Lâm Đồng: Nhiều đổi thay vùng đồng bào thiểu số

Hoài Vân| 29/04/2021 13:50

(TN&MT) - Tỉnh Lâm Đồng có 47 dân tộc anh em cùng sinh sống đan xen, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có 70.655 hộ với 333.561 khẩu, chiếm 25,72% dân số toàn tỉnh.

Trong những năm qua dưới sự định hướng của Đảng và Nhà nước cùng những nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương trong công tác hỗ trợ bà con DTTS phát triển kinh tế, đời sống của nhiều hộ DTTS ngày một nâng cao và ổn định về nhiều mặt.

Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp

Cách đây hơn 10 năm, tại những xã vùng sâu, vùng xa thuộc huyện Bảo Lâm, đời sống của đại bộ phận người DTTS đều gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao. Phần lớn người dân làm nông nghiệp thuần túy, chủ yếu phụ thuộc vào cây chè, cây cà phê và phương thức canh tác còn lạc hậu nên năng suất mang lại chưa cao. Cùng với đó là tư duy ỷ lại vào Đảng và Nhà nước với những gói hỗ trợ nên rất khó để phát triển được. 

62-1-.jpg

Nhiều ngôi nhà khang trang của bà con DTTS xuất hiện ở các buôn làng ở tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: MH

Khắc phục những điều đó, trong những năm gần đây, với những định hướng cụ thể của các cấp, ngành cộng với sự phát triển đồng bộ của ngành nông nghiệp nên bà con DTTS tại đây đã chủ động chuyển đổi một số cây trồng để phù hợp khí hậu thổ nhưỡng, mang lại kinh tế cao hơn. Điển hình như tại xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, tính đến nay, xã đã có 888,51 ha cà phê, năng suất ước đạt khoảng 3 tấn nhân/ha; 398,9 ha chè, năng suất ước đạt 100 tạ/ha; ngoài ra, người dân còn trồng 186,6 ha điều và trồng xen 22,3 ha hồ tiêu, 5 ha mắc ca và 180,74 ha cây ăn quả các loại. 

Theo ông Nguyễn Hồng Anh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bảo Lâm: “Ngày trước, khi chúng tôi mang phân bón, cây trồng đến tặng, bà con yêu cầu đổi phân lấy dầu ăn, mắm muối. Nhưng bây giờ, họ lại là những người đề nghị được hỗ trợ phân bón hay giống cây trồng để phát triển sản xuất nông nghiệp, gây dựng kinh tế. Từ đó, có thể thấy tư duy và nhận thức của đại đa số đồng bào đã được thay đổi rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế. 

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực DTTS

Theo ông KMák - Phó Chủ tịch Thường trực HÐND tỉnh Lâm Đồng, để hỗ trợ cho đồng bào DTTS ngày một nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế thì công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là người DTTS cũng là “chìa khóa” quan trọng ở những vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS. Ông KMák cho biết: Đồng bào DTTS ở Lâm Ðồng rất quan tâm tìm hiểu, học hỏi những thông tin, kiến thức mới để phát triển kinh tế; giao lưu, tiếp nhận cuộc sống hiện đại nhưng vẫn ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc mình. Ðặc biệt là tinh thần đoàn kết, sẻ chia để cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ngày càng văn minh. Cùng với đó, thời gian qua, các chương trình, dự án phát triển, hỗ trợ xây dựng vùng đồng bào DTTS ngày càng được quan tâm. 

62-2-.jpg

Bà con DTTS đã chủ động chuyển đổi canh tác nông nghiệp để phù hợp điều kiện khí hậu thổ nhưỡng

Trong 5 năm gần đây, tổng nguồn vốn đầu tư vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn tại Lâm Ðồng hơn 3.700 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước đầu tư trực tiếp 1.900 tỷ đồng; thu hút 115 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS. Tỉnh đã xây dựng Đề án giảm nghèo nhanh và bền vững với 29 xã, 97 thôn có tỷ lệ hộ nghèo hơn 30% để thực hiện tốt hơn công tác giảm nghèo trên những vùng đất khó.

Theo ông Võ Văn Hoàng - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, kịp thời phát hiện và nắm chắc diễn biến tình hình tư tưởng, tình hình sản xuất và đời sống nhân dân để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự - an toàn xã hội, chăm lo đời sống cho đồng bào DTTS, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lâm Đồng: Nhiều đổi thay vùng đồng bào thiểu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO