Kinh tế Việt Nam năm 2016: Có "lội ngược dòng"?

22/06/2016 00:00

(TN&MT) - Con số Tổng cục Thống kê vừa đưa ra khi tổng kết tình hình kinh tế quý I/2016 cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đang “bước thụt lùi” một cách đáng lo ngại. Theo đó, GDP quý I/2016 tăng 5,46%, thấp hơn khá nhiều so với tốc độ 6,12% của quý I/2015, thậm chí, còn thấp hơn mức 5,9% của quý I/2011.

Nếu chỉ nhìn vào những con số thống kê, có lẽ, chỉ có thể xây dựng kịch bản xấu cho nền kinh tế Việt Nam 2016. Song, điều này có thật sự đúng với xu hướng phát triển của nền kinh tế Việt Nam khi còn rất nhiều tiềm năng, nội lực chưa được khai thác. Vậy kịch bản nào cho nền kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm và liệu có cán đích tăng trưởng 6,7% như kỳ vọng?

Sụt giảm chưa đáng lo

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mặc dù, còn nhiều khó khăn, thách thức, song Việt Nam kiên quyết không điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2016; quyết tâm phấn đấu tăng trưởng 6,7%, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Nhận định về triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2016, nhiều chuyên gia cho rằng, sự sụt giảm trong quý 1 không phải là điều đáng lo ngại, bởi theo diễn biến chung của nền kinh tế Việt Nam, các quý sau thường tăng trưởng cao hơn quý trước. Do đó, từ nay đến cuối năm, các chuyên gia dự báo về cơ bản kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng.

Kinh tế Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Ảnh: Hoàng Minh
Kinh tế Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Ảnh: Hoàng Minh

Thêm vào đó, năm 2016 cũng là năm Việt Nam mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng thông qua các Hiệp định tự do hóa thương mại. Bởi vậy, nếu tận dụng tốt cơ hội do các Hiệp định này mang lại, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay có thể sẽ đạt được và trở thành tiền đề rất tốt cho phát triển kinh tế vào thời gian tới. Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, Cộng đồng kinh tế Asean... là những tín hiệu tốt để thu hút các nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam. Đây là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tích cực trong ngắn hạn. Về dài hạn, khi Việt Nam hội nhập sẽ giúp thay đổi cấu trúc thị trường, giảm bớt lệ thuộc vào thị trường đầu vào ở Trung Quốc, như vậy, từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Việt Nam đã dành 5 năm (2011-2015) tập trung chủ lực cho việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Xuyên suốt mục tiêu đó, chúng ta đã tạo được ổn định kinh tế vĩ mô cho tới ngày hôm nay. Với nền tảng kinh tế vĩ mô đã có nhiều cải thiện sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn trong năm 2016 và những năm tiếp theo.

Siết chặt chi tiêu công

Để tạo dựng môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, cần có sự phối hợp hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác. Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) TS. Nguyễn Đức Thành, Chính phủ cần có quyết tâm cao nhất để giữ kỷ luật tài khóa, giảm chi ngân sách trong bối cảnh các nguồn thu ngân sách chủ yếu đang suy giảm. Trong đó, cần ý chí chính trị đặc biệt để cắt giảm chi tiêu thường xuyên, thu hẹp bộ máy hành chính. Các khoản chi đầu tư từ nguồn vốn ODA ngoài dự toán cũng cần được kiểm soát chặt chẽ để quản lý được khối lượng vốn đầu tư thực tế của các đơn vị sử dụng vốn. Bên cạnh đó, trước khi Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 có hiệu lực vào năm 2017, mức thâm hụt ngân sách hiện vẫn được tính theo Luật Ngân sách Nhà nước 2002 có những sự khác biệt lớn với thông lệ quốc tế nên mức bội chi ngân sách kế hoạch cũng cần được điều chỉnh phù hợp để đảm bảo tính khả thi và kỷ luật tài khóa.

Bên cạnh đó, sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ và các công cụ, biện pháp khác để hỗ trợ ổn định thị trường ngoại tệ, điều hành tỷ giá hợp lý, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong và ngoài nước. Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ. Tăng trưởng dư nợ tín dụng phù hợp gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, trong đó chú trọng kiểm soát chặt chẽ các khoản cấp tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Cải cách thể chế, tìm kiếm động lực mới cho tăng trưởng

Khi nền kinh tế đang đối diện với nhiều khó khăn, khai thác sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp (DN) chính là sức bật của nền kinh tế, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội TS. Trần Du Lịch khẳng định.

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, trong thời điểm hiện tại, khi gánh nặng nợ công, nợ Chính phủ, nợ quốc gia đã đến ngưỡng “cho phép”, nhiệm vụ cấp thiết chúng ta cần là hoàn thiện thể chế, cải cách chính bộ máy hành chính để làm sao khai thác được nguồn vốn rất to lớn nằm tiềm ẩn trong nhân dân làm động lực cho phát triển kinh tế.

Cùng với điều kiện thuận lợi đến từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam diễn ra với tốc độ nhanh chóng, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội rất lớn để vượt qua khó khăn trước mắt, “lội ngược dòng” để đạt mục tiêu tăng trưởng như Quốc hội đề ra ở mức 6,7% cho năm 2016 và hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2016 - 2020. Tuy vậy, để đạt được điều này, Chính phủ cần quan tâm phát triển khối doanh nghiệp tư nhân, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho khối doanh nghiệp này phát triển.

Trong những năm tới, Chính phủ cần tạo môi trường pháp lý thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho các thành phần kinh tế để họ thỏa sức cạnh tranh, phát huy 4 nguồn lực cải cách hành chính bao gồm cắt giảm thủ tục để giảm chi phí không chính thức và chính thức; thành lập trung tâm hành chính công; thúc đẩy xúc tiến đầu tư; thúc đẩy thay đổi quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Cùng với đó là xây dựng chương trình đồng bộ về trợ giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 98% trong cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và lớn có tiềm năng cạnh tranh, nhưng khó khăn tạm thời, để họ có thể trở thành đầu tàu của nền kinh tế.

Phan Phương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Việt Nam năm 2016: Có "lội ngược dòng"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO