. Đà Nẵng), gây bức xúc trong dư luận và ô nhiễm môi trường
Tình trạng nước thải chứa axit, khói bụi, tiếng ồn… phát ra từ làng nghề đá Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn - TP. Đà Nẵng), gây bức xúc trong dư luận và ô nhiễm môi trường

Việc quy hoạch làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước Đà Nẵng, thành phố đã có chủ trương từ hơn 10 năm trước, đến năm 2011, Ban Quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước được thành lập và đi vào hoạt động, năm 2012, đề án quy hoạch làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước triển khai. Nhưng rồi, qua bao "vướng mắc", khó khăn,  đến tận cuối năm 2015, làng nghề đá mới chính thức đi vào hoạt động.

Khi được hỏi về vấn đề này, ông Võ Đức Huy - Trưởng Ban Quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước cho biết, tổng các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ được khảo sát trên địa bàn Ngũ Hành Sơn là 425 cơ sở,  qua 12 đợt đã xét duyệt 373 cơ sở đủ điều kiện được thuê đất tại làng nghề đã quy hoạch trên diện tích 35 ha hiện nay. Đã sắp xếp được 349 cơ sở, còn nợ đất 25 trường hợp. Trong số 348 cơ sở được bố trí, sắp xếp, đã ban hành quyết định giao đất cho 346 cơ sở, đã có 331 cơ sở nhận quyết định và đã nhận đất thực tế... Tổng số cơ sở đã xây dựng nhà xưởng là 247, đã đi vào hoạt động 193 cơ sở.

Được biết, ngoài 25 trường hợp nhà nước còn nợ đất trong làng nghề, vẫn còn hơn 80 trường hợp đã nhận đất, nhưng không di dời cơ sở vào làng nghề sản xuất. Số cơ sở này vẫn hoạt động rải rác trên địa bàn phường Hòa Hải, như vậy việc giải quyết, xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn còn phức tạp.

Ông Võ Đức Huy - Trưởng Ban Quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước cho biết thêm, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã thành lập 3 tổ công tác liên ngành, tổ chức tuyên truyền, vận động người dân, thậm chí đã dùng biện pháp cưỡng chế là cắt điện một số cơ sở sản xuất. UBND phường đã thông báo, hạn cuối cùng là ngày 31/3/2016, các cơ sở trên phải ngừng sản xuất, di dời vào làng nghề đã quy hoạch. Tuy vậy, nhiều cơ sở vẫn đưa ra những lý do như, đang gặp khó khăn, thiếu kinh phí để di dời, xây dựng nhà xưởng ở nơi mới. “Nếu việc di dời 373 cơ sở vào làng nghề hoàn tất, làng nghề mới gọi là "tạm"  cơ bản trong giai đoạn 1” - ông Huy nói. Theo khảo sát vẫn còn tới 180 cơ sở sản xuất đá trên địa bàn quận cần di dời vào làng nghề, tuy nhiên hiện nay diện tích đất quy hoạch ban đầu 35 ha đã hết.

Các cơ sở sản xuất chưa chịu vào khu quy hoạch, nên những năm gần đây, nước thải chứa axit, khói bụi, tiếng ồn phát ra từ làng nghề này ảnh hưởng đến hoạt động du lịch của danh thắng Ngũ Hành Sơn
Các cơ sở sản xuất chưa chịu vào khu quy hoạch, nên những năm gần đây, nước thải chứa axit, khói bụi, tiếng ồn phát ra từ làng nghề này ảnh hưởng đến hoạt động du lịch của danh thắng Ngũ Hành Sơn

Doanh nghiệp than phiền khâu quy hoạch?

Hiện nay nhiều cơ sở sản xuất  đã di dời vào làng nghề chưa thực sự yên tâm sản xuất. Ông Huỳnh Bá Thu và ông Mai Văn Lãnh là chủ 2 cơ sở sản xuất đá cho biết: "Chúng tôi chấp hành nghiêm túc chủ trương của nhà nước, di dời cơ sở vào làng nghề, nhằm góp phần giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường, và công việc sản xuất quy củ, bài bản hơn". Tuy nhiên việc quy hoạch diện tích mỗi lô để các cơ sở thuê đất không hợp lý, đặc thù của công việc sản xuất đã là gây bụi và tiếng ồn, nhưng việc quy hoạch mặt tiền của các cơ sở quá hẹp, rất khó khăn cho việc sản xuất.

“Như cơ sở của tôi và ông Lãnh sát nhau, chiều ngang mỗi lô đất chỉ 5 mét, giống như phân lô để xây nhà ở vậy, chỉ vấn đề bụi ở cơ sở này bay sang đã làm ảnh hưởng đến cơ sở ở bên cạnh. Đây là vấn đề mà Ban Quản lý làng nghề phải xem xét, góp ý với các nhà đầu tư khi xây dựng cơ sở hạ tầng” - ông Huỳnh Bá Thu, chủ một cơ sở nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hiền - Chủ tịch UBND P. Hòa Hải, Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) cho biết: "Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước mang lại hiệu quả rất lớn cho việc phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương và cả thành phố. Trong nhiều năm qua, làng nghề đã thu hút hàng nghìn lao động tham gia, góp phần giải quyết vấn đề an sinh xã hội". 

Tuy nhiên, nghề sản xuất đá gây ô nhiễm môi trường nhất, bụi đá, tiếng ồn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt bình thường của các khu đô thị, dân cư... Chỉ cách đây 2 năm, bất cứ ai đến khu vực Hòa Hải hầu như trên khắp ngõ ngách, mọi nẻo đường của mảnh đất nổi tiếng cả nước bởi danh thắng "núi Ngũ Hành", ấn tượng đầu tiên là tiếng đục đá chí chát, tiếng máy cắt, mài đá các loại gầm rít, từng đám bụi đá trắng đục bay mù mịt... Có lẽ đây là vấn đề mà chính quyền và ngành chức năng phải quan tâm đầu tiên, trước cả vấn đề hiệu quả của làng nghề, đó là quy hoạch làng đá làm sao cho hợp lý.

Vào khu quy hoạch mới như là cuộc “giải cứu” cho cả người dân lẫn khách du lịch. Thế nhưng những bất cập trong việc bố trí, phân lô cũng như tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm khó khăn là câu hỏi lớn chưa có lời đáp với  các cơ sở và doanh nghiệp
Vào khu quy hoạch mới như là cuộc “giải cứu” cho cả người dân lẫn khách du lịch. Thế nhưng những bất cập trong việc bố trí, phân lô cũng như tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm khó khăn là câu hỏi lớn chưa có lời đáp với các cơ sở và doanh nghiệp

Việc phân lô, bố trí diện tích nhà xưởng tại khu quy hoạch làng nghề mới cũng là nguyên nhân khiến cho người dân chậm trễ trong việc di dời. Theo phương án bố trí, sắp xếp các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ vào khu hoạch làng nghề của UBND quận Ngũ Hành Sơn, diện tích được bố trí cho mỗi hộ sản xuất tùy quy mô sản xuất từ 100m2 đến 800m2, trong khi đó, tại xưởng cũ có diện tích cả ngàn m2. Bên cạnh đó, nhà xưởng được phân lô, thiết kế như nhà ở với chiều ngang 5m, chiều dài 20 - 25m không phù hợp với việc bày trí và di chuyển sản phẩm đá có kích thước lớn.

Vào khu quy hoạch mới như là cuộc “giải cứu” cho cả người dân lẫn khách du lịch. Thế nhưng những bất cập trong việc bố trí, phân lô cũng như tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm khó khăn là câu hỏi lớn chưa có lời đáp với họ.

Bài & ảnh: Xuân Lam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng nghề đá mỹ nghệ Đà Nẵng: Cắt điện vẫn không chịu dời vào vùng quy hoạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO