Làm giàu trên vùng khoáng sản Ia Grai

Phóng sự của Quế Mai| 01/11/2022 07:00

(TN&MT) - Được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh Gia Lai, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng huyện Ia Grai đã nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác bền vững, sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Khai thác hợp pháp mang về nguồn thu bền vững

5 giờ sáng, như thường lệ, anh Yzin Bdap (dân tộc Ê Đê) cùng nhóm công nhân khai thác lại chuẩn bị dụng cụ cần thiết, gỡ dây neo đậu và điều khiển tàu hút cát ra khu vực giữa dòng sông Pô Kô (địa phận xã Ia Khai, huyện Ia Grai, Gia Lai) để thực hiện hút cát dưới sông. Khu vực này được UBND tỉnh Gia Lai cấp phép khai thác khoáng sản cát cho doanh nghiệp tư nhân Hữu Phước (huyện Ia Grai, Gia Lai) từ tháng 10/2018, với diện tích 7ha.

Thực hiện hoạt động khai thác cát ở đây, doanh nghiệp Hữu Phước có 3 tàu hút bằng xà lan, một bãi tập kết tại xã Ia O (huyện Ia Grai). Mỗi tàu hút có 2 công nhân làm việc khai thác, vận chuyển cát từ điểm khai thác về bãi tập kết. Để bắt đầu một ngày làm việc hiệu quả, các công nhân mang theo thức ăn, đồ uống lên tàu, bởi vì việc hút cát phải thực hiện đến cuối giờ chiều mới đảm bảo khối lượng.

Theo anh Yzin, cát được hút lên từ sông, qua xà lan lọc rửa rồi vào bồn chứa trên tàu. Một ngày, tàu hút được khoảng từ 20 - 30m3 cát. Sau khi đủ khối lượng, các anh điều khiển tàu về bãi tập kết và nối ống đưa cát lên bờ, tiếp tục qua lọc rửa thêm một lần nữa mới ra cát sạch. Tranh thủ thời gian máy hút đang hoạt động, Yzin đem thịt và rau đã mua từ trước ra sơ chế, chuẩn bị bữa ăn trên tàu.

a1(1).jpg
Những công nhân làm việc tại các doanh nghiệp khai thác mỏ khoáng sản được cấp phép hoạt động sẽ có việc làm và thu nhập ổn định hơn

Chia sẻ với chúng tôi, Yzin cho biết: “Các công nhân ở đây đều làm việc rất chăm chỉ. Trước kia, ai thuê gì tôi làm nấy, chủ yếu là làm nông. Công việc không ổn định nên cuộc sống 2 vợ chồng vì thế rất khó khăn, phải đi vay mượn những lúc gia đình có việc. Ba năm nay, tôi làm công nhân hút cát cho Doanh nghiệp Hữu Phước, tuy công việc vất vả nhưng mức lương ổn định, mỗi tháng thu nhập đủ trang trải cho vợ con, lại dành dụm được đôi chút. Nhờ vậy, tôi trả được nợ, cuộc sống gia đình đỡ khó khăn hơn rất nhiều”.

Cùng tàu với Yzin là anh Vòng Cá Hểnh. Tiếp lời Yzin, anh Vòng Cá Hểnh chia sẻ, anh có thời gian 2 năm làm công nhân hút cát ở đây. Ngày trước, anh làm thợ hồ, công việc lúc có, lúc không. Vợ anh cũng làm thuê làm mướn đủ nghề để phụ với chồng mà vẫn không đủ tiền nuôi 4 đứa con ăn học. Cuộc sống gia đình rất bấp bênh. Năm 2020, được người quen giới thiệu, anh Hểnh bắt đầu làm công nhân hút cát đến nay.

“Hiện tại, mức lương ở đây đủ để tôi lo cho vợ và các con ăn học nên tôi rất vui. Chúng tôi ý thức được vai trò của nguồn tài nguyên khoáng sản đối với phát triển kinh tế của địa phương. Vì thế, chỉ khai thác đúng vị trí theo Giấy phép và đủ khối lượng cho phép chứ không vượt quy định để công việc được duy trì lâu dài, ổn định”, anh Hểnh nói.

anh-2.jpg
Cấp phép khai thác khoáng sản mang lại nguồn thu ổn định cho ngân sách Nhà nước

Từ việc làm công nhân khai thác cát ở điểm mỏ khoáng sản được cấp phép hoạt động đã giúp nhiều lao động địa phương có công việc ổn định, thu nhập khá, đời sống ngày càng nâng cao. Cùng với đó là các chế độ đãi ngộ kèm theo như: hỗ trợ ăn trưa, tiền thưởng, tham gia khóa học nâng cao nghiệp vụ điều khiển tàu an toàn khiến công nhân lao động ở các mỏ khoáng sản rất phấn khởi, yên tâm lao động và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác.

Bảo vệ khoáng sản để bảo vệ đời sống đồng bào


Hiện trên địa bàn huyện Ia Grai có 7 mỏ khoáng sản được UBND tỉnh Gia Lai cấp phép khai thác. Ngoài ra, địa bàn còn nhiều mỏ khoáng sản nhỏ lẻ ở các xã, khối lượng không lớn và chưa được đưa vào quy hoạch cấp phép khai thác. Do đó, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn hay xảy ra, chủ yếu là khai thác nhỏ lẻ do các cá nhân thực hiện, ở các điểm mỏ nằm tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Theo ông Thái Anh Tuấn - Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Ia Grai, nguyên nhân các vụ khai thác khoáng sản trái phép chủ yếu là do ý thức và nhận thức của đồng bào DTTS về Luật Đất đai và Luật Khoáng sản chưa cao. Người dân luôn nghĩ đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là được quyền khai thác, tận thu khoáng sản trên đất của mình. Ngoài ra, nhiều người dân còn bị các đối tượng xấu lợi dụng cải tạo ruộng miễn phí để khai thác khoáng sản trái phép.

Những trường hợp này thường rất khó xử lý. Vì khi bị phát hiện, các đối tượng liền đẩy trách nhiệm cho chủ đất là các hộ DTTS. Trong khi đó, các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo, vì vậy, chính quyền địa phương chỉ xử phạt bằng cách nhắc nhở hoặc phê bình trước thôn, làng. Nếu xử phạt mạnh tay sẽ ảnh hướng đến tâm lý, đời sống của đồng bào, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương.

a3(1).jpg
Siết chặt quản lý tài nguyên khoáng sản để hạn chế tình trạng khai thác khoáng sản trái phép

“Trước thực trạng này, chúng tôi xác định vai trò của chính quyền địa phương cấp xã đối với việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác rất quan trọng. Ngoài quản lý, các xã còn phối hợp với già làng uy tín, trưởng thôn, ban công tác Mặt trận xã đến tận nhà để giải thích cho bà con hiểu những vi phạm của mình; tổ chức tuyên truyền lồng ghép về Luật Khoáng sản, Luật Đất đai trong các buổi họp thôn để nâng cao ý thức, trách nhiệm cho đồng bào, khuyến khích, động viên đồng bào tham gia bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên diện tích đất do mình sử dụng”, ông Tuấn cho biết.

Theo ông Thái Anh Tuấn, việc nâng cao nhận thức bảo vệ tài nguyên khoáng sản cho doanh nghiệp, người dân, nhất là đồng bào DTTS và quản lý chặt tài nguyên khoáng sản, quản lý chặt hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện là cơ sở giúp cơ quan quản lý Nhà nước hiện thực hóa một cách hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý khoáng sản, nhất là với khoáng sản chưa khai thác, qua đó, đề xuất đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản trong thời gian tới để cân đối nguồn nguyên vật liệu phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội tại địa phương.

Việc cấp quyền khai thác khoáng sản cho các doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá khai thác còn tạo nguồn thu thuế ổn định cho ngân sách Nhà nước từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, tiền ký quỹ phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản. Ngoài ra, các doanh nghiệp trung đấu giá còn thực hiện nghĩa vụ về an sinh xã hội trên địa bàn khai thác.

Vì vậy, ông Thái Anh Tuấn cho biết, thời gian tới, nhằm phát huy hiệu quả công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn, huyện sẽ tích cực tuyên truyền sâu rộng hơn nữa tới các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào DTTS về vai trò của khoáng sản trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và ổn định kinh tế hộ gia đình; tuyên truyền về pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản. Từ nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và người dân, cùng với quản lý chặt chẽ khoáng sản và hoạt động khai thác khoáng sản, những doanh nghiệp khai thác cát thực hiện đúng giấy phép quy định sẽ gắn bó, hoạt động bền vững trên địa bàn; đời sống người dân cũng dần thoát khỏi cái nghèo, ổn định việc làm, ổn định thu nhập, ngày càng nâng cao chất lượng sống như hộ gia đình anh Yzin, anh Vòng Cá Hểnh. Mỗi hộ gia đình thoát nghèo là thêm một số cộng cho kế hoạch thoát nghèo của huyện dần tới thành công, thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm giàu trên vùng khoáng sản Ia Grai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO