Làng đá di sản quốc gia Non Nước trăn trở tìm hướng đi

24/09/2014 00:00

(TN&MT) - Hàng ngàn người thợ ở làng đá Non Nước (Q. Ngũ Hành Sơn - TP. Đà Nẵng) có nguy cơ thất nghiệp khi sản phẩm đá mỹ nghệ ở trong tình trạng ế ẩm.

(TN&MT) - Hàng trăm cơ sở sản xuất, chế tác và kinh doanh đá mỹ nghệ trở nên vắng vẻ đìu hiu sau khi Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VHTT&DL) khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không sử dụng các biểu tượng, sản phẩm linh vật ngoại lai không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Hàng ngàn người thợ lâu nay gắn bó với nghề truyền thống, đang ăn lên làm ra bỗng nhiên lâm vào cảnh thất nghiệp. Đó là những gì  đang diễn ra tại làng đá Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn – TP. Đà Nẵng).
   
Đìu hiu làng đá Non Nước
   
  Những ngày đầu tháng 9 tin vui đến với những nghệ nhân làng đá Non Nước khi Bộ VHTT&DL công nhận làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước trở thành “Di sản phi vật thể quốc gia”. Niềm vui chưa vẹn, sau yêu cầu của Bộ VHTT&DL về việc không sử dụng linh vật không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam, gần 500 cơ sở sản xuất với hơn 4.000 lao động của làng đá Non Nước như ngồi trên đống lửa.
   
  Chủ cơ sở đá mỹ nghệ Thọ Hồng cho biết: “Thời gian gần đây, chúng tôi không nhận được đơn đặt hàng nào, những đơn đặt hàng sẵn đã bị hủy, khách hàng cũng không thèm nhòm ngó các mẫu đã có sẵn tại cửa hàng. Vì hồi trước, mặt hàng này bán chạy nên chúng tôi đã cho làm sẵn cả chục cặp lớn. Nếu giờ không bán được, sẽ lỗ cả tỷ bạc”.
   
Sư tử đá và các mẫu sinh vật ngoại lai ở làng đá mỹ nghệ Non Nước ế ẩm vì không có khách mua
   
  Làng đá Non nước có 500 cơ sở điêu khắc, chế tác và trưng bày các sản phẩm mỹ nghệ từ đá. Đi dọc các con đường như Huyền Trân Công Chúa, Lê Văn Hiến, Nguyễn Duy Trinh,….bất kỳ cửa hàng nào cũng trưng bày hàng chục cặp sư tử Trung Quốc đủ mọi kích cỡ, màu sắc. Theo quan niệm của người phương Đông, sư tử đá đặt ở cổng hoặc cửa ra vào có thể tránh tà, ngăn cản sát khí vì vậy mặt hàng này rất được ưa chuộng. Tùy theo kích cỡ, màu sắc, loại đá mà giá các cặp sư tử, lân có giá từ vài chục triệu đồng tới vài trăm triệu đồng. Như nếu một cặp lân cao hơn 2m thì thợ đá làm khoảng 3 tháng mới xong, chi phí cũng từ 200-300 triệu đồng. “Trước đây, mỗi năm bán được 30 cặp lớn và cả trăm cặp nhỏ. Khách thường mua để đặt nhà hàng, khách sạn hoặc tặng chùa chiền” - Chủ cơ sở điêu khắc Nghĩa Diệu chia sẻ.
   
  Ông Huỳnh Chín – Trưởng ban quản lý Làng đá mỹ nghệ Non Nước cho biết công văn khuyến cáo của bộ đã ảnh hưởng đến đời sống, công ăn việc làm ở làng đá mỹ nghệ Non Nước, bởi mặt hàng sư tử đá, kỳ lân, tỳ hưu đá chiếm đến 70% giá trị sản xuất của bà con làng nghề. “Cả khách hàng lẫn người thợ chế tác hay chủ cửa hàng đều không biết con vật mà họ vẫn gọi là lân chính là sư tử Trung Quốc.
   
  Rõ ràng, họ hoàn toàn không có lỗi. Hiện nay, chỉ riêng đường Nguyễn Duy Trinh, vẫn có hàng trăm người thợ đang chế tác dở dang hàng trăm con sư tử canh mộ Trung Quốc. Lao động địa phương làm nghề từ nhiều đời nay, bây giờ họ đâu có biết làm việc khác được. Tìm ra hướng đi để duy trì nghề và bảo đảm cuộc sống đang là khó khăn với làng nghề” – ông Chín nói.   
   
Chủ động tìm hướng đi
   
  Hiện chính quyền địa phương quận Ngũ Hành Sơn đang tuyên truyền vận động bà con ở làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước từng bước chuyển đổi để tìm mặt hàng sản xuất phù hợp. Tuy nhiên, cái khó hiện nay của nghệ nhân làng đá là xác định linh vật nào phù hợp và không phù hợp với “thuần phong mỹ tục của Việt Nam”. Ông Nguyễn Việt Minh, nghệ nhân làng đá Non Nước chia sẻ: “Người dân làng nghề mong muốn được các cơ quan chức năng hướng dẫn thật cụ thể, chi tiết. Chỉ cho chúng tôi biết thế nào là linh vật ngoại lai, thế nào linh vật thuần Việt. Có như vậy người sản xuất mới biết để có định hướng cụ thể”.
   
  Còn đối với ông Trần Văn Xuất, chủ cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Xuất Ánh: không chỉ riêng mẫu linh vật Việt khó gia công mà chính tâm lý dè dặt, chưa thật sự yêu chuộng linh vật Việt của người Việt Nam. “Tôi đang hướng sang làm nghê, voi, sư tử đá Việt nhưng cần phải có thời gian. Hiện tại xưởng đang gia công một cặp sư tử Việt để quảng cáo. Hi vọng đến đầu năm sau sẽ có nhiều doanh nghiệp, đình chùa, người dân đặt mua để thợ làm linh vật đá tiếp tục sống được với nghề. Tôi tin rằng người dân làng nghề sẽ tự chuyển đổi được và họ sẽ tìm được đầu ra cho mình”- ông Xuất nói.
   
Nhiều cơ sở điêu khắc vẫn sản xuất cầm chừng dù biết không ai mua
   
  Ông Trần Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL TP. Đà Nẵng cho biết: Để đảm bảo làng nghề hoạt động ổn định tránh gây tâm lí hoang mang cho các nghệ nhân, Sở đang có những bước đi thận trọng, đúng hướng để giải quyết những thách thức đang tồn tại như các sản phẩm ngoại lai, sử dụng công nghệ, hóa chất ô nhiễm môi trường,... Trước mắt, Sở đã phối hợp cùng Ban quản lí khu du lịch danh thắng Ngũ Hành Sơn tiến hành, kiểm tra tình trạng trưng bày, sử dụng biểu tượng vật phẩm, linh vật (sư tử bằng đá và một số vật phẩm khác) theo tạo hình không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ở cổng, cửa khu di tích, đình, chùa, công sở cơ quan, đơn vị gây phản cảm về thẩm mỹ, văn hóa, tâm linh tại địa phương...       
   
Để tạo thuận lợi cho người dân làng nghề đá Non Nước, Sở VHTT&DL Đà Nẵng cũng có công văn đề nghị Bộ VHTT&DL nên để những học giả, những nhà nghiên cứu có những bài viết cụ thể hơn để định hướng dư luận cũng như để người dân biết được những linh vật nào thì nên để ở đâu là phù hợp.
   
  Làm sao để giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống và giữ gìn làng đá mỹ nghệ Non Nước là vần đề mà chính quyền và các ngành chức năng ở TP. Đà Nẵng đang hướng đến./.
  Bài và ảnh: Lan Anh
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng đá di sản quốc gia Non Nước trăn trở tìm hướng đi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO