Làm giàu từ tích tụ, tập trung ruộng đất

Đặng Giang| 06/11/2022 16:49

Chủ trương khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp thông qua mở rộng quy mô sản xuất phù hợp, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và hình thành khu vực chuyên canh theo hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa gắn với thị trường đã được khẳng định trong nhiều Nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Triển khai chủ trương này, nhiều địa phương, tổ chức, cá nhân đã triển khai và thu được nhiều hiệu qua tích cực.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, thời gian qua, hệ thống pháp luật về đất đai từng bước được hoàn thiện, đã có những cải cách, đổi mới, giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận đất đai và thực hiện các quyền và nghĩa vụ liên quan đến đất đai; khẳng định chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, từng bước mở rộng các quyền của người sử dụng đất.
Các chính sách về đất đai thời gian gần đây đã khắc phục được nhiều hạn chế của việc sử dụng đất nông nghiệp như: Miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, trong đó kể cả diện tích vượt hạn mức giao đất; Cho phép chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Những thay đổi này đã tạo điều kiện thúc đẩy người sử dụng đất mở rộng sản xuất, khuyến khích nông dân gắn bó, yên tâm đầu tư lâu dài vào sản xuất nông nghiệp, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội. Các quyền của người sử dụng đất được mở rộng, được Nhà nước bảo đảm thực hiện, tạo điều kiện để người sử dụng đất gắn bó hơn với đất đai; người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh… từ đó thúc đẩy nhanh quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, pháp luật về đất đai còn có một số hạn chế cần được tiếp tục hoàn thiện để thúc đẩy phát triển bền vững thị trường quyền sử dụng đất nói riêng, thị trường bất động sản nói chung, để người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận đất đai thuận lợi, khả thi hơn trong đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Các chính sách về đất nông nghiệp vẫn còn bị bó hẹp do chưa có cơ chế thúc đẩy hoạt động thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp mà ở đó cho phép người có nhu cầu có thể nhận chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp dễ dàng hơn theo cơ chế thị trường. Việc quy định hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lúa, nếu không trực tiếp sản xuất nông nghiệp hoặc đất nông nghiệp trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu rừng đó dẫn đến chưa khuyến khích quá trình tích tụ, tập trung đất đai của hộ sản xuất hàng hóa lớn….

1.jpg

Mô hình trồng cà rốt xuất khẩu ở thôn Ngũ Đông, xã Điệp Nông, Hưng Hà, Thái Bình. Ảnh Nguyễn Thuần

Tại Thái Bình, tính đến hết năm 2020, tổng diện tích tích tụ là 4.348,94 ha (trong đó: tích tụ sản xuất lúa là 3.753,18 ha, sản xuất rau màu và cây dược liệu là 595,76 ha). Diện tích tập trung, tích tụ từ 02 ha trở lên là 3.726,42 ha; từ 05 ha trở lên là 2.220,26 ha; từ 10 ha trở lên là 1.398,28 ha. Giá thuê ruộng đất từ 50 đến 80 kg thóc/sào/năm, thời hạn thuê đất bình quân 5 năm. Hình thức tích tụ, tập trung chủ yếu là thuê đất.

Về liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có 13.998 ha; Về hiệu quả kinh tế, chi phí đầu vào cho sản xuất giảm so với năm 2017 như tiền thuê làm đất giảm 30 nghìn đồng/sào, gieo cấy giảm 20 đến 40 nghìn đông/sào, gặt giảm 30 nghìn đông/sào đo áp dụng cơ giới hóa trên diện tích lớn. Việc hoàn thành hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm đạt 95% do sản lượng nông sản đủ lớn, chất lượng, mẫu mã có tỷ lệ đồng đều cao.

Bên cạnh đó đã có hơn 200 hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thành viên với hơn 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tổng diện tích gieo trồng có hợp đồng liên kết khoảng 14.000ha (vụ Xuân, vụ Mùa, vụ Đông) gồm: liên kết sản xuất lúa giống khoảng 3.000ha, liên kết sản xuất lúa thương phẩm khoảng 6.000ha, liên kết sản xuất cây màu khoảng 5.000ha (khoai tây, ngô ngọt, bí, ớt, dưa, rau xuất khẩu...).

Điển hình như trường hợp anh Nguyễn Đình Sáng, thôn Nội, xã Minh Khai đã tiên phong thực hiện việc tập trung ruộng đất thành cánh đồng lớn để sản xuất “đồng trà, đồng giống” mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Kể lại câu chuyện khởi nghiệp của mình, anh Nguyễn Đình Sáng cho biết: Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, hơn ai hết anh quý trọng đồng đất của quê hương, thấu hiểu được sự vất vả của người nông dân. Chính sản xuất nhỏ lẻ, manh mún là nguyên nhân dẫn đến chi phí sản xuất nông nghiệp tăng cao. Mỗi hộ chỉ cấy 2 - 3 sào, các thửa ruộng lại bị chia nhỏ ở nhiều xứ đồng khác nhau, lao động trẻ khỏe thì đi làm ở các công ty, xí nghiệp, ở quê chỉ còn người già, trẻ em, cây lúa không được quan tâm chăm sóc, năng suất thấp, thu nhập từ lúa chẳng đáng là bao, vì thế nhiều hộ đã bỏ ruộng. Nhìn cánh đồng màu mỡ ngày nào bỗng chốc hoang hóa, cỏ mọc um tùm, không khỏi xót xa, anh ngỏ ý muốn thuê lại thì chính quyền và người dân địa phương đều nhất trí.

2.jpg
Ảnh Tiên Dung

Vụ mùa năm 2022 là vụ thứ 2, anh Nguyễn Đình Sáng sản xuất trên vùng đất tập trung với quy mô 15ha được gom, dồn đổi của trên 100 hộ dân ở thôn Hội và thôn Nội. Anh Sáng cho hay: Trước đây, anh làm dịch vụ làm đất cho bà con trong xã nên rất hiểu đồng đất quê mình. Trồng lúa vẫn có thể mang lại giá trị cao nếu được sản xuất theo quy mô, bài bản, khoa học. Có ruộng của hàng trăm hộ nên nhiều mảnh, cốt đất cao thấp không đều, nhiều bờ quai, bờ thửa phân ô nên phải đầu tư nhiều công sức, thời gian để chỉnh trang, kiến thiết lại đồng ruộng. Đầu tiên, anh phá bỏ những bờ thửa không cần thiết, đắp bờ mới, cải tạo đồng đều cốt đất, san phẳng mặt ruộng, xử lý triệt để cỏ dại, chuột, ốc bươu vàng nhờ đó có thể đưa máy móc vào làm đất, gieo cấy, chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh và thu hoạch.

Ruộng tập trung lớn, một chủ nên anh Sáng có thể thực hiện chuyên canh lúa “đồng trà, cùng giống” và có rất nhiều thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Anh Sáng đầu tư hơn 2 tỷ đồng trang bị 1 máy cấy mạ khay, 2 máy làm đất, 1 máy gặt, xây dựng kho chứa và máy phun thuốc trừ sâu chuyên dụng.

Tạo ra vùng sản xuất quy mô lớn, để tiêu thụ sản phẩm, anh Sáng quy hoạch thành vùng sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm theo hợp đồng liên kết ký với Công ty Cổ phần giống cây trồng Trung ương. Nhờ được gieo cấy trong khung thời vụ và chăm sóc tốt, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất lúa luôn ổn định; toàn bộ lúa thương phẩm được Công ty thu mua với giá bán theo hợp đồng thỏa thuận nên anh không phải lo tìm đầu ra mỗi vụ thu hoạch. Vụ xuân năm 2022, năng suất lúa bình quân đạt 250 kg/sào, sau khi trừ chi phí đã mang lại nguồn lãi hơn 400 triệu đồng. Những mảnh ruộng hoặc bỏ hoang, hoặc trồng cấy cầm chừng trước kia giờ đã mang lại những mùa vàng trĩu bông.

3.jpg
Ảnh Tiên Dung

Được xem là người “giải cứu” ruộng bỏ hoang, ông Đỗ Văn Dân, thôn 4, xã Vũ Quý (Kiến Xương) hiện đang thuê, mượn khoảng 50 mẫu ruộng gieo cấy 2 vụ lúa. Ông Dân đầu tư 3,5 tỷ đồng, trang bị 2 máy cấy, 2 máy làm đất, 2 máy gặt, máy bón phân, giàn gieo mạ tự động, xây dựng 3 kho sấy tổng công suất 40 tấn/mẻ. Khâu bảo vệ thực vật ông thuê máy phun thuốc trừ sâu không người lái giúp giảm khoảng 50% chi phí so với phun thủ công lại bảo đảm hiệu quả, thời vụ phòng, trừ sâu bệnh.

Ông Dân chia sẻ: Không chỉ dừng lại ở việc thuê đất cấy lúa, tôi còn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, cơ giới hóa toàn bộ quá trình sản xuất cũng như đưa các giống lúa năng suất cao, lúa thương phẩm sản xuất theo chuỗi liên kết có bao tiêu sản phẩm. Năm 2020, tôi đưa giống lúa gạo ngon nhất thế giới năm 2019 ST25 vào cấy thử nghiệm ở cả hai vụ cho năng suất khá, chống chịu sâu bệnh tốt; dự kiến sẽ mở rộng trong năm 2021 theo đặt hàng của một số đơn vị, doanh nghiệp.

Ngoài sản xuất quy mô lớn, ông Dân còn làm dịch vụ “trọn gói” (làm đất, gieo cấy, thu hoạch, sấy) với diện tích hơn 50ha của người dân trong vùng, tổng doanh thu khoảng 3 tỷ đồng/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm giàu từ tích tụ, tập trung ruộng đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO