Kon Tum: Tích cực xây dựng môi trường nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững

Quế Mai| 22/10/2022 20:34

(TN&MT) - Thời gian qua, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) được các cấp chính quyền của tỉnh Kon Tum tích cực triển khai thực hiện ở khắp các địa phương của tỉnh; góp phần làm cho môi trường sống ngày càng xanh-sạch-đẹp, đời sống người dân ngày một nâng cao, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.

a1..jpg
Người dân thôn Đăk XiNa thu gom rác thải bỏ vào nhà chứa rác theo quy định

Chú trọng tiêu chí môi trường

Kon Tum là tỉnh miền núi có 53,6% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Tính đến tháng 6/2022, toàn tỉnh có 36/85 xã đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM, các xã còn lại chưa đạt NTM hầu hết đều gặp khó khăn trong việc thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường.

Để giúp các địa phương thực hiện tốt tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, Sở TN&MT Kon Tum đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện. Năm 2021, Sở TN&MT phối hợp với với phòng TN&MT một số huyện trên địa bàn tổ chức triển khai các giải pháp để hoàn thành tiêu chí môi trường theo quy định; hỗ trợ lắp đặt bảng pano tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng NTM tại các xã.

Theo bà Đường Thị Hồng Luân – Phó phòng Môi trường, Sở TN&MT tỉnh Kon Tum, cùng trong năm 2021, Sở TN&MT Kon Tum cũng đã phối hợp liên tịch với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể, tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường, các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gắn với nhiệm vụ xây dựng NTM đối với tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm, thông qua hình thức trực tuyến online, với số kinh phí triển khai cho các hoạt động là 110 triệu đồng; năm 2022 là 100 triệu đồng.

Ngoài ra, thông qua các hoạt động lồng ghép như: tổ chức lễ ra quân vệ sinh môi trường; trồng cây xanh nhân các sự kiện: Ngày Khí tượng thế giới, Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học, Tháng hành động vì môi trường, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6, Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, Sở TN&MT Kon Tum đã thực hiện công tác truyền thông về xây dựng tiêu chí môi trường cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Nhờ vậy, hoạt động xây dựng tiêu chí môi trường trên địa bàn tỉnh Kon Tum những năm qua đã đạt được những kết quả tích cực như: các thôn, làng đã đưa nội dung bảo vệ môi trường ở khu dân cư vào hương ước, quy ước của thôn; một số địa phương đã thành lập các tổ thu gom rác thải, vận động các hộ gia đình đào hố rác vệ sinh; nhận thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng một số xã được nâng cao; nhiều xã đã trang bị thùng rác tại các trục đường chính, các khu vực đông dân cư trên địa bàn nhằm đảm bảo tình hình vệ sinh môi trường.

Tuy nhiên, với tỷ lệ người dân là đồng bào DTTS cao thì việc xây dựng tiêu chí môi trường trên địa bàn tỉnh cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế. Tiêu biểu là việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư các công trình vệ sinh môi trường khu vực nông thôn còn chậm; ý thức của người dân chưa cao; công tác truyền thông cho người dân là đồng bào DTTS chưa được chú trọng…

“Trên cơ sở Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021 - 2025 đã được ban hành, Sở TN&MT sẽ phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhằm quyết tâm thực hiện hoàn thành mục tiêu đề ra về xây dựng tiêu chí số 17. Trong thời gian tới, Sở TN&MT cũng sẽ ban hành Sổ tay hướng dẫn chuyên ngành thực hiện tiêu chí xây dựng NTM đối với cấp xã và cấp huyện”, bà Luân thông tin.

a2..jpg
Người dân làng Plei Klech (xã Ya Tăng) trồng hoa hai bên đường làng, tạo môi trường xanh

Hướng đến nâng cao đời sống người dân

Nằm ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Kon Tum, thôn Đăk XiNa (xã Xốp, huyện Đăk Glei) cũng chưa hoàn thành tiêu chí 17 trong xây dựng NTM. Nói về khó khăn của thôn, ông A Cứu – Trưởng thôn Đăk XiNa cho biết, với tập quán sinh hoạt của người đồng bào DTTS, người dân trong thôn vẫn hay vứt rác bừa bãi, chưa biết thu gom, xử lý rác đảm bảo vệ sinh môi trường.

Cùng với địa phương xây dựng NTM, ban nhân dân thôn Đăk XiNa đã vận động, tuyên truyền người dân trong thôn cùng tham gia bảo vệ môi trường bằng các hoạt động như: hàng tháng cùng nhau tham gia dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm; không vứt rác bừa bãi; thu gom rác thải và bỏ vào nhà chứa rác theo quy định.

“Đến nay, bà con trong thôn không còn nuôi gia súc dưới gầm nhà sàn để đảm bảo môi trường. Trong sản xuất nông nghiệp, bà con cũng hạn chế dùng phân hóa học, mà sử dụng phân hữu cơ để cho năng suất cao và không ảnh hưởng đến môi trường. Nhiều hộ dân trong thôn dần phát triển kinh tế hơn trước”, ông A Cứu chia sẻ.

a3..jpg
Người dân chủ động sử dụng phân bón hữu cơ để bảo vệ môi trường, tăng năng xuất cây trồng và thu nhập

Tương tự, xã Ya Tăng (huyện Sa Thầy) với 96% người dân là đồng bào DTTS, bà Y Phin – Chủ tịch UBND xã Ya Tăng cho biết: Ya Tăng là xã đặc biệt khó khăn, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 29,94% và chưa nhận thức được vai trò của bảo vệ môi trường sống. Do đó, chính quyền xã phải tích cực tuyên truyền để nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen lạc hậu cho người dân.

“Xã đã chú trọng thực hiện giải quyết tốt các thủ tục hành chính: vay vốn, cấp giấy chứng nhận quyền sử đất để người dân có vốn phát triển sản xuất. Đồng thời, vận động người dân xây dựng nhà tiêu, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đảm bảo 3 sạch; định hướng thành lập tổ hợp tác sản xuất dịch vụ lâm nghiệp, để người dân phát triển kinh tế, góp phần chung tay cùng xã thực hiện xây dựng NTM”, bà Phin nói.

Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Kon Tum đã triển khai hiệu quả các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, góp phần tạo điều kiện, cơ hội cho người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 3,84%/năm; bình quân tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm 6,67%/năm.

Năm 2022, tỉnh Kon Tum tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu nâng cao hiệu quả giảm nghèo bền vững, đa chiều, bao trùm, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ các huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo; giảm nghèo gắn với phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ tài nguyên môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kon Tum: Tích cực xây dựng môi trường nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO