Kỷ niệm 56 năm Ngày Hải quân nhân dân Việt Nam đánh thắng trận đầu (5/8/1964-5/8/2020): Niềm tự hào của những người giữ biển

Lê Khanh| 05/08/2020 14:29

(TN&MT) - 56 năm trước, ngày 5-8-1964, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, những người lính biển khoác áo vằn cánh sóng đã “bẻ gãy gọng kìm không quân” trong chiến dịch “mũi tên xuyên” của Mỹ. Lập lên chiến công huyền thoại đánh giặc trời trên chiến trường sông biển ở thế kỷ 20.

1, Hôm nay ngày 5-8, ngày mà 56 năm trước dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh và Bác Hồ kính yêu, quân và dân miền Bắc đã đập tan chiến dịch “mũi tên xuyên” của Mỹ, làm nên chiến thắng trận đầu, trong đó Hải quân Việt Nam là lực lượng chủ lực trên chiến trường sông biển.

Bộ đội Hải quân Trung đoàn 171 năm xưa bắn máy bay địch ở Lạch Trường,
Thanh Hóa, ảnh TL


56 năm qua, vết bụi thời gian phần nào làm thay đổi những hiện vật, địa danh lịch sử- nơi mà những người lính biển đã tiêu diệt giặc trời ở Lạch Trường Thanh Hoá, Cửa lò Nghệ An, Sông Gianh Quảng Bình; nhưng ký ức về chiến thắng trận đầu thì không bao giờ phai nhạt trong tâm khảm của những cựu binh một thời vào sinh ra tử. 
Quên sao được cây cầu Hàm Rồng huyền thoại sừng sững hiên ngang trong chiến tranh chống Mỹ. Năm 1964 của thế kỷ 20, cây cầu này hứng hàng ngàn tấn đạn bom. Dưới lòng cây cầu ấy là dòng sông Mã anh hùng. Dòng sông của lính Hải quân và tình người Nam Ngạn.

Nữ dân quân Nam Ngạn - Thanh Hóa chuyển đạn cho tàu hải quân
“diệt giặc trời”, ảnh TL


Chẳng thể nào quên nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển đã vác thùng đạn nặng gấp hai lần trọng lượng cơ thể, để chuyển cho tàu hải quân diệt giặc trời. Không bao giờ quên câu nói của hạ sĩ Nguyễn Thanh Hải trên tàu 187 huyền thoại năm xưa trước khi hi sinh vẫn khát vọng “cho tôi nhìn Tổ quốc lần cuối”.

Quên sao được người chỉ huy Nguyễn Văn Tiếu bị mất một chân vẫn kiên cường lái tàu chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Vẫn còn đây nhân chứng sống của “cuộc vượt biển bằng máu” chở vũ khí đạn dược chi viện cho chiến trường Bình Giã... Tất cả vẫn vẹn nguyên ký ức chiến tranh. Chỉ khác ký ức đó được lưu giữ trong khối óc của những cựu binh già - những người giành cả tuổi xuân và cuộc đời cho cách mạng. Sự hi sinh thầm lặng vì Tổ quốc của thế hệ đi trước, là hành trang cho thế hệ trẻ hôm nay tiếp bước noi theo.
2, Chiến tranh kết thúc, hoà bình hạnh phúc trên dải đất Việt Nam, nhưng những người lính biển chưa bao giờ ngơi tay súng. 64 chiến sĩ hải quân bị tàn sát trong sự kiện 14-3-1988 nói lên rằng, chiến tranh hay thời bình, vất vả gian lao bao giờ cũng đăt lên vài người lính. Trong thời đại “chiến tranh trong suốt”, “thế giới phẳng” hiện nay; những người lính biển càng gian lao khó nhọc, nhất là biển đảo đã thực sự trở thành không gian sinh tồn của mỗi quốc gia. 

Chiến sĩ radar huấn luyện trên núi. Ảnh: Lê Khanh

3, 56 năm tự hào thay những người lính canh giữ biển khơi. 56 năm kiêu hãnh thay những người canh chủ quyền đất mẹ phía đường biên Tổ quốc. Khó khăn, nhọc nhằn không làm chiến sĩ Trường Sa chùn bước; gian lao, vất vả không làm chiến sĩ nhà giàn DK1 giảm ý chí niềm tin. Ngược lại, càng làm cho các anh vững vàng tay súng, canh giữ biển trời cho đất liền có những năm tháng yên bình.

Huấn luyện tàu ngầm trên bán đảo Cam Ranh. Ảnh: Lê Khanh


Kỷ niệm 56 năm Hải quân Việt Nam đánh thắng trận đầu, thế hệ cán bộ chiến sĩ nhận thức sâu sắc rằng, để có biển đảo yên bình giữa ngàn khơi, để kê cao nền Tổ quốc giữa đại dương bao la, bao người con ưu tú đã nằm lại trong lòng biển.

Nếp sống chính quy hiện đại ở Vùng 2 Hải quân. Ảnh: Lê Khanh

Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn vang vọng trong tim những người lính biển “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Lời căn dặn ấy đã, đang và mãi được thế hệ cán bộ chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam khắc sâu và thực hiện.
 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 56 năm Ngày Hải quân nhân dân Việt Nam đánh thắng trận đầu (5/8/1964-5/8/2020): Niềm tự hào của những người giữ biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO