Kinh tế tuần hoàn: Thời cơ và giải pháp

Lưu Nguyên Sơn| 23/10/2020 21:30

(TN&MT) - Nhiều chuyên gia kinh tế đã ví von, nền kinh tế tuần hoàn giống như một chiếc hồ, trong đó việc tái xử lý hàng hóa và nguyên vật liệu tạo ra công ăn việc làm và tiết kiệm năng lượng, đồng thời làm giảm mức tiêu thụ nguồn lực và lượng rác thải. Kinh tế tuần hoàn đang trở thành hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam.

Heineken Việt Nam là doanh nghiệp đạt được nhiều thành tựu trong sử dụng kinh tế tuần hoàn. Ảnh: internet

Những doanh nghiệp "tăng trưởng xanh"

Heineken Việt Nam hiện có 6 nhà máy sản xuất bia và 10 văn phòng tại Việt Nam. Hiện nay, doanh nghiệp này đang tạo ra 212 nghìn việc làm, đóng góp 0,95% GDP và xếp thứ 5 trong 1000 doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất cho ngân sách Việt Nam. Ngoài ra, Heineken Việt Nam cũng thuộc Top 3 doanh nghiệp bền vững nhất Việt Nam trong 4 năm liên tiếp; nơi làm việc tốt nhất châu Á trong 2 năm liền; nhà máy bia tại TP. HCM 8 lần đạt danh hiệu nhà máy bia tốt nhất Heineken.

Bà Lê Thị Ngọc Mỹ, Giám đốc phát triển bền vững của Công ty Heineken Việt Nam chia sẻ, để góp phần phòng chống biến đổi khí hậu, tham gia bảo vệ môi trường và duy trì phát triển bền vững, ở mỗi khâu trong quá trình sản xuất, phân phối sản phẩm, doanh nghiệp đều chủ động thực hiện kinh tế tuần hoàn. Hiện nay, 5/6 nhà máy sản xuất của Công ty Heineken đã thực hiện nấu bia bằng 100% năng lượng tái tạo. Trong khâu đóng gói, 100% chai bia và két được sử dụng lại, 100% lon bia được tái chế. Trong khâu quản lý chất thải, 99% phụ phẩm, chế phẩm được tái chế, tài sử dụng. Trong khâu văn phòng và tổ chức các sự kiện, doanh nghiệp giảm 1% điện, 8% nước, 33% giấy. Ngoài ra, Heineken Việt Nam cũng tối ưu khâu phân phối sản phẩm, giúp giảm 2.000 tấn co2; sử dụng 100% tủ lạnh xanh giảm 65% khí co2; cải tiến trong bao bì cũng giúp doanh nghiệp giảm 273 tấn giấy trong năm 2019.

“Việc thực hiện kinh tế tuần hoàn đã đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và xã hội, nhất là người dân ở địa phương nơi triển khai dự án. Hiện Heineken gần như không còn chất thải chôn lấp vì 99% chất thải đã được tái sử dụng, tái chế trong quá trình quay vòng sản xuất”, bà Lê Thị Ngọc Mỹ cho biết.

Mục tiêu đến năm 2025 của Heineken Việt Nam là 100% nước được bù hoàn, nghĩa là trả lại thiên nhiên lượng nước tiêu thụ cho sản phẩm và lượng nước bốc hơi trong quá trình sản xuất; sử dụng 100% năng lượng tái tạo; 0% chất thải, rác thải chôn lấp.

Cùng với Heineken Việt Nam, Công ty Unilever Việt Nam cũng là doanh nghiệp có nhiều sáng kiến trong thực hiện kinh tế tuần hoàn như thiết kế lại bao bì để hạn chế sử dụng đồ nhựa, tăng cường các mô hình phân loại rác, thu gom và tái chế rác thải nhựa.

Unilever Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, tất cả bao bì sản phẩm của công ty đều sử dụng vật liệu có thể tái sử dụng, tái chế hoặc tự phân hủy; cắt giảm 50% việc sử dụng nhựa nguyên sinh, cắt giảm dung lượng nhựa sử dụng và sử dụng nhựa tái chế; thu gom và xử lý hơn số lượng sản phẩm bán ra thị trường...

Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Nguyễn Quang Vinh cho rằng, kinh tế tuần hoàn là mô hình mới, nhưng rất hữu hiệu và phù hợp với tất thảy các nền kinh tế. “Mỗi doanh nghiệp cần tìm hiểu, từng bước tự giác thực hiện kinh tế tuần hoàn và đó là hành động thực tế nhằm thực hiện tăng trưởng xanh, hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu”, ông Vinh chia sẻ.

Thời cơ và thách thức

Thành công của Heineken Việt Nam và Unilever Việt Nam là những tiền đề quan trọng cho các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam cùng hướng tới.

Hiện nay, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã đạt được những thành tựu to lớn, tuy nhiên cùng với đó là sự thiếu hụt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường gia tăng. Để khắc phục những vấn đề này, các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn. Tại Việt Nam, phát triển kinh tế tuần hoàn hiện có nhiều thời cơ nhưng cũng không ít thách thức.

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường, kinh tế tuần hoàn có một số thời cơ như hiện đang xu hướng chung của toàn cầu đã được chứng minh thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới, chính vì vậy Việt Nam sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm của các nước đi trước và phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Chúng ta cũng đang trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc chuyển đổi mô hình từ “kinh tế tuyến tính” sang “kinh tế tuần hoàn” góp phần phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững.

Cùng với đó, việc khuyến khích và tạo cơ chế cho kinh tế tư nhân phát triển trong bối cảnh thị trường cạnh tranh sẽ có nhiều cơ hội cho đầu tư của khu vực tư nhân vào thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới. Đồng thời, áp lực của thiếu hụt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, lượng chất thải lớn, nhất là chất thải nhựa sẽ giảm xuống khi phát triển kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra chúng ta đang thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển kinh tế tuần hoàn giúp giảm thiểu các chất gây hiệu ứng nhà kính, vì chúng được thu hồi gần như triệt để, không phát thải ra môi trường. Phát triển kinh tế tuần hoàn chính là cách thức phát triển giúp cho đạt nhiều mục tiêu, chỉ tiêu yêu cầu của SDGs.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh cũng cho rằng, bên cạnh những cơ hội thì việc phát triển và triển khai kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam cũng gặp phải không ít thách thức, như: nhận thức đúng về bản chất của kinh tế tuần hoàn được thực hiện từ thiết kế đến triển khai, trong các ngành, lĩnh vực, đối với từng doanh nghiệp, người dân và các cấp quản lý, lãnh đạo để tạo ra một đồng thuận chung là thách thức lớn. Việt Nam chưa có hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế tuần hoàn. Thách thức này cần phải được khắc phục, nếu không việc thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn cũng chỉ là tự phát và chịu sự điều chỉnh của động lực thị trường.

Cần một hành lang pháp lý rõ ràng

Phát biểu tại một hội nghị năm 2019, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam là một quốc gia nhỏ xếp thứ 68 thế giới về diện tích, thứ 15 thế giới về dân số, nhưng hiện đứng thứ 4 thế giới về rác thải nhựa, với 1,83 triệu tấn/năm. Theo World Bank, chỉ riêng ô nhiễm không khí đã khiến Việt Nam mất đi 5,18% GDP của năm 2013. Ô nhiễm nước cũng có thể gây thiệt hại cho Việt Nam tới 3,5% GDP. Để giải quyết nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường, chúng ta cần phải thay đổi cách tiếp cận chuyển đổi từ các mô hình kinh tế truyền thống sang kinh tế tuần hoàn. "Đây được xem là một ưu tiên trong giai đoạn tiếp theo của phát triển đất nước", Bộ trưởng nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh. Ảnh: Lưu Nguyên Sơn

Để đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, giải pháp quan trọng nhất lúc này là cần hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ cho phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường, quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường. Đẩy nhanh việc hoàn thiện và ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp môi trường, trong đó có công nghiệp tái chế....

Đồng thời, cần điều chỉnh quy hoạch năng lượng, giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, thủy điện; kiểm soát, thu hút có chọn lọc dự án đầu tư trên cơ sở xem xét các yếu tố về quy mô sản xuất, công nghệ sản xuất, kỹ thuật môi trường và vị trí thực hiện dự án. Xây dựng lộ trình chuyển đổi công nghệ dựa trên các tiêu chí tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, giảm thiểu chất thải.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, cần xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu vào, áp dụng khoa học công nghệ vào các ngành, đặc biệt là xử lý rác thải để tái tạo nguyên liệu mới. Mặt khác, để mở rộng nền kinh tế tuần hoàn, các nhà sản xuất cần phải xác định rõ đâu là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp. Thay vì sản xuất sản phẩm càng nhanh, càng rẻ càng tốt, thì độ bền của sản phẩm và quy trình sản xuất bền vững mới là yếu tố then chốt. Sản phẩm cần được thiết kế sao cho dễ dàng tái chế nếu muốn chúng không phải kết thúc số phận ở các bãi chôn rác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế tuần hoàn: Thời cơ và giải pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO