Lâm trường “ôm đất” ở Đô Lương (Nghệ An): “Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”

23/11/2018 16:42

(TN&MT) - Những người dân sống cạnh rừng ở huyện Đô Lương đang bức xúc vì thiếu đất sản xuất trong khi đất rừng phần lớn nằm trong tay Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đô Lương, lợi ích doanh nghiệp này hưởng nhưng hệ lụy thì chính quyền phải gánh.

Lâm trường “ôm” quá nhiều đất

Sống cạnh rừng, nhưng từ lâu, nhiều người dân ở xóm Quang Trung, xã Giang Sơn Tây (huyện Đô Lương) vẫn thiếu đất sản xuất, trong khi đất rừng ở đây phần lớn do Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đô Lương (gọi tắt là Công ty lâm nghiệp) quản lý. Ông Nguyễn Văn Việt, Bí thư Chi bộ cho biết, xóm có 140 hộ nhưng chỉ có 40 hộ có rừng để sản xuất. Sau nhiều lần người dân đề nghị giao khoán rừng cho dân sản xuất, cuối năm 2016, Công ty lâm nghiệp mới cho người dân nhận khoán 29 ha đất rừng, chia ra mỗi hộ được nhận 8 sào đất.
 

Nhiều cánh rừng bạt ngàn ở Đô Lương thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đô Lương
Nhiều cánh rừng bạt ngàn ở Đô Lương thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đô Lương

Bức xúc trước nỗi khổ ở rừng mà không có đất rừng, tháng 4/2018, sau khi công ty này thu hoạch keo, hàng chục hộ dân ở xóm Quang Trung đã kéo vào rừng đào hố trồng keo trên diện tích 8 ha của công ty quản lý. Người dân cho rằng, đất này do cha ông họ từ xã Tràng Sơn đến khai hoang phục hóa từ năm 1962. Sau đó, Công ty lâm nghiệp mượn làm vườn ươm giống cây. Năm 2000, doanh nghiệp này chuyển sang trồng keo rồi diện tích này nằm trong sổ đỏ của công ty. Người dân nhiều lần đấu tranh đòi lại nhưng không được.

Ông Đặng Xuân Quảng, Chủ tịch UBND xã Giang Sơn Tây cho biết, xã có 726 ha đất lâm nghiệp. Năm 2003, Công ty lâm nghiệp được UBND tỉnh Nghệ An cấp bìa đỏ quản lý và sử dụng 410 ha, trong đó có 170 ha rừng đầu nguồn. Diện tích rừng đầu nguồn này sau đó được chuyển sang trồng keo. Theo số liệu của xã, trong số 410 ha do công ty này quản lý, có 340 ha đã giao khoán cho người dân trồng keo và ăn chia theo tỉ lệ người dân hưởng lợi 70% hoặc 50% tiền bán keo sau khi thu hoạch. Ngoài ra, còn 70 ha công ty này vẫn tự sản xuất và chỉ thuê người dân bảo vệ (được hưởng 2-3%/năm lợi nhuận). “Người dân của xã sống chủ yếu dựa vào đất rừng, không có đất, người dân rất vất vả. Xã đang đề nghị Công ty lâm nghiệp giao toàn bộ đất rừng của công ty về xã quản lý để giao cho dân sản xuất cho họ ổn định cuộc sống” - Ông Quảng nói.

Người dân xóm Quang Trung, xã Giang Sơn Tây, huyện Đô Lương đang thiếu đất rừng sản xuất
Người dân xóm Quang Trung, xã Giang Sơn Tây, huyện Đô Lương đang thiếu đất rừng sản xuất

Tại xã Hòa Sơn, ông Thái Đình Hường, Chủ tịch UBND xã cho biết, xã có hơn 470 ha đất rừng, trong đó phần lớn do Công ty lâm nghiệp quản lý. Dân sống cạnh rừng nhưng không được hưởng lợi gì từ rừng vì chỉ có người của Công ty lâm nghiệp nhận khoán, không có người dân nào được nhận đất rừng của doanh nghiệp này để sản xuất. Xã chỉ nhận bảo vệ 40 ha keo của Công ty lâm nghiệp quản lý, mỗi chu kỳ keo, xã được nhận 12% số tiền bán keo.

Ở xã Giang Sơn Tây, lãnh đạo xã cho biết đất nghĩa trang cho 4 xóm không còn chỗ để mai táng. Xã đã quy hoạch nghĩa trang 5 ha nhưng đất do Công ty lâm nghiệp đang quản lý nên chưa thực hiện được. Còn tại xã Mỹ Sơn, ông Đặng Văn Tú, Chủ tịch UBND xã cho biết do dân cư phân tán, sau nhiều lần đền nghị, Công ty lâm nghiệp mới bàn giao 3,7 ha đất để làm nghĩa trang ở xóm 9 và xóm 10. Hiện, xã cần 10 ha đất để làm nghĩa trang của 7 xóm nhưng vẫn chưa được công ty chấp nhận.

Trong 8 xã có đất rừng do Công ty lâm nghiệp quản lý, chỉ có xã Hòa Sơn được Công ty lâm nghiệp chi trả tiền bảo vệ rừng keo do doanh nghiệp này đóng trên địa bàn xã. Trong khi đó, tình trạng xe tải vào ra khai thác, vận chuyển keo đã gây hư hỏng đường thôn xóm. Ông Nguyễn Văn Việt, Bí thư xóm Quang Trung, xã Giang Sơn Tây bức xúc: Hàng năm, công ty thu nhập từ rừng rất lớn, nhưng xe vào vận chuyển cây làm hỏng đường của xóm thì không sửa. Sau khi người dân phản đối, doanh nghiệp mới hỗ trợ xóm 15 triệu đồng để sửa đường.

Chỉ giao đất “xương xẩu” cho địa phương?

Năm 2003, Công ty lâm nghiệp được giao quản lý gần 3.927 ha, nhưng đến nay, diện tích này giảm còn 2.191 ha. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều năm nay, Công ty lâm nghiệp đã để người dân nhận khoán tự xây dựng nhà ở kiên cố trên đất rừng, điển hình như ở xã Mỹ Sơn. Ông Đặng Văn Tú, Chủ tịch UBND xã Mỹ Sơn cho biết, vừa rồi, công ty giao cho xã một số diện tích đất rừng nhưng xã chưa nhận vì đất này đã bị dân chiếm dụng, xây công trình kiên cố. “Xã không nhận đất vì không thể cưỡng chế các công trình, nhà cửa của người dân đã xây dựng. Những phần đất mà doanh nghiệp bàn giao cho dân là phần đất khó canh tác” - ông Tú nói.

Nhiều diện tích rừng thông bị cháy không được trồng lại theo quy định bằng thông mà lại được trồng bằng keo
Nhiều diện tích rừng thông bị cháy không được trồng lại theo quy định bằng thông mà lại được trồng bằng keo

Ông Thái Đình Hường, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn, cũng cho biết, vừa rồi, Công ty lâm nghiệp bàn giao 142 ha đất cho xã quản lý, nhưng xã không muốn nhận vì đây là diện tích “xương xẩu”, nằm trong hành lang đê điều hoặc cho cá nhân thuê nhưng họ đã xây dựng nhà ở, còn lại là đất khó sản xuất. “Những diện tích công ty sử dụng không hiệu quả, quản lý không được mới trả lại cho địa phương. Chúng tôi muốn công ty trả cho 40 ha rừng sản xuất ở khu vực Khe Lầy nhưng chưa được” - Ông Hường nói.

Theo quy định, diện tích rừng thông khi bị cháy sẽ phải trồng lại thông thay thế, nhưng tại một số xã, diện tích thông sau khi cháy đã được công ty cho trồng keo. Năm 2016, ông Nguyễn Văn Lân, đội trưởng sản xuất của công ty này đã tự ý bán 7,1 ha đất rừng tại xã Giang Sơn Tây cho 1 người dân trong xã với giá 285 triệu đồng. Tuy nhiên, vụ việc đến nay vẫn chưa được chủ quản lý đất là Công ty lâm nghiệp xử lý.

Cần sớm giải quyết những bất cập

Hiện nay, Công ty lâm nghiệp đang quản lý 2.191 ha đất rừng với nhiệm vụ trồng và bảo vệ rừng. Diện tích đất rừng chủ yếu là thông và keo, doanh nghiệp sử dụng đất theo hình thức tự sản xuất và khoán cho người dân trồng, bảo vệ, khai thác và ăn chia theo tỉ lệ thỏa thuận. Công ty đầu tư giống, phân bón, kỹ thuật, đến kỳ khai thác, sản phẩm thu được chia theo tỷ lệ giữa công ty và hộ nhận khoán là 50% - 50% hoặc 70% - 30%, tùy địa hình đất rừng. Theo tính toán của người dân, 1 ha công ty đầu tư cho người nhận khoán trồng keo khoảng 8 triệu đồng. Sau 6 -7 năm, 1 ha keo thu được khoảng 140 triệu đồng. Diện tích rừng thông do công ty quản lý, lâu nay được công ty này khoán cho người dân địa phương bảo vệ, khai thác nhựa và hưởng lợi 50%.

Báo cáo của ông Phan Hồng Tiến – Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đô Lương, cho biết năm 2016, doanh thu từ rừng của công ty này là 12 tỉ đồng. Tuy nhiên, mỗi năm, doanh nghiệp này chỉ phải nộp thuế hơn 1 tỷ đồng. Trao đổi với chúng tôi, ông Tiến cho biết, hiện nay, doanh nghiệp có 40 cán bộ, công nhân và 300 hộ nhận khoán. Ông Tiến khẳng định, diện tích rừng đã được giao khoán hết cho dân, nhưng lại từ chối cung cấp danh sách người dân nhận khoán. Tuy nhiên, theo số liệu của xã Giang Sơn Tây, tại xã này còn 70ha/410 ha đất rừng do công ty này quản lý vẫn do công ty trực tiếp sản xuất, người dân chỉ được nhận bảo vệ với tỉ lệ ăn chia 2-3%/năm.

Sau khi người dân và chính quyền một số xã đề nghị giao lại đất rừng do doanh nghiệp quản lý về cho xã quản lý và giao trực tiếp cho người dân sản xuất, bảo vệ, UBND huyện Đô Lương đã thành lập 2 đoàn kiểm tra để soát lại toàn bộ diện tích rừng.

Ông Nguyễn Trung Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết, người dân sống cạnh rừng nhưng thiếu đất sản xuất nên họ bức xúc. Kiểm tra bước đầu, huyện thấy còn nhiều bất cập trong quản lý và sử dụng đất rừng. Ông Thành nói: “Huyện sẽ kiểm tra diện tích mà người dân yêu cầu giao cho dân để sản xuất, diện tích doanh nghiệp khai thác không tốt, sử dụng không đúng mục đích và không hiệu quả. Khi có kết quả, chúng tôi sẽ đề nghị với tỉnh có phương án bàn giao cho dân trồng, bảo vệ như dân đề nghị”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lâm trường “ôm đất” ở Đô Lương (Nghệ An): “Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO