Kinh tế Việt Nam vượt thách thức do biến đổi khí hậu: Hiệu quả từ chuyển đổi mô hình nông nghiệp

Bạch Thanh| 05/04/2022 11:01

(TN&MT) - Trước tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn do tác động của BĐKH, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nhân rộng mô hình nông nghiệp thích ứng với BĐKH để góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.

Những năm qua, tỉnh Bến Tre đã nhân rộng nhiều mô hình nông nghiệp thích ứng BĐKH như: Mô hình phát triển cây bưởi da xanh tại huyện Châu Thành; Mô hình phục hồi vườn chôm chôm bị ảnh hưởng hạn mặn của mùa khô tại huyện Chợ Lách; Mô hình trình diễn giống lúa chịu mặn cho các xã vùng ven biển; Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực gắn với tiêu thụ sản phẩm…

Bên cạnh đó, tỉnh Bến Tre còn xây dựng vùng sản xuất dừa hữu cơ tập trung với diện tích hơn 13.125ha, trong đó, diện tích đạt chứng nhận hơn 7.249ha; xây dựng thí điểm 6 vùng sản xuất dừa tập trung, gồm: 5 vùng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ (1.500ha), 1 vùng sản xuất dừa uống nước (20ha)…

Đặc biệt, UBND tỉnh Bến Tre cũng đã ban hành kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ thích ứng với BĐKH. Đồng thời, xoay trục phát triển kinh tế theo hướng Đông, phát triển phù hợp với điều kiện nước mặn, khai thác tiềm năng kinh tế biển.

b1.2.-mo-hinh-nong-nghiep.jpg

Một mô hình nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với BĐKH.

Còn tại tỉnh Tiền Giang, các mô hình chuyển đổi sang cây ăn trái bước đầu thích nghi tốt với BĐKH, hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa từ 2 - 10 lần. Trong đó, các huyện duyên hải Gò Công phát huy tiềm năng và thế mạnh trồng rau màu, tạo nguồn nông sản hàng hóa cung ứng thị trường, tăng nguồn thu nhập cho nông dân.

Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi hơn 23.000ha đất lúa, chủ yếu lúa vụ 3 kém hiệu quả sang trồng cây ngắn ngày khác. Để giúp nông dân mở hướng sản xuất nông nghiệp bền vững và hiệu quả, tỉnh Tiền Giang chủ trương tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, bố trí hợp lý cơ cấu cây trồng và mùa vụ thích ứng BĐKH; chú trọng trồng rau màu theo các mô hình luân canh, xen canh, đưa rau màu xuống chân ruộng, trồng rau màu theo hướng VietGAP...

Tiền Giang còn triển khai Đề án cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cây trồng các huyện phía Đông đến năm 2025, trong đó chủ trương không sản xuất vụ Thu Đông như trước, thay vào đó mở rộng diện tích rau màu thực phẩm cùng các cây trồng phù hợp khác, vừa tiết kiệm được nguồn nước bơm tưới vừa giảm nguy cơ thiên tai gây hại.

Riêng đối với Long An, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, chuyển những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn với diện tích trên 20.000ha. Việc chuyển đổi không những mang lại hiệu quả kinh tế mà còn giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, hạn chế tình trạng hoang hóa đất nông nghiệp do thiếu nước bỏ vụ kéo dài.

Thời gian tới, tỉnh Long An tiếp tục tái cơ cấu sản xuất trồng trọt theo hướng chiến lược lâu dài để ứng phó với BĐKH. Đồng thời, áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn kết hợp với quy hoạch tổng thể vùng sản xuất nhằm phát triển bền vững cho nền nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trước thách thức của BĐKH.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Việt Nam vượt thách thức do biến đổi khí hậu: Hiệu quả từ chuyển đổi mô hình nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO