Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Chuyện dạy học ở Trường Sa

Lê Khanh| 18/11/2021 22:18

(TN&MT) - Việc dạy học ở Trường Sa không chỉ là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong công tác giáo dục và đào tạo đối với vùng biên giới biển đảo, mà còn khẳng định, Bộ đội Hải quân nhân dân Việt Nam đóng quân ở đâu, ở đó có sự đồng hành, sát cánh của nhân dân; quân, dân cùng nhau bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong mọi tình huống.

Cô giáo đầu tiên ở Trường Sa

Quần đảo Trường Sa có 21 đảo, điểm đảo/33 điểm đóng quân thuộc địa giới quản lý hành chính của tỉnh Khánh Hòa, nhưng cũng là phên dậu phòng thủ đặc biệt bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển. Bắt đầu thập niên đầu của thế kỷ XXI, thực hiện chủ trương dạy và học ở các đảo xa bờ của Bộ giáo dục và Đào tạo, Quân chủng Hải quân đã tổ chức xây hệ thống trường học tại ba đảo: Trường Sa lớn, Sinh Tồn và Song Tử Tây. Đồng hành với đó là đưa giáo viên từ đất liền ra đảo thực hiện sự nghiệp trồng người.

Thầy giáo Bành Hữu Tình hạnh phúc cùng 6 em học sinh trong ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/2018: Ảnh NVCC

Từ xã Cam Lâm huyện Cam Ranh tỉnh Khánh Hòa, cô giáo Bùi Thị Nhung đã viết đơn tình nguyện ra Trường Sa dạy học với tinh thần “Tất cả vì học sinh Trường Sa thân yêu”. Biết vợ làm đơn tình nguyện ra Trường Sa, chồng cô Nhung và bố mẹ đẻ của cô lúc đầu không ủng hộ. Nhưng được cô giải thích, thuyết phục “Đi Trường Sa để cống hiến và giúp lũ trẻ biết chữ”, gia đình đã đồng ý. Ngày cô Nhung bế con nhỏ bước chân xuống tàu đi Trường Sa, bố mẹ cô nghẹn ngào trên cầu cảng. Người cha già mặt buồn buồn mong con gái đi gặp nhiều may mắn, còn mẹ cô mắt đỏ hoe đưa tay vẫy khi tàu rời bến. Cuộc chia xa không hẹn ngày trở về xúc động. Chen lẫn niềm vui, nỗi buồn là những giọt nước mắt.

Thầy giáo Nguyễn Hữu Phú tận tuỵ chỉ bài cho học sinh ngoài đảo Song Tử Tây: Ảnh NVCC

Sau gần 3 ngày đêm hải trình không nghỉ, tàu 957 của Vùng 4 Hải Quân đưa cô Nhung đến đảo Trường Sa lớn. Đêm đầu tiên giữa “quần đảo bão tố”, cô không hề chợp mắt; phần vì lạ đảo, lạ nhà; phần vì nhớ đất liền canh cánh trong lòng.
Cô Nhung  bắt đầu “gieo chữ” cho học sinh Trường Sa trong điều kiện dụng cụ học tập chưa đầy đủ. Số học sinh chỉ chưa được 10 em ở các độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 5. Do học sinh ít, lại không đủ giáo viên, mình cô Nhung đảm nhiệm dạy học 5 lớp, (từ lớp 1 đến lớp 5). Để tiện quản lý, các em học sinh được học trong một phòng.

Niềm vui sau giờ học tập

Các bàn học được kê hình đa giác. 5 chiếc bảng treo ở 5 vị trí khác nhau. Học sinh học lớp mấy, thì ngồi đối diện với bảng ở vị trí đó. Cô Nhung đi vòng tròn dạy cho từng lớp.

 Trong khi học sinh lớp 5 làm bài tập, thì học sinh lớp 3 tập viết, lớp 2 tô màu. Ra chơi cùng chung một giờ, cô trò ngồi quây quần bên nhau. “Cái khó nhất dạy học ở Trường Sa là học sinh ít, lại dạy chung một phòng học. Một mình tôi dạy 5 lớp trong một không gian hẹp. Điều kiện cơ sở giáo dục còn nhiều khó khăn. Ngoài học chữ theo chương trình chung của Bộ, các em được học “tinh thần thép”. Tức là học tình yêu biển, đảo của Tổ quốc.

Đôi bạn 

Đa phần các em có ước mơ lớn lên làm chú bộ đội và ở lại đảo. Những buổi được các chú bộ đội đến kể chuyện, các em luôn hào hứng. Với tôi, dạy học ở Trường Sa tuy vất vả, nhưng rất tự hào, vì đã góp phần nhỏ bé gieo chữ cho các em nơi đầu sóng ngọn gió. Những ngày tháng ấy không bao giờ quên”- cô Nhung chia sẻ.

Gửi khát vọng trong từng con chữ

Bắt đâu từ 2012, thay vì đưa giáo viên nữ từ đất liền ra Trường Sa dạy học thì tỉnh Khánh Hòa quyết định thay bằng giáo viên nam. Đây là điều kiện để các thầy giáo trẻ có cơ hội cống hiến, đồng thời thuận lợi trong công tác chuyển đổi giáo viên dạy học ở vùng hải đảo xa xôi.

Học sinh Trường Sa giao lưu với khách đến từ đất liền

Được ra đảo Trường Sa lớn dạy học, thầy giáo Bành Hữu Tình gửi trọn tình yêu, niềm đam mê và tâm huyết cho công việc “gieo chữ”.

 Cũng như cô giáo Nhung, thầy Tình dạy 5 lớp trong một phòng học. “Lớp học xoay vòng” của thầy gồm các em học sinh là con của ngư dân đang sinh sống tại đảo và cả con của bộ đội Trường Sa. Trong giờ học, thầy Tình say mê giảng bài, tận tình chỉ bảo; ngoài giờ học, thầy Tình là người bạn thân thiết của các em. Bởi vậy có em “lém lỉnh” gọi thầy là “anh Tình”.

Thầy Bành Hữu Tình trong giờ lên lớp

Thầy Tình chia sẻ: “Điều tôi tự hào nhất là được dạy học ở tuyến đầu Tổ quốc. Tuy có nhiều vất vả nhưng mỗi ngày được đứng trên bục giảng, cảm giác khó khăn trở ngại tan biến hết. Tôi đã đứng trên bục giảng 16 năm. Ra Trường Sa dạy học cũng là thỏa mãn khát vọng cống hiến cho Trường Sa”.

Cùng chung khát vọng cống hiến sức lực cho sự nghiệp trồng người ngoài “quần đảo bão tố”, thầy giáo Nguyễn Hữu Phú ở Trường Song Tử Tây luôn bận rộn với giáo án bài giảng. Vốn là người nhiều tài lẻ, ngoài giờ lên lớp, thầy Phú tổ chức cho các em học sinh hoạt động ngoại khóa. Nam tập đá bóng trên cát, nữ chơ trò nhảy dây. Ngày cuối tuần, thầy cùng các em học sinh tham gia nhặt rác thải nhựa từ biển dạt vào triền đảo, bảo vệ môi trường. “Càng gắn bó với đảo, với các em học sinh ở đảo, tôi càng thấy mình yêu nghề hơn.

Học sinh ngoài đảo Sinh Tồn

Tuy điều kiện dạy và học ở đảo còn khó khăn, không như đất liền, nhưng luôn bảo đảm cho các em học đủ chương trình, nâng cao chất lượng học tập và rèn luyện thể lực toàn diện. Trong khi đất liền dạy học online, thì Trường Sa vẫn học tập bình thường. Thầy trò chúng tôi luôn tuân thủ biện pháp “5K”, mặc dù ở đảo không có dịch”, thầy Phú chia sẻ.

Hát trên bục giảng

Được coi là “chân trời Tổ quốc”, đảo Sinh Tồn xa hơn so với các đảo khác trong quần đảo Trường Sa. Song, lớp học của “cặp” thầy giáo trẻ thế hệ 9X Phạm Xuân Diệu và Nguyễn Công Qua luôn đầy ắp niềm vui chen lẫn tiếng cười.

Cũng là “típ thanh niên” năng động “ba trong một”, ngoài giờ dạy chữ thầy Diệu và thầy Qua thường xuyên tổ chức cho các em học sinh vui chơ giải trí. Lúc thì tổ chức vệ sinh, nhặt rác thải biển; khi thì giúp các chú bộ đội tăng gia trồng rau xanh quanh đảo. Thầy Diệu chia sẻ: “Dạy học ở Trường Sa là khát vọng lớn của em. Cái khác biệt nhất về tâm trạng dạy học ở đây là luôn muốn cống hiến sức lực, trí tuệ cho Tổ quốc”.

Cô giáo Bùi Thị Nhung- người đầu tiên gieo chữ ở Trường Sa

 Còn thầy Nguyễn Công Qua thì cho rằng: “Em đã thỏa mãn khát vọng của mình được gieo chữ nơi tuyến đầu Tổ quốc. Đây là vinh dự lớn đối với em. Nếu được phép, em nguyện dạy học cả đời ở đảo”.

“Khát vọng lớn nhất của tôi là dạy học ở Trường Sa. Gieo chữ ở Trường Sa gian khó, nhọc nhằn, nhưng rất tự hào kiêu hãnh. Cống hiến sức trẻ cho chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, là thiêng liêng và vinh quang. Không chỉ riêng tôi, mà các thày giáo Trường Sa đều có khát vọng và lý tưởng cống hiến như vậy”- Cô giáo Bùi Thị Nhung.

Trường Sa bây giờ đang là mùa sóng to gió lớn. Mặc cho giông tố cuồng phong, mặc cho nắng nóng và thời tiết khắc nghiệt, ba lớp học ở ba đảo Trường Sa lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn vẫn hoạt động bình thường. Trong ba lớp học đặc biệt ấy, bốn thầy: Bành Hữu Tình, Nguyễn Công Qua, Nguyễn Hữu Phú, Phạm Xuân Diệu vẫn miệt mài gieo chữ cho các em học sinh. Các thầy đang thực hiện khát vọng trồng người ngoài “quần đảo bão tố”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Chuyện dạy học ở Trường Sa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO