Chương trình do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, hiệp thương với các tổ chức tôn giáo, thống nhất ký kết.
Chương trình ký kết phối hợp giữa các bên đã phát huy rõ vai trò chức sắc tôn giáo, người uy tín tiêu biểu trong các tầng lớp nhân dân tham gia giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, tập trung đẩy mạnh phê phán các hành vi hủy hoại, gây ô nhiễm môi trường; chủ động nắm tình hình, cung cấp thông tin gây ô nhiễm môi trường, kịp thời phối hợp đấu tranh, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường...
Chương trình đã đưa nội dung bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trở thành một trong những tiêu chí quan trọng để xem xét thẩm định, đánh giá công nhận “Khu dân cư tiêu biểu”, “Khu dân cư kiểu mẫu”.
Ảnh minh họa |
Theo Chương trình, các tổ chức trực thuộc, chức sắc, chức việc, nhà tu hành đã tuyên truyền nâng cao nhận thức về môi trường, tác hại ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, vận động tín đồ và người dân chấp hành các quy định của pháp luật, có ý thức tham gia bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, định kỳ sơ kết, rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả để động viên phong trào. Đồng thời, động viên chức sắc, tín đồ cống hiến một phần công sức, trí tuệ, của cải xây dựng các công trình, phần việc thiết thực, ý nghĩa tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại địa phương, cơ sở, khu dân cư.
Tính đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 7 tôn giáo được Nhà nước công nhận, gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao đài, Phật giáo Hòa Hảo, Ba Ha’i và Giáo hội Phật đường Nam Tông Minh Sư đạo. Trong đó, Tin lành có 7 hệ phái, Cao đài có 4 hệ phái. Toàn tỉnh có 1.600 chức sắc, 3.700 chức việc, 2.000 nam, nữ tu sỹ, 436 cơ sở thờ tự và có tới 796.629 tín đồ các tôn giáo, tương đương 61,4% dân số của tỉnh.