Ký quỹ "trách nhiệm"

Phương Anh| 29/03/2022 10:09

(TN&MT) - Ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nhằm phục hồi, phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường tự nhiên theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Mới đây, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP do Chính phủ ban hành quy định chi tiết một số Điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020, có 3 nhóm đối tượng phải thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường là khai thác khoáng sản, chôn lấp chất thải, nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.

Những quy định cụ thể về cách thức tính toán số tiền ký quỹ, thời gian ký quỹ, phương thức ký quỹ,... của Nghị định được kỳ vọng là công cụ mạnh mẽ để "khoan thủng" sự chây ỳ của không ít doanh nghiệp đối với trách nhiệm bảo vệ môi trường bấy lâu nay.

171118ha92.jpg
Ảnh minh họa

Nói doanh nghiệp "chây ỳ" là hoàn toàn có cơ sở, bởi không khó để nhận thấy, tình trạng chậm nộp, không nộp tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đã và đang diễn ra dai dẳng, phổ biến ở nhiều địa phương. Ngay trong quản lý khoáng sản, khi những "cơn lốc" khai khoáng đi qua đã cuốn theo tài nguyên, mang về lợi ích cho doanh nghiệp và để lại hậu quả nặng nề về môi trường, kế sinh nhai cho người dân. Suốt một thời gian dài, thiếu hay yếu kém trong quy hoạch khai thác khoáng sản ở các địa phương đã khiến rừng bị tàn phá, đồi núi bị đào khoét nham nhở và nhiều sông suối bị bồi lấp.

Mặc dù, trước đó, Luật Bảo vệ môi trường 2014, Điều 30 Luật Khoáng sản 2010; Điều 4, Nghị định số 19/2015/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định mọi tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải có phương án cải tạo, phục hồi môi trường và thực hiện các giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Quy định là thế nhưng nhiều chủ mỏ vẫn cố tình trốn tránh trách nhiệm sau khai thác, tìm mọi cách lẩn tránh các chi phí bảo vệ môi trường. Đây là hành vi “ăn quỵt” môi trường. Nếu cơ quan quản lý không “vững tay” mà bỏ qua, đó là thiếu trách nhiệm. Nếu tham gia luôn vào bộ máy ấy, đó là thiếu đạo đức.

Thực tế, chúng ta đã chứng kiến hàng loạt dự án lớn khai thác khoáng sản được triển khai rầm rộ suốt thời gian qua như than, sắt, titan… Khai thác ngày càng mở rộng trong khi quản lý lại bó hẹp ở các quy định còn lỏng lẻo. Khoáng sản là tài nguyên quốc gia, nhưng ở đâu đó, nó chỉ chủ yếu mang lại lợi ích lớn cho nhà đầu tư nắm dự án. Ở phương diện trái ngược, khai thác khoáng sản bừa bãi làm tăng tỷ lệ nghèo đói ở nhiều địa phương.

Nghèo đói có nhiều nguyên nhân, song cần nhấn mạnh, có một phần nguyên nhân quan trọng bởi sự cộng hưởng các nguy cơ khai thác tài nguyên cạn kiệt, ô nhiễm đất, biển và các dòng sông, không khí, khí hậu cực đoan gây khô hạn, nhiễm mặn và ngập lụt đang gia tăng. Bảo vệ môi trường và tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ hết sức chặt chẽ với nhau. Môi trường ô nhiễm sẽ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế bởi một phần đầu vào cho tăng trưởng kinh tế được lấy chính từ môi trường. Thống kê của Ngân hàng Thế giới chỉ rõ, ô nhiễm môi trường tại Việt Nam gây thiệt hại đến 5% GDP hằng năm.

Nhìn rộng ra, với những quốc gia nghèo, nguồn lực tri thức còn hạn chế, chưa sở hữu những bản quyền công nghệ tiên tiến, nội lực tài chính hạn hẹp, tài nguyên thiên nhiên trở thành một trong những chỗ dựa quan trọng trong cuộc đua tăng trưởng kinh tế. Dựa vào khai thác tài nguyên để tạo động lực phát triển có thể hiểu được ở tầm ngắn hạn.

Liệu những quốc gia như nước ta có thể đạt đến mục tiêu “phát triển bền vững” về dài hạn hay không khi phải phụ thuộc quá nhiều vào tài nguyên? Lựa chọn nào cho phát triển nếu muốn bảo đảm nguyên tắc “bảo vệ thiên nhiên” trong hành trình phát triển bền vững?

Hiện, Nghị định số 08 với những quy định cụ thể về việc ký quỹ đã khỏa lấp khoảng trống, để các đơn vị khai khoáng không "phớt lờ' trách nhiệm với môi trường. Quy định đã có, nguồn lực đã rõ, quan trọng là việc thực thi ra sao để khi đi vào thực tiễn có hiệu quả cao nhất đó là điều cần suy ngẫm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ký quỹ "trách nhiệm"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO