Kỳ vọng vào chiến lược phòng chống dịch trong các khu công nghiệp

Trí Việt| 26/05/2021 07:58

(TN&MT) - Hoàn thiện các quy định để có chiến lược hoàn chỉnh về phòng chống dịch trong khu công nghiệp; kiên quết thực hiện bằng được chiến lược vaccine theo tinh thần thần tốc hơn nữa, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt và hiệu quả hơn.

Chính phủ họp triển khai công tác phòng chống dịch

Đây là những giải pháp lớn của Chính phủ nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép: Vừa sản xuất vừa chống dịch hiệu quả, đặc biệt áp dụng trong các khu công nghiệp.

Khoảng 70.000 nhà máy, trên 300 khu công nghiệp tập trung đang hoạt động trên cả nước đứng trước nguy cơ có thể bùng phát dịch. Hiện nay, dịch đã lây lan chóng mặt trong các khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh, nơi tập trung hàng trăm ngàn công nhân. Con số 375 ca thông báo trưa 25/5 tại Bắc Giang là thông điệp cảnh báo nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn. Chiến dịch chống Covid tại Bắc Ninh, Bắc Giang được xem như chiến dịch mở màn trong cuộc chiến chống covid tầm chiến lược tại các khu công nghiệp.

Bộ Y tế báo cáo về tình hình diễn biến dịch trên toàn quốc

Quan điểm chỉ đạo chung của Chính phủ

Để tập trung phòng chống, dập dịch hiệu quả, có phương án đảm bảo hoạt động tránh đứt gãy chuỗi sản xuất tại các khu công nghiệp, nhất là của các tập đoàn lớn, đa quốc gia, ảnh hưởng đến kinh tế địa phương và cả nước; đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ:

Các Bộ, ngành, địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, cảnh giác, tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm, quyết liệt chỉ đạo của Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19;

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo tất cả các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp phải thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, tự đánh giá mức độ an toàn, cập nhật lên bản đồ an toàn Covid-19; Kiên quyết dừng hoạt động khi không đảm bảo an toàn và không cập nhật mức độ an toàn lên hệ thống; chỉ đạo thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả người lao động trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp và những người liên quan (người cung cấp, vận chuyển vật tư, hàng hóa, suất ăn…); xử phạt nghiêm các trường hợp không khai báo, khai báo không trung thực.

Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn việc cách ly, xét nghiệm đối với người lao động trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp phù hợp với đặc điểm của từng khu vực và diễn biến tình hình dịch bệnh để nếu có tình huống dịch xâm nhập, có thể duy trì hoặc sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Hoàn thiện các quy định, xây dựng chiến lược phòng chống dịch

Khi dịch bệnh đã mang tính nguy cơ đe dọa tính mạng người dân và gây ra hàng loạt chuỗi đứt gãy sản xuất, việc hoàn thiện các quy định để hoàn chỉnh nâng cấp chiến lược phòng chống Covid-19 là điều cấp thiết. Trước mắt, theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch, cần đặt ra một số yêu cầu, nhiệm vụ cho việc hoàn thiện các quy định như sau:

- Bộ Y tế và các cơ quan liên quan sớm hoàn thiện quy định xác định mức độ nguy cơ và các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng.

- Các Bộ: Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công Thương, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao… tập trung hoàn thiện, bổ sung thể chế, cơ chế, chính sách, hướng dẫn kịp thời, phù hợp, vừa thực hiện mục tiêu chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ sức khỏe nhân dân và cộng đồng, theo tinh thần vừa phải phân cấp, vừa phải cụ thể hóa trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là cá thể hóa trách nhiệm cá nhân.

- Tiếp tục rà soát lại các quy định, quy trình, quy chế về khai báo y tế, phòng chống dịch, cách ly và tổ chức sản xuất trong khu công nghiệp. Bộ Công Thương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và các Bộ liên quan, các địa phương nhanh chóng xây dựng, vừa làm vừa hoàn thiện dần các quy định để có chiến lược hoàn chỉnh về phòng chống dịch trong khu công nghiệp, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất kinh doanh.

- Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, các cơ quan liên quan hoàn thiện các quy định về lưu thông và vận chuyển hàng hóa, vật tư, dịch vụ… tại các địa phương có dịch nhằm đưa ra giải pháp cụ thể thích ứng với tình hình.

- Bộ Nội vụ, Ban Chỉ đạo quốc gia tham mưu, đề xuất xây dựng Quy định về khen thưởng, kỷ luật. Trước mắt,vận dụng các quy định đặc biệt để khen thưởng và kỷ luật kịp thời, đúng người, đúng việc.

Triển khai chiến lược vaccin

Triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả chiến lược vaccine, thực hiện đồng thời cả nghiên cứu sản xuất trong nước và tiếp nhận công nghệ nước ngoài. Trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, cơ quan, ban, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện bằng được chiến lược vaccine với phương châm: “Quyết liệt hơn nữa, thần tốc hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa, hiệu quả hơn nữa”.  

Tiêm vaccin phòng chống Covid-19 cho cán bộ, nhân viên y tế tham gia công tác phòng chống dịch 

Huy động sự vào cuộc của các nhà khoa học, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam trong nghiên cứu, sản xuất vaccine; Bộ Tài chính thiết kế cơ chế, chính sách để khuyến khích nghiên cứu, sản xuất vaccine. Có kế hoạch tiêm vaccine phù hợp, ưu tiên cho các đối tượng tuyến đầu chống dịch và công nhân các khu công nghiệp.

Các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương đề xuất cơ chế đóng góp và sử dụng Quỹ vaccine bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan; khuyến khích xã hội hóa,  huy động mọi nguồn lực và đóng góp của toàn dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Triệt để tiết kiệm chi tiêu thường xuyên để bảo đảm ngân sách tối đa cho việc mua vaccine, vừa bảo đảm các hoạt động bình thường, vừa phục vụ các nhiệm vụ đặc biệt, đột xuất.

Thí điểm cách ly y tế linh hoạt

Trường hợp quá tải tại các khu cách ly dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo, lây nhiễm cho lực lượng thực hiện nhiệm vụ, cần thống nhất tiêu chí phân loại F1, xây dựng và thí điểm thực hiện cách ly tại nhà đối với F1 “nguy cơ thấp”, giám sát bằng công cụ công nghệ như vòng đeo tay điện tử, camera, kết hợp sự giám sát của cộng đồng, hàng xóm lân cận.

Tại 130 cơ sở cách ly ở tỉnh Bắc Giang, chỉ trong vòng 5 ngày, Viettel đã huy động tối đa nguồn lực để lắp đặt thêm 1.000 camera giám sát 

Bộ Y tế cần khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn việc cách ly y tế linh hoạt, thực hiện xét nghiệm phân loại đối với các trường hợp F1, xây dựng thành văn bản chặt chẽ để tránh tình trạng lúng túng áp dụng tại các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp. Trước mắt thực hiện đối với hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang để hai tỉnh thí điểm việc tổ chức đi làm trở lại theo từng vùng, từng ca, từng phân xưởng, dây chuyền sản xuất.

Các địa phương cần thành lập “Tổ thông tin đáp ứng nhanh” để tiến hành tổng hợp các cách thức ứng phó với dịch Covid-19 tại các khu công nghiệp, giám sát đối với các đối tượng cách ly linh hoạt, xây dựng nền tảng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về phòng, chống dịch Covid-19 tại các khu công nghiệp trên cả nước.

Trong số các giải pháp, nhiệm vụ, ưu tiên triển khai chiến lược vaccin; xác định vaccin là chiến lược nền tảng, bền vững, dài lâu; phối hợp sản xuất trong nước kết hợp tiếp nhận công nghệ chuyển giao của nước ngoài; bổ sung công nhân vào đối tượng danh sách ưu tiên tiêm chủng; tiến tới triển khai chiến lược vaccin trên diện rộng, toàn quốc.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ vọng vào chiến lược phòng chống dịch trong các khu công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO