Kỳ vọng về một trật tự môi trường mới trên địa bàn tỉnh Sơn La

Nguyễn Nga | 23/08/2022 14:36

(TN&MT) - Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT) chính thức có hiệu lực từ ngày 25/8/2022 và đang được các cơ quan, địa phương tích cực đón nhận. PV Báo TN&MT đã phỏng vấn bà Lê Thị Thu Hằng (ảnh) - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sơn La xung quanh vấn đề triển khai Nghị định 45 trên địa bàn tỉnh Sơn La.

PV: Xin bà cho biết, Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT có những khác biệt nổi bật nào so với Nghị định 155/2016/NĐ-CP và Nghị định 55/2021/NĐ-CP?

Bà Lê Thị Thu Hằng:

Việc Chính phủ ban hành Nghị định 45 là hết sức kịp thời, đảm bảo đầy đủ chế tài xử phạt vi phạm về BVMT đồng bộ với Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính... Đây là căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý vi phạm, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về BVMT.

So với 2 Nghị định trước đó, Nghị định 45 đã kế thừa, sửa đổi, bổ sung đầy đủ chế tài cho các quy định mới tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 về các vi phạm quy định trong cấp Giấy phép môi trường, đăng ký môi trường; vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải sau khi được cấp phép; vi phạm BVMT trong quản lý các chất ô nhiễm khó phân hủy… Các chế tài xử phạt đủ tính răn đe, đảm bảo tính thực tiễn và hiệu quả trong thực thi.

Bên cạnh đó, đã tăng mức xử phạt với nhóm hành vi cố tình xả trộm, xả lén, xả chất thải không qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm như: Xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường, không xây lắp công trình BVMT… đến mức tối đa. Đối với các nhóm hành vi xảy ra nơi công cộng được điều chỉnh để mức phạt tiền phù hợp với thẩm quyền xử phạt của nhiều lực lượng tại địa phương.

anh-ba-hang-2-1(1).jpg
Bà Lê Thị Thu Hằng - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sơn La

PV: Để đưa Nghị định 45/2022/NĐ-CP vào cuộc sống, tỉnh Sơn La dự kiến triển khai các hoạt động nào, thưa bà?

Bà Lê Thị Thu Hằng:

Thực hiện Nghị định 45, UBND tỉnh đã giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Tư pháp, UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định tại Nghị định. Yêu cầu các đơn vị có liên quan nghiên cứu, quán triệt áp dụng các quy định tại Nghị định trong quản lý Nhà nước theo thẩm quyền.

Thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tập trung tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các quy định theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định 45/2022/NĐ-CP; tập trung tuyên truyền, phổ biến Luật đến các sở, ngành, UBND cấp huyện, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp và nhân dân với nội dung, hình thức phù hợp. Bên cạnh đó, cần có sự quyết tâm của các cơ quan quản lý, sự vào cuộc một cách chủ động, tích cực của người dân, doanh nghiệp - là lực lượng nòng cốt trong công tác BVMT.

PV: Đánh giá ở góc độ quản lý Nhà nước, theo bà, triển khai Nghị định 45 trên địa bàn tỉnh Sơn La có gặp khó khăn, vướng mắc nào không?

Bà Lê Thị Thu Hằng:

Hiện nay, một số quy định của Luật Bảo vệ môi trường chưa được các bộ, ngành ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành dẫn đến khó khăn trong thực thi Nghị định 45. Đơn cử, theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 Nghị định 45, sẽ phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng với hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt… Trong khi, Khoản 2, Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường - UBND cấp tỉnh quy định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt khác trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ TN&MT; Khoản 7 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường - việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt được thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024. Tuy nhiên đến nay, chưa có hướng dẫn về việc phân loại, gây khó khăn trong thực hiện.

Bên cạnh đó, để thực hiện thành công phân loại rác tại nguồn, rất cần sự đồng thuận của người dân; đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật từ trang thiết bị, phương tiện lưu chứa, tần suất, phương tiện thu gom, vận chuyển sau phân loại từ các điểm tập kết về các trạm trung chuyển, nhà máy xử lý. Mặt khác, phân loại rác tại nguồn muốn đạt hiệu quả phải gắn với công nghệ xử lý. Trường hợp không đủ các điều kiện trên sẽ có nhiều người đặt câu hỏi, phân loại để làm gì? Vì vậy, cần phải lựa chọn công nghệ phù hợp, làm phân compost hay đốt rác phát điện.

Trong bối cảnh hiện nay, công tác tuyên truyền để người dân thấy được giá trị, lợi ích mang lại từ phân loại rác tại nguồn, chủ động tham gia, từng bước thay đổi thói quen hằng ngày trong cộng đồng dân cư đang được ưu tiên thực hiện. Khi đã tuyên truyền sâu rộng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư đồng bộ mà người dân vẫn không tuân thủ thì mới tính đến chuyện xử phạt. Do đó, đây cũng là một trong những khó khăn trong triển khai Nghị định 45 tại Sơn La.

a3-1-1.jpg

Thời gian qua, tỉnh Sơn La đã tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực BVMT.

PV: Theo bà, thực thi các quy định của Nghị định 45 sẽ tác động ra sao đến công tác quản lý Nhà nước về môi trường tại địa phương?

Bà Lê Thị Thu Hằng:

Nghị định 45 được xây dựng trên cơ sở kế thừa một số quy định của Nghị định 155, Nghị định 55 còn phù hợp và đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Cùng với đó, có nhiều điểm mới, nhất là vi phạm về thủ tục pháp lý môi trường được sửa đổi đồng bộ theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 như đã đề cập ở trên. Có thể kỳ vọng rằng, thông qua thực thi các quy định của Nghị định 45, sẽ đảm bảo cho pháp luật BVMT cũng như các lĩnh vực pháp luật khác được thực hiện nghiêm minh, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về BVMT; nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức trong công tác BVMT tại địa phương.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ vọng về một trật tự môi trường mới trên địa bàn tỉnh Sơn La
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO