Kỳ vọng một đại dương không rác thải nhựa - Chuẩn bị tốt điều kiện và nguồn lực cho cam kết chống ô nhiễm nhựa

Kim Liên (thực hiện)| 20/12/2022 11:24

(TN&MT) - Với tinh thần chủ động, tiên phong tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, ngay từ rất sớm, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1407/QĐ- TTG của Chính phủ về phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương, giao Bộ TN&MT mà cụ thể là Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thực hiện.

Để hiểu rõ hơn về công tác triển khai các nhiệm vụ cũng như nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng năng lực tham gia đàm phán, thực hiện các giải pháp trong nước và quốc tế, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với và Phạm Thu Hằng - Phó Tổng cục trưởng phụ trách, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam xung quanh vấn đề này.

PV: Xin bà cho biết, để chuẩn bị cho tiến trình tham gia thỏa thuận toàn cầu về rác rải nhựa, thực hiện Quyết định số 1407/QĐ- TTG của Chính phủ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, đơn vị được Bộ TN&MT giao trực tiếp phụ trách, đã có những hành động cụ thể nào, thưa bà?

8-9-1-.jpg

Bà Phạm Thu Hằng - Phó Tổng cục trưởng phụ trách, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

Bà Phạm Thu Hằng:

Quyết định số 1407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương được phê duyệt đã giúp Việt Nam chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, nguồn lực cần thiết và thiết lập cơ chế điều phối các bộ, ngành và địa phương liên quan trong quá trình chúng ta đàm phán, tham gia thỏa thuận; từ đó bảo đảm quyền và lợi ích cao nhất của quốc gia trong việc phòng, chống ô nhiễm nhựa đại dương.

Bộ TN&MT là đơn vị chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức thực hiện Đề án. Trong thời gian qua, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, đơn vị được Bộ TN&MT giao tham mưu thực hiện Quyết định 1407/QĐ-TTg nêu trên, đã chủ động phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước triển khai nhiệm vụ như: Hợp tác với nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới và một số bên liên quan thực hiện 2 báo cáo nghiên cứu do quỹ ProBlue tài trợ về “Phân tích về ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam” và “Hướng tới một Lộ trình quốc gia về nhựa dùng một lần tại Việt Nam - Các lựa chọn chiến lược để giảm thiểu nhựa dùng một lần cần ưu tiên”.

Tổng cục cũng đang xúc tiến việc xây dựng Nền tảng số về rác thải nhựa đại dương, chuẩn bị sẵn sàng để kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu khu vực và toàn cầu thông qua Nền tảng số của Quan hệ đối tác toàn cầu về rác thải đại dương (GPML) giúp tích hợp dữ liệu và kết nối các bên liên quan để hướng dẫn hành động giải quyết vấn đề toàn cầu về rác thải đại dương và ô nhiễm nhựa.

Hợp tác của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về chia sẻ thông tin, cách thức thu thập, xử lý, phân tích dữ liệu về rác thải nhựa đại dương của Việt Nam thông qua hình thức tham vấn kỹ thuật giữa các chuyên gia của Việt Nam và OECD.

Vừa qua, Tổng cục cử đại diện tham gia phái đoàn tham dự Phiên họp đầu tiên của Ủy ban đàm phán liên Chính phủ để xây dựng Công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế về ô nhiễm nhựa, bao gồm trong môi trường biển tại Uruguay với hơn 2.300 đại biểu từ 160 quốc gia và các Tổ chức liên quan đã tham gia. Tại Phiên họp này, sau những tuyên bố chung về thỏa thuận trong tương lai, các đại biểu đã thảo luận về: phạm vi, mục tiêu và cấu trúc của văn kiện; các yếu tố tiềm năng; các điều khoản cơ sở để xây dựng Thỏa thuận cùng với trình tự và khuyến nghị cho tiến tình thực hiện tiếp theo.

PV: Được biết, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang xây dựng Dự thảo Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1407/QĐ-TTg, vậy xin bà cho biết những nội dung cơ bản của kế hoạch này và sẽ tập trung ưu tiên vấn đề gì trong giai đoạn này, thưa bà?

Bà Phạm Thu Hằng:

Dựa trên 6 nội dung chính của Quyết định, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam dự thảo Kế hoạch thực hiện đi sâu vào việc xây dựng các chương trình như đào tạo, tập huấn về luật pháp quốc tế; nghiên cứu phân tích đánh giá những thuận lợi, thách thức khi tham gia đàm phán; phân tích, xây dựng kịch bản đàm phán; rà soát, tổng hợp đánh giá các thỏa thuận quốc tế có liên quan đến rác thải nhựa mà Việt Nam đã tham gia.

Bên cạnh đó, ngày 4/11/2022, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 2988/QĐ-BTNMT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Biển và Hải đảo Việt Nam. Theo đó, Cục được giao nhiệm vụ quản lý rác thải nhựa đại dương.

Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, phục vụ việc chuẩn bị cho việc tham gia đàm phán về Thỏa thuận toàn cầu, Cục sẽ ưu tiên thực hiện Xây dựng phương án huy động sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và tổ chức, cá nhân trong nước; Xây dựng phương án tài chính để đảm bảo đầy đủ nguồn lực tài chính cho các hoạt động thu thập thông tin, dữ liệu. Đồng thời, đề xuất thành lập Tổ đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương; xây dựng và thông qua Quy chế làm việc của Tổ đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin dữ liệu rác thải nhựa trong nước; kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu rác thải nhựa đại dương với các quốc gia khu vực và trên thế giới. Lồng ghép tuyên truyền, phổ biến về sự cần thiết, thuận lợi, khó khăn định hướng của nội dung Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương trong các chương trình tuyên truyền, phố biến trong các nhiệm vụ, dự án Xây dựng kế hoạch đăng cai tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo quốc tế về ô nhiễm nhựa đại dương, trong đó khẳng định trách nhiệm, nỗ lực của Việt Nam trong giải quyết ô nhiễm nhựa toàn cầu…

PV: Vậy xin bà cho biết một số hoạt động nổi bật của Việt Nam trong thời gian qua nhằm thực hiện mục tiêu giảm rác thải nhựa đại dương, đồng thời chuẩn bị, đóng góp cho quá trình đàm phán vào thời gian tới?

Bà Phạm Thu Hằng:

Việt Nam đã và đang có hàng loạt các biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác nhựa đại dương từ việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đến hành động thực tế, từ đẩy mạnh phổ biến tuyên truyền đến các hành động thực tế.

Chúng ta đã có nhiều hoạt động thiết thực trong cuộc chiến chống lại rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa đại dương. Cụ thể, năm 2017, Việt Nam chính thức gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc về chất thải nhựa và vi nhựa đại dương. Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Canada tháng 6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã hoan nghênh Sáng kiến “Đại dương không rác thải nhựa” và kêu gọi một cơ chế hợp tác toàn cầu với sự chung tay hành động của các quốc gia để các đại dương luôn mãi xanh, đầy ắp tôm cá và không còn phế thải nhựa như là một di sản tốt đẹp để lại cho các thế hệ mai sau.

Việt Nam đã khẳng định trách nhiệm của mình đối với vấn nạn rác thải nhựa đại dương khi là một trong những quốc gia tiên phong trong giảm rác thải nhựa đại dương và là một trong các quốc gia tham gia xây dựng khung thoả thuận toàn cầu về giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương…

Bên cạnh đó, Việt Nam đã chủ động tham gia trong tiến trình hình thành Ủy ban Đàm phán liên chính phủ (INC) và thể hiện sự ủng hộ của mình bằng việc cử đại diện tham gia Nhóm công tác đặc biệt về rác thải nhựa đại dương của Hội đồng môi trường của Liên hợp quốc.

Đặc biệt, tại Hội nghị Bộ trưởng về ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương đã đưa ra các đề xuất cụ thể để giải quyết vấn đề này tại UNEA-5.2. Một trong những kết quả đáng ghi nhận của Hội nghị là 76 quốc gia trong đó có Việt Nam đã thông qua Tuyên bố Bộ trưởng nhằm xây dựng động lực và ý chí chính trị để thúc đẩy một chiến lược toàn cầu chặt chẽ nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương. Với việc thông qua Tuyên bố này, Việt Nam đã tiến thêm bước nữa trong việc tiếp tục khẳng định những cam kết chính trị của mình với cộng đồng quốc tế, góp phần gửi tín hiệu mạnh mẽ tới UNEA-5.2 về sự ủng hộ rộng rãi đối với việc thành lập Ủy ban Đàm phán liên chính phủ để bắt đầu tiến trình đàm phán cho một Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ vọng một đại dương không rác thải nhựa - Chuẩn bị tốt điều kiện và nguồn lực cho cam kết chống ô nhiễm nhựa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO