Quang cảnh Hội nghị |
Lai Châu là một tỉnh miền núi, biên giới dân số chủ yếu là đồng bào các dân tộc. Lai Châu có tổng diện tích trên 9.000 km2. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp – lâm nghiệp chiếm trên 52%. Và khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ 82%. Nhìn vào tỷ lệ lĩnh vực và phân bố vùng nông thôn của Lai Châu sẽ đánh giá được cơ cấu kinh tế, lĩnh vực kinh tế của tỉnh này.
Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu, khóa XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Lai Châu xác định; Chương trình phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung là một trong những chương trình trọng điểm của tỉnh.
Chính vì vậy, ngày 8/3/2021, ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Tư Pháp, Sở Khoa học và Công nghệ để bàn về các chính sách trong thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 trình HĐND tỉnh trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Lai Châu đã thông qua dự tờ trình ban hành Nghị quyết và thông qua Đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.
Nội dung của Đề án xoay quanh phát triển các sản phẩm hàng hóa đặc sản như: Cây lúa, cây ăn quả; chăn nuôi đại gia súc, phát triển nuôi cá, tôm lòng hồ và phát triển công nghiệp chế biến các loại nông sản, đặc sản nông nghiệp chè, mắc ca... và xây dựng chuỗi liên kết, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung từ năm đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; nhằm nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy kinh tế - xã hội của Lai Châu.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, ông Trần Tiến Dũng nhấn mạnh: Chính sách hỗ trợ nông nghiệp là chính sách vô cùng quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới. Đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 là một bước chuyển hướng, nếu triển khai hiệu quả sẽ đem lại những lợi ích rất lớn, giúp bà con có cơ hội thay đổi cuộc sống. Chính vì vậy, xây dựng mục tiêu của Đề án phải bám sát vào các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, đảm bảo theo đúng định hướng của Nghị quyết. Trong đó, phát triển nông nghiệp hàng hóa phải lấy doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác làm trung tâm nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa, đảm bảo quy mô sản xuất tập trung đủ lớn, trên cơ sở thực hiện liên kết chuỗi giá trị sản phẩm; tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động đúng nghĩa, có tiêu chí và điều kiện nhất định...
Ông Dũng đề nghị: Lãnh đạo các sở, ngành phát huy tinh thần trách nhiệm, phối hợp tốt trong xây dựng các nội dung Đề án. Sở Tư pháp rà soát lại các văn bản, loại bỏ những điều khoản không còn phù hợp. Sở Khoa học và Công nghệ tham gia tích cực để có những phản biện, tiếp nhận thông tin đa chiều, linh hoạt trong thực hiện chính sách...