Kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa

03/11/2013 00:00

(TN&MT) - Mới đây, tại Sân vận động trung tâm thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa, UBND tỉnh Lào Cai long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa (1903 – 2013).

   
(TN&MT) - Tối  2/11, tại Sân vận động trung tâm thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa, UBND tỉnh Lào Cai long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa (1903 – 2013).
   
  Đến dự buổi lễ có các  đồng chí: Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo tỉnh Lào Cai, đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đọc diễn văn kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa. Bài diễn văn nêu bật quá trình hình thành và phát triển của khu du lịch Sa Pa sau 110 năm (1903 - 2013).
   
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải phát biểu tại Lễ kỷ niệm
     
   
  Nhìn lại hơn 1 thế kỷ phát triển, du lịch Sa Pa đã khẳng định được vị thế đối với du khách trong và ngoài nước, trở thành điểm đến hấp dẫn. Thị trấn  Sa Pa xưa là cao nguyên Lồ Suối Tủng, thuộc trại Ngòi Bo, sau là Tổng Hướng Vinh, Châu Thuỷ Vĩ, tỉnh Hưng Hóa. Cách đây đúng 110 năm, vào mùa đông năm 1903, đoàn thám hiểm của Sở Địa lý Đông Dương trong khi tiến hành đo đạc  xây dựng bản đồ tỷ lệ 1/100.000 đã khám phá ra cảnh quan cao nguyên Lồ Suối Tủng và làng Sa Pả. Đoàn thám hiểm đã đặt tên cao nguyên và ghi danh vào bản đồ là “Cao trạm Sa Pa”. Sự kiện này trở thành dấu mốc lịch sử phát hiện ra Sa Pa.
   
  Nhận thấy những tiềm năng đặc biệt của Sa Pa, ngày 2/6/1909, Chánh sứ Lào Cai đã gửi tờ trình lên Thống sứ Bắc Kỳ đề nghị thành lập  khu điều dưỡng trên “Cao trạm Sa Pa”, đồng thời đề nghị tập trung đầu tư cho Sa Pa. Từ đó, Sa Pa được mở mang xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, trở thành “kinh đô mùa hè” của du khách và được đánh giá là “Trạm điều dưỡng lý tưởng” đối với người Pháp và du khách châu Âu.
   
  Trên cơ sở xác định những tiềm năng và lợi thế so sánh, ngay từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (năm 1991), tỉnh Lào Cai đã chú trọng phát triển mạnh mẽ du lịch, trong đó Sa Pa được xác định là trọng điểm du lịch của tỉnh. Mặc dù còn nhiều khó khăn của một tỉnh mới tái lập, nhưng Lào Cai đã dành một phần vốn ngân sách đáng kể để đầu tư phát triển hạ tầng du lịch Sa Pa.
   
Toàn cảnh lễ kỷ niệm
    
   
  Sau hơn 100 năm hình thành và phát triển, Sa Pa đã được du khách trong và ngoài nước biết đến như một điểm du lịch vùng núi cao rất hấp dẫn, đa dạng, phong phú với các loại hình như: Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm, du lịch khám phá nét đẹp văn hóa bản địa... Sa Pa cũng được xem là điểm đến trung tâm của khu vực Tây Bắc Việt Nam trước khi khách du lịch tổ chức các tour đi các điểm du lịch lân cận, như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang…Đến nay, du lịch Sa Pa được công nhận là 1 trong 21 điểm du lịch chuyên đề của cả nước. Điều đó càng chứng tỏ Sa Pa là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, từng bước khẳng định thương hiệu sánh ngang với các điểm du lịch vùng núi, như Đà Lạt (Lâm Đồng), Tam Đảo (Vĩnh Phúc)…
   
  Toàn huyện có 162 cơ sở lưu trú, trong đó có 47 khách sạn từ 1- 4 sao, với 2.560 phòng, 5.120 giường. Ngoài ra, ở các xã: Lao Chải, Tả Van, Bản Hồ, Thanh Phú, Tả Phìn, San Sả Hồ có 85 hộ kinh doanh nhà nghỉ tại gia (homestay). Chất lượng cơ sở vật chất phục vụ du lịch có sự chuyển biến rõ nét, nhiều cơ sở lưu trú kinh doanh dịch vụ du lịch có chất lượng cao.
  Nhằm khai phá tiềm năng, thế mạnh phục vụ phát triển du lịch, Sa Pa đã xác định một số nhóm giải pháp chủ yếu. Đó là, tạo môi trường tốt cho du lịch phát triển. Điều này được cụ thể hoá bằng việc tăng cường quản lý, bảo vệ, phát triển tài nguyên du lịch; đẩy mạnh việc trồng và bảo vệ rừng gắn với tạo cảnh quan, đặc biệt tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên và các xã, thị trấn có định hướng phát triển du lịch cộng đồng. Đồng thời, giải quyết tốt vấn đề xã hội và môi trường, xây dựng nếp sống văn minh, thân thiện của người dân đối với du khách.
   
  Đến năm 2015, Sa Pa phấn đấu đón trên 900.000 lượt khách du lịch, doanh thu từ dịch vụ, du lịch đạt 650 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, hướng phát triển bền vững vẫn là loại hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn thiên nhiên, văn hóa. Cùng với việc thực hiện hiệu quả các nội dung Đề án “Xây dựng nếp sống văn minh trong thương mại, du lịch, giai đoạn 2011 - 2015” và Đề án “Nâng cao chất lượng du lịch gắn với bảo vệ môi trường, giai đoạn 2011 - 2015”.
   
Trao Bằng công nhận kỷ lục Việt Nam cho 3 danh thắng ở Sa Pa
    
   
  Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải khẳng định: Từ lâu, Sa Pa đã trở thành địa danh du lịch nổi tiếng khắp trong nước và quốc tế. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và quy hoạch tổng thể du lịch vùng trung du, miền núi Bắc bộ đến năm 2020 đều xác định Sa Pa là đô thị du lịch duy nhất trong 21 khu du lịch trọng điểm của quốc gia, là đô thị nghỉ dưỡng trong không gian miền núi Tây Bắc Việt Nam. Chính phủ, tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hấp dẫn, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai nhiều dự án, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Để Sa Pa trở thành trung tâm du lịch quốc gia, trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai cần làm tốt công tác quy hoạch và xây dựng đô thị; đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ nhằm xây dựng Sa Pa trở thành đô thị du lịch đặc sắc, văn minh trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế. Thực hiện có hiệu quả quy hoạch du lịch với các loại hình du lịch phong phú, như du lịch làng bản, sinh thái, mạo hiểm, nghỉ dưỡng. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch, đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường, sinh thái...
   
   
  Tại lễ kỷ niệm, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã trao Quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cho Nghi lễ Pút tồng của người Dao đỏ, Lễ hội Xuống đồng của người Giáy ở Tả Van và Nghề chạm khắc bạc của người Mông ở Sa Pa. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) trao Kỷ niệm chương và Bằng công nhận kỷ lục Việt Nam cho 3 danh thắng, đó là: Đèo Ô Quý Hồ  - Đèo dài nhất Việt Nam; Quần thể ruộng bậc thang lớn nhất và ruộng bậc thang có nhiều bậc nhất.
   
  Ngay sau lễ kỷ niệm đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa với chủ đề ‘‘Sa Pa vẫy gọi’’ mang đậm màu sắc văn hóa dân tộc, đem đến cho người xem một bức tranh toàn cảnh về một Sa Pa hấp dẫn, thân thiện, mến khách và năng động.
   
  Bài & ảnh: Hồng Hà
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO