Làm rõ kết quả sử dụng ngân sách mua sắm vật tư phục vụ phòng, chống dịch bệnh

Thanh Tùng| 20/10/2021 17:59

(TN&MT) - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 20/10, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022. Báo cáo nhấn mạnh, cần làm rõ tổng nguồn lực đã chi và kết quả việc sử dụng ngân sách Nhà nước trong việc mua sắm vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra

Nhiều chính sách được ban hành nhằm đảm bảo an ninh tài chính quốc gia

Đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết năm 2021 nền kinh tế nước ta tiếp tục chịu nhiều tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19. Đảng, Quốc hội đã kịp thời ban hành nhiều chính sách quan trọng, trong đó có các chính sách tài chính nhằm bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

Đặc biệt, việc ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội có ý nghĩa rất quan trọng, đã tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi trong việc khẩn trương xây dựng, ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết thể hiện quyết tâm tập trung nguồn lực NSNN cho phòng chống dịch; nhiều cơ chế, chính sách về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, chi hỗ trợ trực tiếp người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ đời sống nhân dân.

Đối với việc chi NSNN cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nêu rõ một số điểm cần lưu ý như: Cần tập trung đánh giá toàn diện hiệu quả chính sách đã thực hiện, chỉ rõ các kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, tác động thực tế, tính lan tỏa của các chính sách; cần báo cáo cụ thể về số vắc-xin được hỗ trợ, viện trợ, dự kiến nhu cầu trong trường hợp dịch kéo dài; cần công khai việc sử dụng Quỹ vắc-xin; Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước, đi đôi với bảo đảm chất lượng, an toàn, đáp ứng kịp thời với các biến chủng COVID mới xuất hiện; cần làm rõ tổng nguồn lực đã chi và kết quả việc sử dụng NSNN trong việc mua sắm vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch.

Về việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nêu rõ, Nghị quyết số 30 với những điểm đổi mới nổi bật, chưa có tiền lệ, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo khuôn khổ pháp lý, cơ chế thông thoáng, thuận lợi, giúp Chính phủ chủ động, kịp thời thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Thực hiện Nghị quyết này, trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời ban hành một số chính sách để tạo nguồn lực ứng phó kịp thời với đại dịch, bao gồm: Nghị quyết số 393/NQ-UBTVQH15 về bổ sung dự phòng ngân sách Trung ương thực hiện công tác phòng, chống dịch; Nghị quyết 03/2021/UBTVQH15 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Đánh giá về tình hình chi thường xuyên NSNN, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết chi thường xuyên ước cả năm vượt dự toán 2,2%, chủ yếu phát sinh các khoản chi cho phòng, chống dịch. Cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị rút kinh nghiệm do vẫn còn tình trạng phân bổ chậm, phân bổ không đúng đối tượng ở một số Bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, dẫn đến phải điều chỉnh, cắt, giảm dự toán như thời gian vừa qua.

Về chi thực hiện cải cách tiền lương, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, mặc dù, đề xuất của Chính phủ là cần thiết, song Chính phủ cần tính toán phương án cân đối; sớm báo cáo Quốc hội tổng thể về nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương; lộ trình triển khai thực hiện.

Chi ngân sách năm 2022 cần ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch

Đánh giá về dự toán thu NSNN năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, dự toán thu ngân sách nhà nước xây dựng theo dự kiến mức tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5%, lạm phát khoảng 4% song dự kiến tốc độ tăng thu chỉ tăng 3,4% là chưa thực sự phù hợp. Dự toán thu nội địa tăng 3,8%, nhưng để phấn đấu đưa số thu nội địa bình quân giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 85 - 86% tổng thu NSNN theo Nghị quyết số 23/2021/QH15 thì còn khoảng cách khá lớn.

Bên cạnh đó, cơ cấu thu nội địa còn có các khoản thu chứa đựng nhiều rủi ro như: thu xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của NHNN. Việc dự toán 3 khoản thu từ các khu vực sản xuất kinh doanh chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, đối với nguồn thu từ doanh nghiệp Nhà nước chỉ tương đương với số thực hiện năm 2021 là mức dự kiến còn thấp.

Các đại biểu tham dự khai mạc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sáng ngày 20/10

Về dự toán chi NSNN năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, cần ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch; bố trí hợp lý, hiệu quả dự phòng ngân sách, dự trữ quốc gia; bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, công khai, đúng mục đích, tránh thất thoát, lãng phí; thực hiện chế độ báo cáo theo luật định; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

Bên cạnh đó, về chi thường xuyên NSNN, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị bố trí đủ cho các chính sách đối với người có công, người về hưu trước năm 1995, người gặp khó khăn... Ngoài ra, cần tiếp tục rà soát, cơ cấu lại một số khoản chi bảo đảm hợp lý; cắt, giảm những nhiệm vụ chi không cần thiết.

Với tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19 tới phát triển, mục tiêu phục hồi kinh tế, tạo nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng. Vì vậy, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc quyết tâm, chủ động, khẩn trương triển khai gói kích thích, phục hồi nền kinh tế, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng là rất cần thiết.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng cho rằng, cần nghiên cứu toàn diện, có phương án cân đối xây dựng gói kích thích kinh tế với quy mô đủ lớn để tạo hiệu ứng sâu rộng, tính lan tỏa cao, bảo đảm mục tiêu phục hồi nền kinh tế, an sinh xã hội.

Đồng thời, Ủy ban đề nghị nghiên cứu, sử dụng đồng bộ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; nghiên cứu, lựa chọn đối tượng phù hợp, cần thiết để bổ sung gói hỗ trợ cấp bù lãi suất; có chính sách thu phù hợp, tính đến việc miễn, giảm, giãn thuế, phí và lệ phí; cân nhắc giảm mức nộp Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đào tạo và đào tạo lại lao động.

Ngoài ra, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi phòng, chống dịch COVID-19; cho phép kéo dài kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021 sang năm 2022; Bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam.

Tuy nhiên, đề nghị việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương phải đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả và có thời hạn sử dụng cụ thể. Đối với bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam, đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc lập dự toán để bảo đảm tính chắc chắn, khả thi, hạn chế tối đa việc điều chỉnh dự toán.

Bên cạnh đó, đối với đề xuất về cải cách tiền lương, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy, căn cứ tình hình dịch bệnh hiện nay, việc thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2022 là khó khả thi. Theo đó, nhất trí với phương án Chính phủ trình. Để có điều kiện cho việc triển khai trong những năm tiếp theo, đề nghị Chính phủ tính toán, chú trọng hơn nữa việc cân đối nguồn lực để bảo đảm thực hiện Nghị quyết 27, góp phần bảo đảm đời sống người hưởng lương, nhất là đối tượng có mức lương thấp.

Đồng thời, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị tiếp tục bám sát tình hình thực tế, xây dựng phương án tỷ lệ điều tiết phù hợp, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Để bảo đảm hỗ trợ nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế của một số địa phương có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của đại dịch COVID-19, đề nghị Chính phủ điều chỉnh tỷ lệ điều tiết trong năm 2022 ở mức hợp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm rõ kết quả sử dụng ngân sách mua sắm vật tư phục vụ phòng, chống dịch bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO