Làm rõ các vấn đề về chính sách tiền tệ, dự toán ngân sách

Khương Trung | 28/10/2022 17:49

(TN&MT) - Chiều 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; dự kiến Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước; phương án phân bổ ngân sách Trung ương. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng và Bộ trưởng Bộ Tài chính giải trình về vấn đề chính sách tiền tệ; dự toán ngân sách năm 2023; trái phiếu doanh nghiệp…

Kiểm soát lạm phát góp phần giữ tăng trưởng kinh tế đạt mức dự kiến 8% cho cả năm 2022

281020220429-thong-doc-ngan-hang-nha-nuoc-nguyen-thi-hong.jpg
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm

Giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trân trọng cảm ơn sự quan tâm của cử tri cả nước, các đại biểu Quốc hội về lĩnh vực tiền tệ, hoạt động của ngân hàng. Tiếp thu những ý kiến góp ý sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước điều hành hiệu quả chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vi mô, phát triển kinh tế của đất nước.

Báo cáo Quốc hội và cử tri cả nước về điều hành lãi suất tín dụng và tỷ giá, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, bối cảnh năm 2022, có nhiều khó khăn hơn nhiều so với những đánh giá vào cuối năm 2021, xu hướng lạm phát kéo dài hiển hiện ở khắp các nước trên thế giới, FED đã tăng lãi suất cao và dự kiến sẽ vẫn tiếp tục ở mức cao, đồng đô la Mỹ tăng mạnh khiến nhiều đồng tiền khác suy giảm. Những diễn biến như vậy khiến Ngân hàng Trung ương các nước trên thế giới đều gặp khó khăn.

Trong nước, diễn biến của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, chứng khoán tác động mạnh đến hoạt động tiền tệ và ngân hàng. Trong khi đó, chính sách tiền tệ được giao nhiều nhiệm vụ, đa mục tiêu. Ngay trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng cao, Ngân hàng Nhà nước vẫn được giao nhiệm vụ ghìm giữ lãi suất. Đây thực sự là việc khó khăn, thách thức.

Trong 9 tháng năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã bám sát diễn bến kinh tế vĩ mô tiền tệ và điều hành linh hoạt, đồng bộ với liều lượng vào các thời điểm hợp lý. Qua đó, góp phần kiểm soát lạm phát ở mức bình quân 9 tháng là 2,73%, năm 2022, ước đạt dưới 4%. Đây là mức thấp hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới, là yếu tố góp phần cho tăng trưởng kinh tế đạt mức dự kiến 8% cho cả năm nay.

Nhấn mạnh giải pháp ứng phó với những biến động trong chính sách kinh tế vĩ mô và tiền tệ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, phải đánh giá tại từng thời điểm, tại từng giai đoạn để xác định những mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, phải cân đối giữa việc ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá tăng cao…

281020220130-201020221054-z3814365000418_a30d4a265215d0467db569f8ab0b3306.jpg
Toàn cảnh Phiên họp chiều 28/10

Liên quan đến vấn đề tháo gỡ khó khăn cung ứng xăng dầu, Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Bộ Công Thương phải có đánh giá chi tiết, cụ thể, phân tích những nguyên nhân dẫn đến cái hiện tượng khan hiếm, rối loạn cung ứng và có những cái giải pháp phù hợp. Về phía hoạt động tín dụng của ngân hàng, trong điều hành, Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó có kinh doanh xăng dầu; đồng thời, đã có công văn gửi các tổ chức tín dụng phải đáp ứng cho lĩnh vực kinh doanh này.

Về Chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành ban hành Nghị định, thông tư hướng dẫn, tuy nhiên, về thực tiễn, số lượng hỗ trợ còn ít, sự giám sát từ sớm từ xa, những phân tích, đánh giá nguyên nhân của các đại biểu Quốc hội là hoàn toàn chính xác. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp cùng các Bộ, ngành tiến hành đánh giá, khảo sát trong thời gian tới và báo cáo tổng thể với Chính phủ và Quốc hội.

Đề xuất sửa Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán để kiểm soát chặt chẽ, minh bạch

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, năm 2022, nước ta có một năm điều hành quản lý kinh tế - xã hội thành công. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết trong năm qua chính sách tài khóa đã và đang là trụ cột của nền kinh tế. Trong đó, dù năm năm qua thực hiện chính sách giảm thuế nhiều nhưng thu nội địa tăng trưởng 9,8%, giảm chi thường xuyên 10% nhờ thực hiện nhiều giải pháp, có cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ trong thu ngân sách.

281020220447-bt-tai-chinh-ho-duc-phoc-3-.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Về dự toán ngân sách năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ, năm 2023 sẽ là năm tiềm ẩn nhiều khó khăn như giá nguyên vật liệu trong nước tăng, dầu xăng khó khăn, lãi suất tiền gửi và tiền vay trong nước đều tăng cao, room tín dụng thắt chặt và thị trường vốn khó khăn. Đặc biệt là lạm phát và lãi suất thế giới tăng cao tác động mạnh đến điều hành kinh tế - xã hội nước ta, tác động đến sản xuất kinh doanh.

Để đảm bảo thận trọng, chủ động và chắc chắn trong điều hành ngân sách thì dự toán ngân sách đặt ra mức tăng thấp. Ngoài ra, trước ý kiến của nhiều đại biểu cho rằng mức bội chi thấp, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ trong bối cảnh hiện nay mức bội chi đề ra là hợp lý. Nếu nâng bội chi lên cao có nghĩa là phải đi vay mà đi vay trong giai đoạn này thì hiệu quả sẽ không cao, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Về trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết trong thời gian tới sẽ đề xuất sửa Luật Doanh nghiệp sửa Luật Chứng khoán và các nghị định liên quan để kiểm soát một cách chặt chẽ, minh bạch và cũng là tạo ra một nguồn vốn trung và dài hạn để giúp cho việc phát triển sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng giải trình cho biết một số giải pháp trong điều hành giá xăng dầu, giá thuốc và vật tư y tế. Theo đó, tập trung rà soát để kịp thời sửa đổi, hoàn thiện các quy định liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm rõ các vấn đề về chính sách tiền tệ, dự toán ngân sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO