Kỳ vỹ dòng sông chảy ngược Sêrêpok

Đình Du | 13/10/2021, 14:57

(TN&MT) - Dòng sông huyền bí Sêrêpôk như xẻ dọc Tây Nguyên, chảy qua nhiều buôn làng của tộc người Êđê và M’nông, truyền thuyết bất tử của hai dòng sông K’rông Nô (sông cha) và K’rông Ana (sông mẹ) đã sinh ra Sêrêpok hùng vĩ nuôi sống bao thế hệ của người dân bản xứ.

Kỳ vỹ “sông cha – sông mẹ”

Có tổng chiều dài 315km, chảy dài trên lãnh thổ hai nước Việt Nam - Campuchia, dòng sông Sêrêpôk khởi nguồn từ sự hợp lưu của hai con sông Krông Nô và krông Ana, điều kỳ lạ là dòng sông này không đổ nước ra biển Đông mà chảy ngược lên thường nguồn hướng về nước bạn Campuchia.

Rừng được dòng sông Sêrêpok trĩu nặng phù sa bao bọc.

Lúc sinh thời, dũng sĩ săn voi rừng trứ danh Amakông (săn bắt và thuần dưỡng 298 con voi rừng tiết lộ, sông chồng (Krông Knô) và sông vợ (Krông Ana) đều rất hiền hòa nhưng khi hợp với nhau thành Sêrêpôk thì “sông rất dữ”, dòng nước chảy xiết, hiểm trở đi qua hàng loạt thác ghềnh như: Dray Sap, Dray Nur, Gia Long, Trinh Nữ... Càng thú vị hơn khi tôi được cụ Amakông bật mí dưới dòng chảy mờ đục của Sêrêpôk, có lắm  cá quý hiếm, nổi bật là loại cá lăng đuôi đỏ, chỉ một con thôi là cả làng ăn không hết thịt.

Sông chồng (Krông Knô) và sông vợ (Krông Ana) rất hiền hòa nhưng khi hợp với nhau thành Sêrêpôk thì “sông rất dữ”.

Loài các lăng to lớn ngoài sức tường tượng, đen trùi trũi như chiếc thuyền độc mộc, cá lăng là cá có thân dài, đầu dẹp, da trần không có vẩy, có 4 đôi râu với một đôi ở mũi,  một đôi ở hàm và hai đôi ở cằm. Loài này sống ở tầng giữa, sống đơn độc. Cùng với cá tra dầu và cá hô, cá lăng là loài cá nước ngọt có cỡ khá lớn.

“Cá lăng trong tự nhiên là cá quý hiếm, được sách đỏ Việt Nam điểm danh với mức độ đe dọa, có thể bị đe dọa tuyệt chủng, và những con cá lăng khổng lồ thì càng vô cùng quý hiếm, cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Ngư dân sống ven dòng sông Sêrêpôk trong quá trình đánh bắt nếu dính lưới những con cá tra dầu trên 20 kg bao giờ cũng thả lại dòng chảy vì tín ngưỡng đó là thần sông hóa thân. Một phần họ ý thức được những con cá to lớn ấy nếu bị xẻ thịt thì nguồn sinh kế của mình mai này sẽ cạn kiệt.

Ngư dân bắt cá ven dòng sông Sêrêpok.

Tộc người M’nông, Ê Đê… họ hạn chế đánh bắt cá vào mùa sinh đẻ, có hẳn luật tục để bảo vệ nguồn nước và muôn loài, luật tục ấy có thuở cha ông từ ngàn xưa, đến nay họ vẫn ghi nhớ và thực hiện”, ông Nguyễn Đại – Nhà nguyên cứu văn hóa Tây Nguyên cho biết.

Nặng nợ với dòng sông

Ngược dòng Sêrêpok, chúng tôi gặp không biết bao câu chuyện đẫm tình cảm của người dân bản xứ gắn kết với dòng sông bao đời qua. Cả đời sống với dòng sông, anh A’Pan (48 tuổi, người M’Nông) như một con “rái cá” vùng vẫy lớn lên trên sông nước, mang nhiều kí ức kỳ lạ như chính dòng sông.

Cá nuôi sống bao thế hệ của người dân sống ven dòng sông huyền thoại.

Ở tuổi tứ tuần, nhưng nhìn ông như một thanh niên hừng hực sức trẻ, săn chắc, dáng người nhanh nhẹn. Bắt cá gần thác Dray Sáp, ông thoăn thoắt giăng những mành lưới trong dòng nước xiết. Thấy chúng tôi, ông bước vội lên bờ, bàn tay vuốt mái tóc ướt đẫm, nở nụ cười tươi rói. Bên bờ sống, ông trải lòng vô số câu chuyện mưu sinh và bảo vệ môi trường, nguồn nước trên dòng sông Sêrêpok khiến người nghe không khỏi bị mê hoặc.

Các dũng sỹ săn voi trứ danh đều sinh ra bên dòng sông Sêrêpok.

Dòng sông Sêrêpok đã nuôi nhiều thế hệ trong gia đình A’Pan. Ngày trước người dân ở đây bắt cá bằng cách lấy lao tre bịt đầu bằng sắt để đâm cá. “Hồi ấy, cá nhiều lắm, cá lăng to lắm, râu cá to bằng ngón tay trỏ và dài cả thước. Có những con cá bị cây lao dài hơn hai thước đâm vào nhưng nó còn vùng vẫy mạnh lắm, cha tôi phải bơi xuồng đi theo đến khi nó đuối sức nổi trên mặt nước. Mùa lũ nước dòng sông Sêrêpok chảy mạnh lắm, cá đổ về rất nhiều để nuôi sống buôn làng, ngày nay nguồn cá ít dần đi, thả lưới chỉ để đủ ăn”, A’Pan tâm sự. 

“Tục lệ cúng thần núi, thần sông mỗi năm đều duy trì, để mong họ phù hộ buôn làng đủ cái ăn, cái mặc, còn dòng sông vẫn chảy mãi, mang nguồn nước trong lành vô tận kèm tôm cá để nuôi sống người dân”, A’Pan nói.

Mớ lưới giăng vừa kéo lên rối mù chỉ mắc vài con cá nhỏ, bàn tay của A’Pan trắng bệch vì ngâm nước quá lâu lúi húi gỡ từng con cá ấy cho vào giỏ. Chia tay A’Pan dưới ánh nắng chiều, từng cơn sóng dập dềnh trên dòng Sêrêpok vượt qua những ghềnh đá tiếp tục cuộc hành trình về phía Tây Bắc. Trên đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ ấy, những khoảng rừng xanh tươi với nhiều loài cây quí hiếm đã được dòng sông Sêrêpok trĩu nặng phù sa bao bọc thi nhau vun vút tỏa bóng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Phật giáo Đà Nẵng bảo vệ môi trường
Triết lý Phật giáo có nhiều răn dạy phật tử về sống hài hòa với tự nhiên, sống tiết kiệm, trân quý sinh vật sống rất phù hợp với lối sống xanh, bảo vệ môi trường hiện nay. Một nghiên cứu khảo sát của PGS.TS Lưu Quý Khương (Đại học Đà Nẵng) đã cho thấy, Phật giáo đóng vai trò tích cực trong tuyên truyền cũng như thực hành các hoạt động môi trường tại cộng đồng.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO